Thế giới tiếp tục cuộc chiến chống AIDS
Tình nguyện viên điều trị người bệnh AIDS ở Thái-lan. Ảnh AFP Theo báo cáo hằng năm của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của LHQ (UNAIDS) công bố ngày 21-11 vừa qua, số người nhiễm HIV trong năm 2010 là 34 triệu người, tăng 17% so năm 2001 (28,6 triệu) và tăng so năm 2009. Báo cáo cho biết, số người chết do AIDS giảm từ 2,2 triệu người trong giữa những năm 2000 xuống 1,8 triệu người năm 2010. Năm 2010, thế giới có 2,7 triệu ca nhiễm mới HIV (kể cả dự tính 390 nghìn trẻ em), ít hơn 15% so năm 2001 và ít hơn 21% so đỉnh điểm số ca mới nhiễm vào năm 1997.Giám đốc UNAIDS M.Xi-đi-bê cho biết, dù gặp nhiều khó khăn khi kinh phí tài trợ không được bảo đảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế giới đã đạt bước tiến lớn trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ AIDS và chưa bao giờ có nhiều quốc gia giảm đáng kể số ca nhiễm bệnh mới như hiện nay. Theo đánh giá của UNAIDS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những...
Tình nguyện viên điều trị người bệnh AIDS ở Thái-lan. Ảnh AFP |
Giám đốc UNAIDS M.Xi-đi-bê cho biết, dù gặp nhiều khó khăn khi kinh phí tài trợ không được bảo đảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế giới đã đạt bước tiến lớn trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ AIDS và chưa bao giờ có nhiều quốc gia giảm đáng kể số ca nhiễm bệnh mới như hiện nay. Theo đánh giá của UNAIDS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những thay đổi tích cực nhất giúp đạt được kết quả trên là số người được điều trị kịp thời tăng lên nhanh chóng. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, việc điều trị kịp thời cho những người bị nhiễm HIV cũng giúp giảm đáng kể số ca nhiễm mới. Hiện nay, khoảng 6,6 triệu người (tương đương 47%) trong số 14,2 triệu người cần điều trị ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình được tiếp cận các phương pháp điều trị AIDS, so với 36% trong 15 triệu người năm 2009; 11 nước thuộc nhóm nước nghèo và thu nhập trung bình có thể tiếp cận quá trình điều trị AIDS cơ bản với mức bảo hiểm từ 80% trở lên. Con số 1,4 triệu người được điều trị HIV/AIDS thêm trong một năm qua cho thấy tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống AIDS. Tuy nhiên, thế giới còn phải đối mặt nhiều thách thức.
Tại châu Phi, năm 2010, vùng hạ Xa-ha-ra vẫn phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề với 22,9 triệu người nhiễm HIV, chiếm khoảng 68% số người nhiễm HIV trên thế giới, trong khi dân số khu vực này chỉ chiếm khoảng 12% dân số toàn cầu. Số người nhiễm mới HIV ở hạ Xa-ha-ra giảm từ 2,6 triệu người năm 1997 xuống còn 1,9 triệu người năm 2010. Tuy nhiên, năm 2010, số người chết liên quan AIDS ở vùng này là 1,2 triệu. Nam Phi là nước có nhiều người nhiễm HIV nhất so bất cứ nước nào trên thế giới, khoảng 5,6 triệu trường hợp.
Tại châu Á, tỷ lệ người nhiễm HIV thấp hơn so với bất cứ khu vực nào trên thế giới và đứng thứ hai về tỷ lệ người sống chung với HIV. Năm 2010, khu vực Nam Á và Đông – Nam Á có khoảng bốn triệu người nhiễm HIV, 270 nghìn ca nhiễm mới và 250 nghìn người chết do AIDS. Khu vực Đông Á, số người bệnh nhiễm HIV là 790 nghìn người và 56 nghìn người chết do các bệnh liên quan AIDS trong năm 2010; tỷ lệ người nhiễm HIV mới tăng từ 74 nghìn người năm 2001 lên 88 nghìn người năm 2010.
Tại Đông Âu và Trung Á, số người sống chung với HIV tăng từ 410 nghìn người năm 2001 lên 1,5 triệu người năm 2010. Năm 2010, có khoảng 90 nghìn trẻ em và người lớn ở khu vực này chết vì AIDS, so với 7.800 người chết năm 2001. Tiêm chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính gây nhiễm HIV tại khu vực này.
Tại Trung Đông và Bắc Phi, số người nhiễm HIV tăng từ 320 nghìn người năm 2001 lên 470 nghìn người năm 2010. Số người mới nhiễm HIV tăng từ 43 nghìn người năm 2001 lên 59 nghìn người năm 2010 và số người chết tăng từ 22 nghìn người năm 2001 lên 35 nghìn người năm 2010.
Theo các chuyên gia y tế, trong hơn một thập kỷ điều trị cho những người nhiễm HIV, hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất để thế giới loại trừ thật sự căn bệnh thế kỷ này. Chính phủ nhiều nước đang bị đại dịch AIDS hoành hành mong muốn triển khai những tiến bộ khoa học để đẩy lùi đại dịch AIDS nhưng không thể thực hiện được, khi các nước này thiếu nguồn tài chính. Ngày 25-11 vừa qua, LHQ đã quyết định ngừng mọi chương trình mới chống HIV/AIDS ít nhất trong ba năm tới do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao phổi và sốt rét đã hủy bỏ vòng gây quỹ mới và tập trung vào các dịch vụ thiết yếu cho các chương trình chống HIV/AIDS kết thúc trước năm 2014. Tại các nước ở khu vực miền nam châu Phi như Xoa-di-len, Ma-la-uy, Dim-ba-bu-ê, Mô-dăm-bích vốn chịu tác động nhiều nhất của dịch AIDS, cuộc chiến chống AIDS trong ba năm tới càng trở nên khó khăn hơn do nguồn tài trợ cho hoạt động này bị cắt giảm. Hơn 86 nghìn người sẽ không được điều trị AIDS và khoảng năm nghìn trẻ em sẽ bị ảnh hưởng do nguồn tài trợ chống AIDS bị cắt giảm. Ông X.B-len, Chủ tịch Quỹ tuyên bố, đây là một quyết định rất khó khăn để bảo vệ các thành quả trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Còn ông Xi-đi-bê cho rằng, bên cạnh việc khôi phục tăng trưởng kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, các nhà tài trợ trên thế giới cũng cần đưa những tiến bộ y học mới tới những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của AIDS. UNAIDS khuyến nghị, thế giới cần một khoản đầu tư từ 22 đến 24 tỷ USD vào năm 2015 để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa căn bệnh thế kỷ AIDS.
Theo Nhandan
Ý kiến ()