"Thế giới không phẳng" và "chiến tranh mạng"
Trong cuốn sách Thế giới phẳng, Friedman từng khẳng định, kỷ nguyên kết nối mới với sự xuất hiện, phổ cập rộng rãi của mạng toàn cầu và sự ra đời của in-tơ-nét là một trong mười "lực" làm "phẳng" thế giới. Nhưng hôm nay nhìn vào thực tế "thế giới không phẳng" và trên in-tơ-nét, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng không còn là điều xa lạ...Gần đây, dường như với sự ra đời của Cục An ninh mạng ở Hoa Kỳ, cũng như Văn phòng An ninh mạng trực thuộc Văn phòng nội các ở Anh,... đã là bằng chứng cho thấy in-tơ-nét cũng "không phẳng" như người ta nghĩ. Về vấn đề này, một bản tin trên RFI viết: "Theo nhật báo Pháp Libération, sau khi dẹp xong các vụ biểu tình của phe áo đỏ...Bộ Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Thái-lan đã cho đóng 210 nghìn trang web với lý do là những trang này có nội dung khiêu dâm đồi trụy. Các trang web thân với phe đối lập, thậm chí các trang báo mạng tự do cũng bị kiểm duyệt gắt gao. Chính phủ Thái-lan còn tấn công vào hệ thống...
Gần đây, dường như với sự ra đời của Cục An ninh mạng ở Hoa Kỳ, cũng như Văn phòng An ninh mạng trực thuộc Văn phòng nội các ở Anh,… đã là bằng chứng cho thấy in-tơ-nét cũng “không phẳng” như người ta nghĩ. Về vấn đề này, một bản tin trên RFI viết: “Theo nhật báo Pháp Libération, sau khi dẹp xong các vụ biểu tình của phe áo đỏ…
Bộ Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Thái-lan đã cho đóng 210 nghìn trang web với lý do là những trang này có nội dung khiêu dâm đồi trụy. Các trang web thân với phe đối lập, thậm chí các trang báo mạng tự do cũng bị kiểm duyệt gắt gao. Chính phủ Thái-lan còn tấn công vào hệ thống thông tin đại chúng truyền thống. Hàng chục đài phát thanh đã phải ngừng hoạt động sau khi thông tin về các đợt tấn công đầy bạo lực của cảnh sát Thái-lan. Ngay cả như kênh truyền hình People’s TV và tuần san Thai Red News cũng bị phạt”. Giải thích sự việc, Người phát ngôn chính phủ Thái-lan nói: “Các kênh thông tin này bị đóng cửa do phạm tội kích động bạo lực”.
Trong khi các tiện ích của in-tơ-nét đem lại đã giúp con người ở mọi miền trên thế giới ngày càng gần gũi nhau hơn, thì đồng thời cũng làm nảy sinh một số nguy cơ mới, có sức mạnh không kém gì tên lửa tầm xa. Nên ông R. Mueller, Giám đốc FBI – Hoa Kỳ, coi tấn công mạng có thể ảnh hưởng như “một quả bom được đặt đúng chỗ”.
Ngày 18-11-2010, BBC cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ – Robert Gates, cảnh báo rằng các vụ tấn công trên không gian ảo tạo ra mối đe dọa to lớn trong tương lai, ông thúc giục cần phải có những nỗ lực chung nhiều hơn nữa, giữa quân đội Mỹ và các cơ quan dân sự. Các dân biểu tại Anh cũng đã được nghe về các nguy cơ tấn công trong không gian ảo. Trong các chứng cứ được trao cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia nói rằng, một cuộc tấn công có phối hợp trên không gian ảo, là hành động có khả năng gây tổn hại cho cơ sở hạ tầng chỉ có thể do một quốc gia thù nghịch thực hiện”. Theo Tiến sĩ Hayes ở Viện công nghệ Microsoft: “Với vũ khí hạt nhân, người ta cần có plutonium, nhưng vũ khí trong không gian ảo chỉ là chuỗi các chữ số 1 và 0… Mối đe dọa là rất cao và có thể tác động cục bộ tới các cơ sở hạ tầng then chốt”.
