Thế giới tuần qua: Diễn biến chính trị phức tạp tại nhiều nước
Diễn biến chính trị phức tạp tại một số nước vẫn là tâm điểm chú ý của thế giới tuần qua (14 - 20/12). Bên cạnh đó, những ngày cuối năm 2013 cũng chứng kiến sự tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các nước.
Diễn biến chính trị phức tạp tại một số nước vẫn là tâm điểm chú ý của thế giới tuần qua (14 – 20/12). Bên cạnh đó, những ngày cuối năm 2013 cũng chứng kiến sự tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các nước.
* Thái Lan: Nếu như trong những tuần trước, sự rầm rộ của người biểu tình chống chính phủ làm nóng chính trường Thái Lan, thì trong tuần này, những động thái mới nhất cho thấy, cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới đang trở thành tâm điểm tranh luận của các phe phái nước này. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Supachai Somcharoen ngày 19/12 khẳng định, cuộc tổng tuyển cử của nước này sẽ diễn ra vào ngày 2/2/2014 như kế hoạch. Ông bác bỏ một báo cáo không có căn cứ cho rằng kế hoạch tổng tuyển cử sẽ bị hoãn lại.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục phát động biểu tình, |
Theo ông Supachai, sắc lệnh hoàng gia về cuộc tổng tuyển cử sẽ vẫn được tiến hành và EC có trách nhiệm thực hiện. Ông này cũng khẳng định, hành động của người biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã gây rắc rối và làm tổn hại đến nền kinh tế, ngành du lịch và hình ảnh của đất nước. Ông cho rằng động cơ thực sự của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) là nhằm khuyến khích quân đội tổ chức một cuộc đảo chính.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục phát động biểu tình quy mô lớn, nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức. Ông này khẳng định sẽ không từ bỏ cho đến khi đạt được mục tiêu. Trong khi Thủ tướng Yingluck cho biết, bà sẽ không từ chức.
* Nam Sudan:Xung đột giữa các lực lượng quân sự đã nổ ra ở Nam Sudan gây thương vong lớn và khiến tình hình chính trị ở nước này trở nên phức tạp. Chính phủ Nam Sudan cho biết, xung đột nổ ra giữa các nhóm quân sự từ hôm 15/12 đã khiến ít nhất 500 người thiệt mạng, trong đó có nhiều binh lính. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 18/12 cho biết, bối cảnh hiện tại ở Nam Sudan “cần phải được giải quyết thông qua đối thoại chính trị”, đồng thời cảnh báo rằng bạo lực đang tiếp diễn ở thủ đô có thể lan rộng ra nhiều khu vực khác tại quốc gia này.
Trong khi đó, ngày 19/12, một nhóm vũ trang đã tấn công vào trụ sở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở bang miền Đông Jonglei, Nam Sudan. Mặc dù chưa có báo cáo cụ thể về thương vong nhưng sự việc đã khiến Liên hợp quốc hết sức quan ngại.
* Italy:Hàng nghìn người Italy, trong đó có các thành viên phong trào “Forconi”, ngày 18/12 đã tổ chức biểu tình ở thủ đô Rome phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn xã hội lan rộng tại quốc gia vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Sinh viên thất nghiệp, các chủ kinh doanh “cháy túi” và người nhập cư đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình khác nhau tại trung tâm thành phố, trong bối cảnh Italy đang phải “vật lộn” để phục hồi sau cuộc suy thoái sâu và dài nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Giới chức Italy bày tỏ lo ngại làn sóng biểu tình lan rộng có nguy cơ biến thành bạo lực, gây bất ổn xã hội tại quốc gia đang ngập trong nợ nần này. Tuy nhiên, chính phủ Italy cũng tuyên bố sẽ không nhân nhượng đối với bất cứ đối tượng nào kích động bạo lực.
Kinh tế Italy đã kết thúc 2 năm suy giảm trong quý III/2013, song nợ công của nước này vẫn chiếm tới 133% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức kỷ lục.
Các nước tăng cường quan hệ hợp tác
* Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thăm Việt Nam, Philippines và Trung Đôngtrong các ngày từ 11 đến 18/12.Trong chính sách tái cân bằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á chiếm vai trò đặc biệt quan trọng và chuyến đi của Ngoại trưởng đến Việt Nam và Philippines chứng tỏ sự cam kết lâu dài của Hoa Kỳ cũng như mối liên hệ cá nhân của ông đối với khu vực. Chuyến đi châu Á lần này là chuyến thứ tư tới khu vực kể từ khi ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam nhằm làm nổi bật sự chuyển đổi đáng kể trong mối quan hệ song phương qua nhiều năm và quan hệ đối tác đang phát triển giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Tại Philippines, Ngoại trưởng Mỹ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Philippines tại Manila để thảo luận các biện pháp nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác về kinh tế, an ninh cũng như mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Tại Jerusalem (Israel), Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu để thảo luận về một loạt các vấn đề trong đó bao gồm cả vấn đề Iran và các cuộc đàm phán tiếp tục về quy chế cuối cùng của Palestine. Ở Ramallah (Palestine), Ngoại trưởng Kerry đã gặp Tổng thống Mahmoud Abbas để thảo luận về các cuộc đàm phán tiếp tục về quy chế cuối cùng và các vấn đề khác.
