Thế giới vẫn cần cảnh giác với nguy cơ dịch tả ở quy mô toàn cầu
Thế giới vẫn cần hết sức cảnh giác với nguy cơ dịch tả bùng phát ở quy mô toàn cầu. Đây là lời cảnh báo do trang mạng allafrica.com đưa ra trong bài phân tích mới đây.
Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn bài phân tích nêu rõ, trong lịch sử, mỗi khi dịch tả bùng phát ở quy mô toàn cầu thường khiến ít nhất hàng trăm nghìn người tử vong.
Ngày nay, dịch tả ít được chú ý hơn bởi các nước phương Tây đã cơ bản xóa bỏ được bệnh dịch này.
Tuy nhiên, bệnh tả đang có nguy cơ bùng phát ở cấp độ toàn cầu và có thể gây tử vong với số lượng lớn.
Nguyên nhân gây bệnh tả là do ăn thực phẩm hoặc uống nước nhiễm vi khuẩn tả Vibrio.
Do cơ chế lây lan qua nguồn nước nhiễm vi khuẩn, các bệnh nhân mắc bệnh tả ở phương Tây hiện nay thường xuất phát từ nguyên nhân ăn hải sản nhiễm khuẩn.
Ở các nước đang phát triển, người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt chưa được xử lý hợp chuẩn lấy từ những con sông vốn được sử dụng để tắm, vệ sinh, khiến dịch bệnh có điều kiện lây lan.
Hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 150.000 ca mắc bệnh tả do sử dụng nước sông trong sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh tả khá phổ biến ở những khu vực có hệ thống vệ sinh kém, thậm chí tại các địa điểm trước đó chưa từng xuất hiện loại vi khuẩn này.
Vì vậy, bệnh tả được coi là đáng báo động ở các khu vực như châu Phi, Mỹ Latinh và Nam Á.
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đất ẩm tạo điều kiện cho bệnh tả xuất hiện và tồn tại tương đối lâu dài, đồng thời hệ thống nước ngầm không hợp vệ sinh làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, theo đó nước thải sinh hoạt của một bệnh nhân nhiễm tả có thể lây bệnh ra toàn bộ cộng đồng.
Ngoài ra, những khu ổ chuột, dân cư đông đúc là môi trường lý tưởng đối với bệnh tả.
Bão và lũ lụt có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước địa phương, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Dịch tả cũng thường xuất hiện theo chu kỳ tại các vùng chiến sự hoặc các trại tị nạn bị quá tải, không được cung cấp nguồn nước sạch cần thiết.
Tình trạng thiếu vệ sinh tại những nơi này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tả lây lan. Điển hình nhất là những vùng đang xảy ra nội chiến tại Yemen và Syria.
Quá trình toàn cầu hóa dường như cũng góp phần làm lây lan dịch tả. Bệnh nhân nhiễm bệnh tả có thể vô tình di chuyển đến các khu vực khác, trở thành nguồn lây lan mầm bệnh khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, máy bay…
Như vậy, ngay cả những khu vực được cung cấp nước sinh hoạt an toàn vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Các thành phố quá đông dân cũng là điều kiện lý tưởng để bùng phát dịch tả.
Tại các nước đang phát triển, dòng người di cư từ nông thôn tới thành thị vẫn tiếp diễn, do đó nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Các nước có hệ thống y tế kém phát triển và điều kiện tài chính không đáp ứng được các gánh nặng dịch bệnh sẽ đối mặt với sự lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
Đợt bùng phát dịch tả ở Haiti năm 2010 xuất phát từ binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến trợ giúp nước này khắc phục hậu quả động đất đã mang theo mầm bệnh tả từ Nepal, theo đó nguồn nước sinh hoạt địa phương tại Haiti nhiễm khuẩn do điều kiện vệ sinh kém.
Đợt dịch tả này đã khiến hơn 10.000 người tử vong và hàng trăm nghìn người bị nhiễm.
Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân có thể mất rất nhiều nước, phải nằm liệt giường, làm tăng đáng kể nguy cơ lây sang người khác.
Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể qua khỏi cơn nguy kịch. Nhưng nếu bị nhiễm tả và chẩn đoán nhầm, bệnh nhân có thể tử vong do mất nước trong vòng 2 hoặc 3 ngày.
Hiện nay, nhờ có hiểu biết về cơ chế nhiễm bệnh, phương thức lây lan và biện pháp điều trị bệnh tả, hậu quả của dịch bệnh này đã bớt tàn khốc hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, trang mạng allafrica.com cảnh báo thế giới cần phải ý thức được rằng y học hiện đại vẫn đang phải đương đầu với kẻ thù cổ xưa này và dịch tả sẽ tiếp tục đe dọa nhân loại trong tương lai gần./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()