Thế giới tuần qua (19 – 25/10): Rúng động các sự kiện từ nước Mỹ
Những sự kiện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội,... đã làm nên bức tranh sinh động về tình hình thế giới tuần qua (19 – 25/10). Tuy vậy, sự chú ý của dư luận thế giới trong tuần qua đã dành cho nước Mỹ với hàng loạt những sự kiện không thể bỏ qua.
Những sự kiện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội,… đã làm nên bức tranh sinh động về tình hình thế giới tuần qua (19 – 25/10). Tuy vậy, sự chú ý của dư luận thế giới trong tuần qua đã dành cho nước Mỹ với hàng loạt những sự kiện không thể bỏ qua.
Nước Mỹ với hàng loạt câu chuyện đáng quan tâm
* Những bi kịch súng đạn liên tiếp: Ngày 24/10, một nam sinh Mỹ 11 tuổi đã phải ra tòa vì tình nghi âm mưu giết người sau khi mang một khẩu súng ngắn, 400 viên đạn và nhiều dao tới trường trung học cơ sở Frontier ở Vancouver, bang Washington. Cảnh sát cho biết đối tượng đã bị thẩm vấn và sau đó bắt giữ vì âm mưu giết người.
Hiện trường một vụ xả súng ở bang California (Ảnh: Euronews) |
Cũng trong ngày 24/10, các quan chức cho biết, hai lính Vệ binh Quốc gia Mỹ đã bị thương trong vụ xả súng tại một căn cứ quân sự ở bang Tennessee. Vụ việc xảy ra một tháng sau vụ xả súng kinh hoàng làm 13 người thiệt mạng tại một căn cứ ở thủ đô Washington D.C.
Ngày 23/10, một cô giáo 24 tuổi đã bị một nam sinh 14 tuổi sát hại tại trường trung học phổ thông Danvers, bang Massachusetts.
Ngày 22/10, cảnh sát California đã bắn chết Andy Lopez, một nam thiếu niên 13 tuổi đi trên phố mang theo một khẩu súng bắn chim có hình dáng giống súng tiêu liên AK-47
Ngày 21/10, một học sinh 12 tuổi đã bắn chết một giáo viên tại trường trung học cơ sở Sparks thuộc bang Nevada, làm bị thương 2 bạn học rồi tự sát.
* Nước Mỹ tiếp tục bị chỉ trích vì vụ bê bối nghe lén điện thoại:
Cho đến nay, những lùm xùm xung quanh vụ bê bối nghe lén điện thoại của Mỹ không chỉ khỏi vượt phạm vi quốc gia này mà nó còn lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và mới đây nhất là các nước đồng minh thân tín của Mỹ tại châu Âu. Hiện vẫn chưa thể kết luận được vụ việc này rồi sẽ đi đến đâu, song rõ ràng những thông tin này đã khiến mối quan hệ và lòng tin giữa Mỹ và nhiều nước bị sứt mẻ nghiêm trọng. Tờ “The Guardian” (Anh) đăng tải ngày 24/10 cho thấy Mỹ đã nghe lén các cuộc điện thoại của ít nhất 35 nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ngày 23/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có phản ứng mạnh mẽ sau khi xuất hiện thông tin trên tờ “Spiegel” (Tấm gương) cho rằng, mật vụ Mỹ đã theo dõi điện thoại của bà trong suốt nhiều năm qua. Thông tin này cũng đã được Cơ quan Tình báo liên bang (BND) và Văn phòng An ninh thông tin Liên bang Đức xác minh.
Nhật báo “Le Monde” (Thế giới) của Pháp số ra ngày 21/10, dẫn các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden công bố, cho thấy, NSA đã nghe lén 70,3 triệu cuộc điện thoại và tin nhắn SMS của công dân Pháp trong khoảng thời gian từ ngày 10/12/2012 đến 8/1/2013. NSA tự động dò tìm các cuộc điện thoại của những số liên lạc cụ thể ở Pháp và xem lén cả tin nhắn điện thoại trong chương trình có mật danh US-985D.
