Thế giới thiệt hại 270 tỷ USD do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan
Bão, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác đã gây thiệt hại 270 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2022. Đây là các số liệu trong báo cáo do Munich Re-công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới có trụ sở tại thành phố Munich, Đức đưa ra ngày 10-1.
“Một khía cạnh đáng báo động khác mà chúng ta nhiều lần chứng kiến, đó là thảm họa thiên nhiên đã giáng những đòn nặng nề vào người dân ở các nước nghèo hơn. Do đó, việc phòng ngừa và bảo vệ tài chính, chẳng hạn dưới hình thức bảo hiểm, phải được ưu tiên cao hơn”, ông Blunck nói.
Báo cáo của Munich Re cho biết: “2022 là một trong những năm thế giới hứng chịu những tổn thất nặng nề”. Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến những thảm họa tự nhiên và thiên tai diễn ra tại nhiều quốc gia với mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy, như ngập lụt nhấn chìm 1/3 lãnh thổ Pakistan hay mùa hè nóng nhất trong 500 năm qua tại châu Âu, rồi các trận bão tuyết “quái vật” hoành hành ở nước Mỹ trong tháng 12.
Hồ chứa nước Cijara ở Extremadura (Tây Ban Nha) cạn khô do thiếu mưa. Ảnh: Tân Hoa xã |
Tuy nhiên, xét về mức độ thiệt hại thì đứng đầu vẫn là cơn bão Ian ở Mỹ với tổn thất ước tính lên đến 100 tỷ USD. Trong khi đó, trận lũ lụt lịch sử ở Pakistan là thảm họa nhân đạo nghiêm trọng thứ hai trong năm 2022. Thảm họa này đã ảnh hưởng đến đời sống của 33 triệu người, phá hủy 2 triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người. Ước tính Pakistan cần 16,3 tỷ USD để phục hồi sau các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ở châu Âu, mùa hè năm 2022 được đánh dấu bằng những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt và hạn hán, nối tiếp bởi những cơn bão lớn. Tại Pháp và một số khu vực của Tây Ban Nha, bão lớn đã mang theo những hạt mưa đá có kích thước lớn, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Cơ quan Khí tượng quốc gia Đức (DWD) cho biết, quốc gia châu Âu này đã trải qua một năm với những diễn biến bất thường của thời tiết và 2022 được đánh giá là một trong hai năm nóng nhất trong lịch sử châu Âu. Khu vực Bắc Âu và Tây Âu đã trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội trong năm. Phần lớn lục địa phải chịu hạn hán và lượng khí thải do cháy rừng vào mùa hè ở mức cao nhất trong 15 năm.
Thời tiết cực đoan trong năm 2022 đã khiến mực nước ở sông Rhine bị tụt xuống mức thấp kỷ lục, buộc các nhà chức trách phải cắt giảm tải trọng của các con tàu qua lại tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất châu Âu, gây ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Đức và các quốc gia trong khu vực. “Thật khó để ước tính được các hậu quả kinh tế gián tiếp gây ra bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan”, báo cáo của Munich Re nhấn mạnh.
Dù những thảm họa thiên nhiên được gây ra bởi những nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung lại, có một điều đang trở nên cực kỳ rõ ràng, đó là ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu. Theo các nhà khoa học, những thảm họa thiên nhiên trong năm 2022 đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Và khi các quốc gia chưa có biện pháp triệt để giảm khí thải nhà kính thì nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn hiện hữu, tiếp tục đe dọa cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Saleemul Huq-Trung tâm quốc tế về Phát triển và biến đổi khí hậu Bangladesh cho rằng: “Các nhà nghiên cứu đã rất nhanh chóng đưa ra kết luận có khả năng đến 50% Pakistan sẽ lại hứng chịu một trận lũ lụt như vừa qua, đó là hậu quả do con người gây ra những biến đổi khí hậu. Những cơn bão mạnh như bão Ian ở Mỹ cũng sẽ xảy ra với khả năng 30%. Không có gì chắc chắn rằng thế giới sẽ không xảy ra thảm họa tương tự như vậy nữa”.
https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/the-gioi-thiet-hai-270-ty-usd-do-anh-huong-cua-thoi-tiet-cuc-doan-716412
Ý kiến ()