Thế giới nỗ lực giảm thiệt hại do thiên tai gây ra
Theo số liệu của LHQ, năm 2010 là một trong những năm tồi tệ nhất về thiên tai trong hai thập kỷ qua. Các thảm họa thiên tai trên thế giới đã tác động đến cuộc sống của hơn 200 triệu người, làm gần 300 nghìn người chết và gây thiệt hại lên đến 110 tỷ USD.Năm 2011, chỉ tính riêng vụ động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua đã làm khoảng 28 nghìn người chết và mất tích, gây thiệt hại tới hơn 300 tỷ USD. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh, các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi mà biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn.Trong năm 2010, thế giới đã chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai, gồm các vụ động đất thảm khốc tại Ha-i-ti, Chi-lê, Trung Quốc, lũ lụt tại Pa-ki-xtan và châu Âu, cháy rừng tại Nga và Mỹ, bão và lốc xoáy ở châu Á. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của đối...
Năm 2011, chỉ tính riêng vụ động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua đã làm khoảng 28 nghìn người chết và mất tích, gây thiệt hại tới hơn 300 tỷ USD. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh, các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi mà biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn.
Trong năm 2010, thế giới đã chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai, gồm các vụ động đất thảm khốc tại Ha-i-ti, Chi-lê, Trung Quốc, lũ lụt tại Pa-ki-xtan và châu Âu, cháy rừng tại Nga và Mỹ, bão và lốc xoáy ở châu Á. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của đối với người dân và nền kinh tế của các nước này nói riêng và cả thế giới nói chung. Các chuyên gia cho rằng thiên tai là thảm họa không của riêng nước nào và những nước nghèo sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phục hồi.
Theo Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học các thảm họa (CRED) của LHQ, trận động đất ở Ha-i-ti với cường độ 7,0 độ rích-te hồi đầu năm 2010 là thảm họa làm nhiều người chết nhất, với hơn 200 nghìn người. Đứng thứ hai là thảm họa đợt siêu nắng nóng ở Nga làm hơn 55 nghìn người chết. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2010 lên tới 110 tỷ USD, trong đó trận động đất ở Chi-lê xảy ra hồi đầu năm 2010 gây thiệt hại lớn nhất, khoảng 30 tỷ USD. Các trận lũ và các vụ lở đất ở Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 18 tỷ USD trong khi các trận lũ ở Pa-ki-xtan gây thiệt hại 9,5 tỷ USD. CRED cho biết, các nước châu Á chiếm tới 89% trong tổng số 208 triệu người bị ảnh hưởng do thiên tai trên toàn thế giới trong năm 2010. Trong số 373 thảm họa thiên tai xảy ra năm ngoái, có 22 vụ tại Trung Quốc, 16 vụ tại Ấn Độ và 14 vụ tại Phi-li-pin.
Trong những tháng đầu năm nay, thiên tai tiếp tục hoành hành tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó, lũ lụt đã tiến công hàng loạt nước như Ô-xtrây-li-a, Phi-li-pin, Bra-xin, Thái-lan… làm hàng trăm người chết, gây thiệt hại về kinh tế lên tới hàng chục tỷ USD. Các vụ động đất với cường độ mạnh xảy ra liên tiếp tại nhiều nước, từ Nhật Bản tới Pa-ki-xtan, Mi-an-ma… làm hàng chục nghìn người chết, gây thiệt hại tới hàng trăm tỷ USD. Ngoài ra, giá rét, bão tuyết, hạn hán… cũng hoành hành tại nhiều châu lục, ảnh hưởng cuộc sống hàng chục triệu người.
Sau thảm họa động đất và sóng thần gây nên sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 của Nhật Bản vừa qua, hàng loạt nước trên thế giới đã tiến hành kiểm tra lại mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của mình, nhằm bảo đảm tránh mọi sự cố đáng tiếc có thể xảy ra do thiên tai. Ngoài ra, các nước trên thế giới hiện có các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai cũng đề ra những tiêu chí an toàn ở mức tuyệt đối về công nghệ, nhằm bảo đảm cho những nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng trong thời gian tới luôn được vận hành trong sự kiểm soát của con người.
Trước tình hình thiên tai trên thế giới ngày càng xảy ra thường xuyên và khốc liệt, mới đây Đại hội đồng LHQ đã tổ chức phiên họp thảo luận các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Hàng loạt biện pháp đã được đề cập như nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các trường học, bệnh viện và thành phố kiên cố hơn. Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nêu rõ, năm 2010 là một trong những năm có số người chết vì thiên tai lớn nhất trong nhiều năm qua, trong đó có hàng nghìn trẻ em. Động đất, bão lũ đã phá hoại nghiêm trọng hệ thống cơ sở hạ tầng, biến các trường học, bệnh viện, nhà ở thành những đống gạch vụn. Vì vậy, ông nhấn mạnh các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi mà biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ G.Đây-xơ cũng nhấn mạnh những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra đối với các nước đang phát triển và cho rằng 'giảm thiểu rủi ro thiên tai có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong thực hiện Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ' (MDGs). Ông G.Đây-xơ nêu rõ, bằng việc phá bỏ những thành quả phát triển, các thảm họa thiên tai đã kéo dài chu kỳ kém phát triển và đói nghèo. Ông đồng thời cho rằng việc giảm nhẹ thiên tai đòi hỏi sự nỗ lực từ cấp chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính quốc tế đến các xã hội dân sự và các cá nhân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã tăng cường những nỗ lực nhằm giảm bớt rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra. Tại Bra-xin, sau khi hứng chịu thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất hồi đầu năm nay, làm hơn một nghìn người chết và hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa, Chính phủ nước này đã thông báo một loạt biện pháp nhằm phòng, chống hậu quả của những trận mưa lũ và sạt lở tương tự trong tương lai. Theo đó, các sở phụ trách môi trường và khoa học, kỹ thuật tại bang Ri-ô đề Gia-nây-rô – nơi hứng chịu thảm họa vừa qua, sẽ tiến hành một cuộc thanh sát toàn diện các khu vực dân cư nằm trong vùng có khả năng chịu rủi ro cao và mở rộng hệ thống cảnh báo thiên tai. Các ra-đa dự báo thời tiết sẽ hoạt động 24 giờ/ngày nhằm nâng mức cảnh báo lên trước 12 tiếng đồng hồ về thời điểm, khoảng cách, lưu lượng và tốc độ phát triển của các trận mưa, đặc biệt là vào đầu mùa hè khi lượng mưa thường tăng đột ngột. Ngoài ra, Chính phủ Bra-xin sẽ đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD trong năm nay, trích từ quỹ 'Gói thúc đẩy tăng trưởng', cho các dự án cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng thoát nước. Mặt khác, các chuyên gia y tế của bang Ri-ô đề Gia-nây-rô cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và vật lực để đối phó các bệnh truyền nhiễm do nguồn nước bị ô nhiễm như trùng xoắn, uốn ván và tiêu chảy.
Hy vọng rằng với những nỗ lực chung từ các cấp chính quyền của tất cả các nước trên thế giới, cho tới các tổ chức tài chính quốc tế đến các xã hội dân sự và các cá nhân, những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra, nhất là đối với các nước đang phát triển, sẽ được giảm đáng kể trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()