Ngày 20/10, chính phủ Mexico tiếp tục yêu cầu Mỹ phải điều tra, làm rõ trách nhiệm trong việc do thám giới chức cấp cao nước này. Yêu cầu trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhật báo “Der Spiegel” của Đức đưa tin về việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi thư từ cá nhân của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon và ứng cử viên Tổng thống Enrique Peña Nieto , người đang nắm giữ cương vị Tổng thống Mexico hiện nay.
* Trang web HealthCare.gov liên tục gặp trục trặc kỹ thuật:
Sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng ý cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động trở lại và gia hạn quyền vay tiền trả nợ cho Bộ Tài chính, nước Mỹ tạm thoát khỏi cuộc vỡ nợ. Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định lại ý nghĩa của Đạo luật cải cách y tế Obamacare và cho biết, ông cùng các cộng sự sẽ nhanh chóng khắc phục những lỗi kỹ thuật trên trang HealthCare.gov.
Được biết, sau khi xuất hiện trước công chúng, trang web HealthCare.gov đã gặp một số trục trặc về kỹ thuật và hầu như đã không đáp ứng được dịch vụ trong hai tuần đầu tiên. Những người dân Mỹ không có bảo hiểm và muốn đăng ký để mua bảo hiểm đã gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký. Các nhà cung cấp y tế cũng phàn nàn rằng, hệ thống này không ổn định để cung cấp cho họ danh sách những người đã đăng ký bảo hiểm thành công. Hệ thống này đã được cải thiện trong tuần vừa qua, nhưng nhìn chung vẫn còn hoạt động yếu khi có hàng triệu lượt người quan tâm muốn mua các gói bảo hiểm y tế.
Kết quả thăm dò cho thấy, hiện có 45% công chúng Mỹ ủng hộ đạo luật ObamaCare, tăng 4 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò hồi tháng 8. Trong khi đó, số người phản đối vẫn duy trì ở mức 50%. Sự gia tăng số người ủng hộ xuất hiện trong bối cảnh đảng Dân chủ của Tổng thống Obama tiếp tục thúc đẩy việc thực thi đạo luật này từ đầu năm 2014 bất chấp những nỗ lực của đảng Cộng hòa tìm cách hủy bỏ hoặc trì hoãn từng phần của đạo luật.
* Cảnh báo những tác động tiêu cực do cắt giảm ngân sách quốc phòng:
Việc cắt giảm mạnh nhân sự và các kế hoạch quốc phòng không phù hợp có thể khiến quân đội Mỹ suy yếu đáng kể. Cảnh báo trên của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Ray Odierno và Bộ trưởng Lục quân John McHugh được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ ngân sách bị cắt giảm thêm 21 tỷ USD trong năm tới nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận về thuế và chi tiêu, theo đó chương trình cắt giảm chi tiêu tự động sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 3/2014.
Trong thời gian tới, Lục quân Mỹ sẽ buộc phải thực hiện các kế hoạch cắt giảm chi tiêu do Lầu Năm Góc ngày càng có nguy cơ phải đối mặt với việc ngân sách bị cắt giảm gần 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới, trong đó có khoản 37 tỷ USD cắt giảm đồng loạt đã được thực thi hồi đầu năm nay. Hiện quân số của Lục quân Mỹ đã giảm từ mức 570.000 quân thời chiến xuống còn 420.000 quân và có khả năng con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 380.000 quân. Số lữ đoàn chiến đấu dự kiến giảm từ mức 45 hiện nay xuống còn 33 lữ đoàn.
Một số sự kiện tiêu biểu khác tại các nước
* Nhà chức trách Campuchia vừa huy động trên 4.000 cảnh sát và quân cảnh để bảo đảm trật tự, an ninh cho cuộc biểu tình 3 ngày (23-25/10) của đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP). Sáng 23/10, khoảng 40.000 người ủng hộ đảng CNRP đã tụ tập tại Quảng trường Dân chủ ở thủ đô Phnom Penh, bắt đầu cuộc biểu tình kéo dài 3 ngày đòi xem xét lại kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa V vừa qua. Trong hai ngày 24 – 25/10, người biểu tình tiếp tục đến các Đại sứ quán các nước Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Nga, Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc để trao kiến nghị.