* Trung Đông và Trung Á vẫn là trọng tâm đối ngoại của Nga: Tình hình ở Syria và Afghanistan, tiến trình giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vẫn là trọng tâm chú ý của Bộ Ngoại giao Nga. Ngày 18/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố điều này khi phát biểu tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov gọi việc phương Tây đang cố gắng gây áp lực đối với Ukraine trong vấn đề hội nhập châu Âu, đặc biệt sau khi Kiev ký thỏa thuận với Moskva, là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh thỏa thuận đạt được giữa các tổng thống Nga và Ukraine ngày 17/12 nhằm mục đích hợp tác cùng có lợi giữa hai nước và khôi phục các mối liên hệ cũ. Theo ông, kể cả trong khuôn khổ hợp tác Liên minh Âu – Á, Nga không hành động theo chiến thuật ép buộc các đối tác mà đề cao hợp tác hiệu quả, xây dựng một không gian kinh tế và xã hội thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.
* Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương: Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí nâng mối quan hệ song phương thành quan hệ hợp tác chiến lược bằng việc ký 11 hiệp định hợp tác và thông qua Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Ankara ngày 17/12 của Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng thống Mexico tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 85 năm qua.
Sau khi công bố Tuyên bố chung và ký 11 hiệp định hợp tác song phương, Tổng thống Penha Nieto đã trao cho người đồng cấp chủ nhà Abdullah Gül số tiền 1 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân Syria lánh nạn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định quyết tâm xây dựng và mở rộng mối quan hệ song phương ngày càng bền chặt và hiệu quả hơn trong những năm tới.
Trao đổi thương mại hai chiều Mexico – Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2012 đạt gần 800 triệu USD và trong 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch đã tăng 11% so với con số cả năm trước và hai bên hy vọng sẽ tăng đột biến sau khi hai nước ký FTA trong năm 2014.
* Indonesia, Nhật Bản tăng cường hợp tác kinh tế: Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Hidayat ngày 19/12 cho biết, trong khuôn khổ hợp tác song phương, Nhật Bản sẽ tài trợ 150 tỷ yên (1,46 tỷ USD) giúp Indonesia đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới.
Trong khi đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) nhận định rằng Indonesia sẽ trở thành điểm đến đầu tư chính của Nhật Bản trong năm 2014. Số liệu thống kê của Ủy ban Điều phối Đầu tư Quốc gia Indonesia cho biết tổng đầu tư từ các công ty Nhật Bản vào 405 dự án ở Indonesia trong năm 2012 đạt 2,46 tỷ USD và các con số tương ứng trong 9 tháng đầu năm nay là 646 dự án và 3,64 tỷ USD.
Trong một động thái liên quan, hôm 17/12, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) vừa ký một thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), nâng mức hoán đổi tiền tệ song phương, từ 12 tỷ USD trong thỏa thuận trước đó lên 22,7 tỷ USD. Thỏa thuận này nhằm mở rộng khả năng ứng phó với các áp lực và cú sốc tiền tệ, tài chính lên nền kinh tế, nhất là nguy cơ thoái vốn ra bên ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài do kế hoạch giảm dần gói kích thích kinh tế (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Một số sự kiện đáng chú ý khác
* Anh: Sáng sớm ngày 20/12, một phần ban công bên trong nhà hát Apollo ở thủ đô London của Anh đã bất ngờ đổ sập khiến gần 90 người bị thương, trong đó có 7 người thương nặng phải nhập viện. Vụ việc xảy ra vào khoảng 20h30 ngày 19/12 theo giờ địa phương. Theo các nhân chứng, một phần của ban công trên tầng 4 của nhà hát bị sập trong lúc khán giả đang theo dõi một vở kịch. Sự việc bất ngờ đã khiến khán giả hoảng loạn sau khi nhận ra đây không phải là một phần của vở diễn. Giới chức Anh cho biết có khoảng 720 người trong nhà hát khi xảy ra vụ việc. Có 88 người bị thương, trong đó 7 người phải nhập viện vì bị thương nặng. Toàn bộ những người bị mắc kẹt bên trong đều được nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi nhà hát. Đa số nạn nhân bị thương ở vùng đầu do bị các mảnh vỡ rơi trúng. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ sập ban công nhà hát Apollo, song cảnh sát bác bỏ khả năng đây là một vụ cố ý phá hoại hoặc tấn công.
Gần 90 người đã bị thương vì ban công nhà hát bị sập ở Anh (Ảnh: Xinhua) |
* Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 18/12, đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử nhằm bảo vệ quyền riêng tư của những người sử dụng internet. Bản nghị quyết do Brazil và Đức soạn thảo ngay sau khi những thông tin liên quan tới chương trình do thám của Mỹ nhằm vào các nhà lãnh đạo nước ngoài bị cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden phanh phui trước dư luận.
Bản nghị quyết được 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua, tuy không mang tính ràng buộc và không đề cập tới một quốc gia cụ thể nào song đã thể hiện sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với việc chấm dứt các hành vi do thám điện tử. Các bản nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc thường được xem là một văn kiện có sức nặng đáng kể về đạo đức và chính trị.
* Ngày 19/12, Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công Hàn Quốc mà “không cảnh báo trước” nhằm đáp trả các cuộc mít-tinh chống Triều Tiên diễn ra ở Seoul hồi đầu tuần. Phản ứng trước tuyên bố trên của Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min -soek khẳng định Seoul “sẽ đáp trả một cách cứng rắn” trước tất cả các hành vi khiêu khích. Ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae tiếp tục kêu gọi Triều Tiên ngừng đưa ra các lời lẽ đe dọa mang tính chất gây hấn chống lại Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi người láng giềng miền Bắc hợp tác để xoa dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội Hàn Quốc, ngày 20/12, ông Ryoo Kihl-jae nói: “CHDCND Triều Tiên cần tỏ rõ thái độ thiện chí nhằm giải quyết các vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ liên Triều theo cách tiếp cận từng bước một, thông qua đối thoại… Chỉ trong trường hợp đó, phía Hàn Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc cải thiện nền kinh tế trì trệ của Triều Tiên”.
Theo CPV
Ý kiến ()