Thế giới không thể giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C
Ông Guterres cho rằng cuộc chiến nhằm hạn chế nhiệt độ tăng xuống dưới mức 1,5 độ C sẽ có kết quả trong những năm 2020, nhưng cần nhiều hành động quyết liệt hơn.
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt được ấn định trùng với Ngày Môi trường Thế giới, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện có 80% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng quá 1,5 độ C, hơn mức thời kỳ tiền công nghiệp, trong giai đoạn 2024 và 2028.
Dự đoán này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với năm 2015 khi WMO đánh giá khả năng nhiệt độ tạm thời vượt quá 1,5 độ C gần bằng 0. Giới hạn 1,5 độ C là mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015, một hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng việc Trái đất nóng lên vượt quá ngưỡng nhiệt độ này trong thời gian dài sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm khốc xảy ra thường xuyên hơn. Các hiện tượng có thể bao gồm những đợt nắng nóng kỷ lục, lượng mưa cực lớn và hạn hán, mực nước biển dâng cao và hiện tượng nóng lên của đại dương cũng như sự tan chảy đáng kể các tảng băng biển.
“Chúng ta cần một lối thoát khỏi đường cao tốc dẫn đến địa ngục khí hậu. Và sự thật là chúng ta có thể kiểm soát bánh xe”, ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc nói.
Ông Guterres cho rằng cuộc chiến nhằm giới hạn mức tăng dưới 1,5 độ C sẽ có kết quả trong những năm 2020, dưới sự giám sát của các nhà lãnh đạo thế giới.
Phát biểu tại Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên Mỹ ở Thành phố New York trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia từ ngày 13-15/6, ông Guterres kêu gọi hành động tham vọng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo báo cáo của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu mỗi năm từ 2024 đến 2028 dự kiến sẽ cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,9 độ C so với mức cơ bản từ năm 1850 đến năm 1900.
Có khoảng 50/50 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trung bình 5 năm tới sẽ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – tăng từ 32% so với báo cáo năm ngoái đánh giá giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027.
Báo cáo cho biết ít nhất một trong những năm từ nay đến năm 2028 có thể sẽ lập kỷ lục nhiệt độ mới, kỷ lục này sẽ đánh bại năm 2023, hiện là năm nóng nhất được ghi nhận.
Thế giới đã vượt mức 1,5 độ C trong cả năm lần đầu tiên được ghi nhận từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, mặc dù các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc vi phạm giới hạn ngưỡng hàng tháng và hàng năm không có nghĩa là thế giới không tuân thủ Thỏa thuận Paris, nhưng việc vượt quá mức 1,5 độ C này có thể diễn ra với tần suất ngày càng tăng.
Ý kiến ()