Thế giới tuần qua: Lo ngại nguy cơ chiến sự tái diễn tại Đông Ukraine
Thế giới tuần qua (28/9 – 5/10) đã chứng kiến nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, với các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là tình hình chiến sự đang có dấu hiệu được “hâm nóng” tại miền Đông Ukraine, diễn biến phức tạp của đại dịch Ebola và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
![]() |
Hiện trường vụ nã đạn pháo gần trụ sở ICRC ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 2/10 khiến một nhân viên của tổ chức này thiệt mạng. (Ảnh: Reuters) |
Giao tranh tái diễn tại miền Đông Ukraine
Trong tuần qua, các cuộc giao tranh vẫn tái diễn tại miền Đông Ukraine, trong khi lệnh ngừng bắn ngày 5/9 đang phát huy hiệu lực.
* Hội đồng thành phố Donetsk thuộc miền Đông Ukraine, ngày 29/9 ra thông báo cho biết: Thành phố này vừa trải qua một đêm bị tấn công bằng đạn pháo “tồi tệ nhất” trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây khiến 3 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Hội đồng thành phố Donetsk đánh giá đây là một “lần vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine – bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/9.
Cùng ngày, phát ngôn viên an ninh Ukraine Andriy Lysenko cũng cáo buộc vào đêm 28/9, lực lượng bán quân sự ở miền Đông Ukraine đã sử dụng đạn pháo tấn công một xe bọc sắt của quân đội chính phủ tại khu vực gần sân bay Donetsk. Vụ tấn công này đã khiến 7 binh sỹ thiệt mạng và được xem là gây nên những thiệt hại về người “nghiêm trọng nhất” đối với quân đội Ukraine kể từ khi lệnh ngừng bắn ở miền Đông có hiệu lực từ ngày 5/9.
* Theo thông tin chính thức từ Hội đồng thành phố Donetsk, cuộc giao tranh ngày 1/10 giữa quân đội chính phủ và lực lượng bán quân sự tại miền Đông Ukraine đã khiến một quả đạn pháo rơi vào một chiếc xe buýt khiến nhiều người bị thương và thiệt mạng. Đáng chú ý, một trường học phổ thông đã bị trúng đạn pháo ngay vào thời điểm 70 học sinh của trường này đang đứng xếp hàng nhân ngày đầu đến trường.
Một số nguồn tin nước ngoài cho biết, cuộc giao tranh diễn ra tại Donetsk – thành phố lớn đang thuộc quyền kiểm soát của lực lượng bán quân sự ở Đông Ukraine, ngày 1/10 đã khiến 10 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương. Đây là con số thương vong cao nhất ghi nhận được kể từ khi lệnh ngừng bắn phát huy hiệu lực tại miền Đông Ukraine từ hôm 5/9 vừa qua.
* Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, trong ngày 2/10, một quả đạn pháo đã rơi gần văn phòng của tổ chức này tại thành phố Donetsk và cướp đi sinh mạng của anh Laurent DuPasquier, 38 tuổi, mang quốc tịch Thụy Sĩ.
Giám đốc điều hành các chiến dịch của ICRC, ông Dominik Stillhart, ngày 2/10 đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước sự mất mát mang tính thảm kịch này”. Ông Stillhart cho rằng, các cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine, ngày 2/10, có thể đã cướp đi sinh mạng của nhiều thường dân vô tội khác, ngoài nhân viên của ICRC.
Cùng ngày, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)… lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên và kêu gọi ngay lập tức, chấm dứt tình trạng đổ máu tại miền Đông Ukraine.
*Ngày 3/10, giao tranh dữ dội tiếp tục xảy ra giữa các binh sĩ Ukraine và lực lượng bán quân sự ở miền Đông nước này nhằm giành quyền kiểm soát sân bay chiến lược ở Donesk. Nhiều tiếng nổ lớn vang lên trong thành phố. Lực lượng bán quân sự khẳng định đã kiểm soát gần như toàn bộ sân bay, gồm một nhà ga cũ và một tòa nhà mới xây, trong khi quân đội Ukraine nói rằng các lực lượng đòi này chỉ chiếm được tầng một của nhà ga cũ, nhưng đã bị đẩy lui dù giao tranh vẫn tiếp diễn.
