Các nước đi đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân đều đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, trong đó có tiêu chuẩn về công nghệ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trước những rủi ro có thể xảy ra. Các chuyên gia cho rằng, với những tiêu chuẩn an toàn mới được thiết lập này, lòng tin đối với ngành công nghiệp hạt nhân có thể khôi phục hoàn toàn. Và điện hạt nhân vẫn là lời giải hữu hiệu cho bài toán khát năng lượng của thế giới hiện nay.
Sau khi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 của Nhật Bản do động đất và sóng thần gây ra ngày 11-3 vừa qua, hàng loạt nước trên thế giới ngay lập tức đã siết chặt tiêu chuẩn an toàn của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Theo đó, các đợt tổng kiểm tra về khả năng bảo đảm an toàn của những nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động được tiến hành khẩn trương và các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới được xem xét lại một cách kỹ lưỡng với yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn an toàn về mặt công nghệ, ví trí xây dựng, khả năng chống rủi ro… nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối của các nhà máy điện hạt nhân này. Tại các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), một đợt kiểm tra tất cả các nhà máy điện hạt nhân của EU được tiến hành cho đến cuối năm nay nhằm xác nhận độ tin cậy của hệ thống an ninh hạt nhân và bức xạ, độ ổn định công nghệ trước thiên tai cũng như mức độ an toàn trước các hoạt động phá hoại và tiến công khủng bố. Nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Đức, Bỉ cho biết, các nước này sẽ đóng cửa tất cả những nhà máy điện hạt nhân không đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu.
Tại Mỹ, quốc gia có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất với 104 lò phản ứng đang vận hành, một đợt tổng kiểm tra mức độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân đã được triển khai. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã chỉ thị Ủy ban giám sát hạt nhân Mỹ (NRC) cần rút bài học từ sự cố của Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 của Nhật Bản để bảo đảm an toàn hạt nhân của Mỹ. Ông Ô-ba-ma nêu rõ: Nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phát triển nguồn năng lượng sạch là điều tất yếu. Ông cho biết, sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục thúc đẩy chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và nhấn mạnh: Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của cơ sở hạt nhân và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới sẽ vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Xti-vân Chu khẳng định, Mỹ có những yêu cầu nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh công nghiệp năng lượng. Trong khi tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp năng lượng hạt nhân, Mỹ sẽ nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm từ sự cố rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản. Ông Xti-vân Chu cho biết, NRC đã yêu cầu các bản thiết kế và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm tránh được sự cố khi xảy ra tình trạng tồi tệ nhất như động đất hay sóng thần. Ông cho biết, Bộ Năng lượng Mỹ đã phái 34 chuyên gia, vận chuyển gần 7,8 tấn trang thiết bị tới Nhật Bản, giúp giám sát và đánh giá tình hình Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 sau khi xảy ra sự cố rò rỉ. Ông nhấn mạnh, Mỹ cần phải xem xét kỹ lưỡng để học hỏi từ thảm kịch này, nhằm từng bước nâng cao tính an toàn cần thiết cho các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ. Trong ngân sách tài khóa năm 2012, Chính phủ Mỹ dự kiến phê chuẩn bảo lãnh vốn vay 36 tỷ USD dùng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tại Trung Quốc, theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, Tổng công ty hạt nhân quốc gia đã tiến hành kiểm tra các công trình nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện có 14 lò phản ứng đang vận hành, 26 lò đang xây và 28 lò đang được hoàn thiện. Nước này còn dự kiến xây thêm 50 lò phản ứng khác và 110 lò nữa đang trong giai đoạn đề xuất dự án.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Trương Lợi Quân cho biết, Bắc Kinh sẽ không thay đổi quyết tâm và kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Những bài học rút ra từ vụ động đất ngày 11-3 vừa qua ở Nhật Bản sẽ được xem xét rút kinh nghiệm khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Trung Quốc sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 40 triệu kW.
Tại Nga, theo chỉ thị của Thủ tướng V.Pu-tin, các nhà khoa học Nga và các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra lại các vấn đề liên quan việc phát triển năng lượng hạt nhân của nước này. Là một cường quốc về điện hạt nhân, Nga hiện có 32 lò phản ứng đang vận hành. Ngoài ra, Nga còn là nước xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân tới nhiều nước. Tập đoàn Rosatom của Nga đã xây dựng 66 tổ máy ở 12 quốc gia trên thế giới. Hiện Nga cũng đang triển khai các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Việt Nam.
Các chuyên gia Nga cho biết, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở Việt Nam sẽ được Nga xây dựng theo công nghệ lò phản ứng hai vòng tuần hoàn, là công nghệ an toàn nhất hiện nay so với lò phản ứng một vòng tuần hoàn của các nước khác trên thế giới. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng đã được nghiên cứu kỹ về địa chất, khoảng cách bảo đảm an toàn khi có sự cố động đất hay sóng thần. Theo các chuyên gia Nga, các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Nga tiến hành hiện nay đều được thiết kế ở mức độ an toàn cao nhất. Theo đó, kết cấu xây dựng, các thiết bị chính, hệ thống an toàn, tất cả đều được tính toán có khả năng chịu động đất cấp mạnh nhất, trụ vững trước lũ lụt và những thiên tai khác có thể xảy ra. Mặt khác, lò phản ứng hai vòng tuần hoàn của Nga là loại lò phản ứng được bảo vệ bằng lớp vỏ kép, không chỉ bảo đảm ngăn chặn sự thâm nhập bức xạ vào môi trường chung quanh, mà còn bảo vệ các lò phản ứng trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Theo đó, các lò phản ứng sẽ không chịu ảnh hưởng ngay cả khi bị một máy bay trọng lượng 20 tấn rơi vào. Ở phía dưới lò còn lắp đặt 'bẫy', một công nghệ độc đáo của Nga, dùng trong trường hợp xảy ra sự cố. 'Bẫy' này nhằm cố định tại chỗ và làm nguội các lõi hạt nhân bị nóng chảy. Trong trường hợp nghiêm trọng, như các chuyên gia hạt nhân gọi là 'tai nạn ngoài thiết kế', các thanh nhiên liệu bị nóng chảy và vật liệu cấu trúc sẽ lọt vào khoang 'bẫy'. Nhờ đó, móng và tòa nhà lò phản ứng sẽ được bảo vệ nguyên vẹn.
Các chuyên gia điện hạt nhân trên thế giới cho rằng, sự cố rò rỉ hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 của Nhật Bản, một nhà máy được xây dựng với công nghệ cách đây 40 năm, sẽ được khắc phục. Và công nghệ điện hạt nhân hiện đại ngày nay với những tiêu chuẩn an toàn ở mức cao nhất sẽ bảo đảm cho ngành điện hạt nhân tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng cao của nền kinh tế thế giới.
Ý kiến ()