Trước đó, Bộ Nội vụ Campuchia đã cho phép CNRP tổ chức biểu tình từ ngày 23-25/10 tại Quảng trường Dân chủ, với điều kiện chỉ biểu tình ban ngày và cấm cắm trại qua đêm, đồng thời người biểu tình tuần hành đến Văn phòng Liên hợp quốc và các đại sứ quán để trao kiến nghị phải chia thành từng đoàn chỉ gồm 1.000 người.
Trận động đất đã gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng tại một số khu vực của Philippines |
*Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 21/10 cho biết, chính phủ nước này cần ít nhất 7 tỷ pê-sô (tương đương 162,9 triệu USD) để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bị động đất ở miền Trung, đặc biệt là tỉnh Bohol. Theo ông, có ít nhất 30.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn bởi trận động đất. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính lên tới 867,24 triệu pê-sô (20,17 triệu USD), chủ yếu tập trung ở Bohol, tâm chấn của trận động đất.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, trận động đất đã khiến 186 người thiệt mạng và 583 người bị thương, trong khi vẫn còn 11 người mất tích.
Được biết, chính phủ Philippines sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính khẩn cấp khoảng 10.000 pê-sô (tương đương 232,56 USD) cho mỗi gia đình có người thiệt mạng trong trận động đất, trong khi 5000 pê-sô (116,28 USD) cho mỗi gia đình có người bị thương.
* Hãng thông tấn KCNA, ngày 23/10, dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định: Bình Nhưỡng sẽ không đơn phương từ bỏ sức mạnh răn đe hạt nhân trừ khi “các mối đe dọa hạt nhân từ bên ngoài bị loại bỏ”. Bên cạnh đó, bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng lên án Mỹ có những hành vi nhằm “đùn đẩy” trách nhiệm cho phía Bình Nhưỡng, đồng thời, kêu gọi Washington từ bỏ chính sách thù địch đối với nước này. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc – nước chủ nhà của các vòng đàm phán sáu bên tiếp tục tỏ rõ quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua cơ chế đối thoại, hòa bình.
* Ngày 22/10, tại cuộc gặp ở thủ đô London của Anh, Nhóm “những người bạn của Syria” (gồm 11 nước phương Tây và các nước đồng minh Trung Đông) đã kêu gọi phe đối lập tại Syria tham gia hội nghị hòa bình thứ hai về Syria (gọi tắt là Geneva II), dự kiến sẽ diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng tới. Tại cuộc gặp này, 11 đại diện của các nước thuộc Nhóm “những người bạn của Syria” đã kêu gọi sự đoàn kết từ phía lực lượng đối lập Syria và xem đây là một yếu tố quan trọng giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia này. Cụ thể, các nước trên kêu gọi phe đối lập Syria tham gia Hội nghị Geneva II vốn do Ngoại trưởng Nga và Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2013 và dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng 11/2013.
* Ngày 24/10, tại Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua ngân sách sửa đổi bổ sung thêm 2,7 tỷ euro dành cho năm 2013 theo yêu cầu khẩn cấp của Ủy ban châu Âu (EC) để tránh cho Liên minh châu Âu (EU) bị rơi vào tình trạng mất tính thanh khoản. Theo Nghị viện châu Âu, khoản tài chính bổ sung này là cần thiết vì các nguồn thu từ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ bên ngoài EU là thấp hơn nhiều so với dự kiến.
* Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 22/10 đã hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp cấp cao diễn ra cùng ngày giữa Tổng thống Sudan Omar al-Bishir và người đồng cấp Nam Sudan Mayardit Salva Kiir. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cả hai nước cần khẩn trương thực hiện các đề xuất của Ủy ban Điều phối cấp cao của AU (AUHIP) để đưa ra quyết định cuối cùng về tình hình ở Abyei; đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo từ bỏ các sáng kiến đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Abyei. Được biết, trong cuộc gặp ngày 22/10, Sudan và Nam Sudan hai bên đã nhất trí đẩy nhanh việc thành lập một khu vực phi quân sự an toàn trên biên giới chung vào trước trung tuần tháng 11 và sẽ làm việc cùng nhau để ngăn chặn sự hỗ trợ hoạt động của các nhóm vũ trang.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()