Nước Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Ebola
* Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệch Mỹ (CDC) ngày 30/9 xác nhận đã có trường hợp nhiễm virút Ebola đầu tiên ở nước này. Ngay sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại nước này chính quyền Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hơn 1.000 binh sỹ tới Liberia, ngăn chặn dịch Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi và có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác trên thế giới.
* Liên quan đến công tác hỗ trợ kiểm soát dịch Ebola tại các nước Tây Phi, ngày 1/10, Chính phủ Séc đã quyết định gửi số hàng viện trợ nhân đạo trị giá 180.000 USD tới các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola. Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cho biết số hàng viện trợ trên chủ yếu gồm các thiết bị phòng bệnh như khẩu trang, găng tay… Ngoài số hàng viện trợ trên, Séc cũng đã gửi số hàng hóa trị giá 140.000 USD tới vùng dịch thông qua tổ chức Bác sĩ không biên giới.
* Ngày 2/10, các chuyên gia Cuba đã tới Sierra Leone nhằm tiếp sức cho quốc gia Tây phi này trong cuộc chiến dập dịch Ebola đã hoành hành nhiều tháng qua tại Tây Phi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm và các điều dưỡng viên chăm sóc đặc biệt của Cuba này dự kiến sẽ làm việc tại Sierra Leone trong 6 tháng. Cuba được đánh giá là nước có khả năng đào tạo chuyên viên y tế xuất sắc và có hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới cần khoảng 1 tỷ USD để chiến đấu hiệu quả chống Ebola, trong khi WHO cảnh báo hàng trăm nghìn người có thể bị nhiễm bệnh vào cuối năm nay nếu các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh không được tiếp tục đẩy mạnh.
* Trong nỗ lực giúp Liberia đối phó với dịch bệnh Ebola, ngày 3/10, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến nâng số binh sĩ được triển khai tới quốc gia Tây Phi này lên lên 4.000 người, tăng 1.000 binh sĩ so với kế hoạch ban đầu.
Ngày càng có nhiều nước hưởng ứng chiến dịch quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng
* Tổng thống Barack Obama ngày 28/9 thừa nhận rằng, Mỹ đã đánh giá thấp các hoạt động của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bên trong lãnh thổ Syria – vốn đã trở thành “vùng đất số không” cho phong trào thánh chiến Hồi giáo trên thế giới. Bên cạnh những nỗ lực quốc tế, ông Obama cũng nêu rõ, một phần trong nỗ lực giúp đi tới thành công trong cuộc chiến chống IS phụ thuộc vào khả năng của Syria và Iraq trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ đang diễn ra tại hai quốc gia Trung Đông này.
* Ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết Không quân Hoàng gia nước này đã tiến hành những cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq. Trong một tuyên bố, ông Fallon nêu rõ hai máy bay Tornado đã phá hủy một số trang bị vũ khí hạng nặng của IS, tuy nhiên chỉ cho biết đây là hành động hỗ trợ lực lượng người Kurd mà không cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm tấn công.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho hay các chiến đấu cơ Mỹ cùng ngày tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS gần thị trấn Ain al-Arab nằm trên biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.
* Ngày 2/10, với 298 phiếu thuận và 98 phiếu chống, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý trao “quyền lực mới” cho chính phủ cử lực lượng tham gia vào chiến dịch quốc tế chống IS tại Iraq và Syria, đồng thời cho phép các lực lượng nước ngoài sử dụng lãnh thổ của quốc gia này trong các chiến dịch “khả thi” để chống lại IS – lực lượng vốn đang chiếm đóng phần lớn lãnh thổ hai nước láng giềng Iraq, Syria và có nguy cơ lan sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron, tuyên bố London sẽ cử thêm 2 máy bay chiến đấu – nâng tổng số máy bay mà của nước này tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu của IS tại Iraq lên con số 8.
* Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/10, Thủ tướng AustraliaTony Abbott cho biết, chính phủ nước này sẽ triển khai một lực lượng quân đội đặc nhiệm tới Iraq để hỗ trợ chiến dịch chống lại IS, đồng thời tiết lộ thêm rằng Australia cũng sẽ cử máy bay tham gia vào các cuộc không kích do Mỹ cầm đầu nhằm vào các mục tiêu của IS.
* Trong động thái nhằm gia tăng sức mạnh của liên minh quốc tế chống IS, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert ngày 3/10 cho biết nước này sẽ điều máy bay F-16 tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu của IS tại Iraq vào cuối tuần này. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội đối với kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu nhằm hỗ trợ chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống IS.
Một số vấn đề đáng chú ý khác
* Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 29/9 đã tới thủ đô Washington bắt đầu chuyến thăm Mỹ hai ngày, trong đó Ấn Độ và Mỹ cam kết cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mới.
* Ngày 30/9, Afghanistan và Mỹ đã ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) vốn bị trì hoãn từ lâu, theo đó cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ lưu lại nước này sau lộ trình rút quân vào ngày 31/12/2014 nhằm đào tạo và cố vấn cho các lực lượng an ninh nước sở tại.
* Ngày 30/9, cũng tại thủ đô Kabul, Afghanistan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký Thỏa thuận về quy chế các lực lượng NATO (SOFA), cho phép các quốc gia thành viên của liên minh quân sự tiếp tục duy trì sự hiện diện của khoảng 2.000 binh lính nhằm huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng an ninh nước sở tại.
* Sáng 1/10, tại cuộc họp đầu tiên của kỳ họp toàn thể lần thứ 3, Quốc hội Campuchia khóa V đã nhất trí thông qua điều khoản sửa đổi Hiến pháp, theo đó Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) được thành lập và hoạt động độc lập theo quy định của Hiến pháp.
* Ngày 1/10, bà Julia Pierson, Giám đốc Cơ quan Mật vụ liên bang Mỹ, lực lượng cảnh sát ưu tú chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống, đã thừa nhận những sai sót “không thể chấp nhận được” trong an ninh của Nhà Trắng sau vụ đột nhập gần đây, và tiếp theo là một số sự cố trong dịch vụ.
* Trong bức thư trả lời gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 1/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham vấn ba bên (gồm EU, Nga và Ukraine) về việc thực hiện Hiệp định liên kết giữa Ukraine với EU, nhằm giải tỏa mối quan ngại của Moscow liên quan kế hoạch thành lập khu vực thương mại tự do EU/Ukraine.
* Ngày 2/10, Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết phối hợp kỷ niệm 50 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một dấu hiệu cho thấy Tokyo và Seoul đang cố gắng từng bước “hâm nóng” mối quan hệ bị ảnh hưởng không ít bởi những tranh chấp do lịch sử để lại.
* Ngày 2/10, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố định chế này sẵn sàng tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế thông qua việc mua trái phiếu trên qui mô lớn nếu cần thiết nhằm tránh để Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào tình trạng giảm phát.
* Ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) sau khi Quốc hội nước này thông qua văn kiện trên cuối tháng 9 vừa qua. Như vậy, Nga trở nước đầu tiên trong 3 quốc gia tham gia EEU (gồm cả Belarus và Kazakhstan) hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để EEU có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
* Ngày 4/10, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành hội đàm cấp cao nhất kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hae lên nắm quyền cuối tháng 2/2013 và đã đạt được thỏa thuận về việc tiến hành cuộc gặp tiếp theo sớm nhất vào cuối tháng này.
Theo CPV
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()