Một bằng chứng gần đây, như dấu hiệu “không phẳng” của in-tơ-nét, là sự – vụ liên quan đến Wikileaks. Sau khi website này tiết lộ các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thế giới đã phải trải qua một phen kinh hoàng. Hoa Kỳ phải thực hiện một số động thái để trấn an chính quyền một số quốc gia. Vào thời điểm dư luận coi là nhạy cảm này, chính quyền Thụy Điển phát lệnh truy nã J.Assange – Tổng Biên tập Wikileaks, với tội danh quấy rối tình dục và cưỡng bức. Dường như việc làm đó triển khai hơi vội vàng, bởi văn bản truy nã không đưa ra bất cứ điều luật cụ thể nào mà J. Assange vi phạm, cho nên phải nhanh chóng bổ sung để phát lần hai (!?). Rồi rất nhiều sự kiện đã xảy ra, rất nhiều hành động được tiến hành, rất nhiều tuyên bố được đưa ra… Một bản tin của BBC ngày 8-12-2010 cho hay: “Các công ty Mỹ cho Wikileaks thuê máy chủ đã nhanh chóng quay lưng lại. Wikileaks bắt đầu gặp vấn đề khi Amazon vốn cho trang này thuê các máy chủ đặt ở Mỹ, thu hồi dịch vụ với lý do trang vi phạm các quy định của công ty. Tiếp đó EveryDNS, công ty quản lý tên miền để địa chỉ Wikileaks.org chuyển thành một địa chỉ IP, cũng ngưng làm việc với Wikileaks… Bộ trưởng Công nghệ Pháp Eric Besson kêu gọi các công ty máy chủ ở Pháp tẩy chay Wikileaks, sau khi một số để cho trang nương náu một hai tuần nay”. Bản tin trên còn đặt câu hỏi: “Làm sao trang có thể tránh được chiếc thòng lọng Chính phủ Mỹ có vẻ quyết tâm giăng ra?”. Trên thực tế, không chỉ các nhà cung cấp hosting tại Hoa Kỳ cắt hợp đồng với Wikileaks, mà hệ thống dịch vụ liên quan cũng tham gia phong tỏa Wikileaks, như ngân hàng PostFinance ở Thụy Sĩ đóng tài khoản của chủ Wikileaks, MasterCard và chuỗi các công ty có dịch vụ qua mạng ở Hoa Kỳ như Visa, Amazon, EveryDNS và PayPal cũng cắt đứt quan hệ với Wikileaks… Xâu chuỗi các sự kiện, liệu có thể đưa ra giả thuyết về một chiến dịch đã được triển khai để “bóp chết” Wikileaks? Cũng từ đó, xảy ra một cuộc chiến trên in-tơ-nét giữa người phản đối và người ủng hộ J.Assange. Người phản đối tấn công các website ủng hộ J.Assange. Người ủng hộ thì tấn công vào những địa chỉ đã tham gia phong tỏa Wikileaks.
Vì thế, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù công khai hay bí mật, có thể đặt câu hỏi về vai trò của một số tổ chức và công dân ở một số quốc gia, vì lợi ích của chính họ hoặc vì lợi ích khác, đã sử dụng in-tơ-nét phục vụ cho mục đích kinh tế – chính trị riêng, đối xử không công bằng, thậm chí xâm phạm lợi ích và chủ quyền của quốc gia khác? Không ngẫu nhiên tại Hội nghị toàn cầu về vi-rút máy tính (AVAR) tổ chức ở Ba-li – In-đô-nê-xi-a, ông Zwienenberg – Giám đốc điều hành AVAR 2010, Giám đốc nghiên cứu bảo mật Norman, đã nói: “Hiện có những quốc gia có thể chi vài trăm triệu USD cho một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại, hoặc hàng tỷ USD cho các vệ tinh viễn thông và do thám, nhưng vẫn chưa tính đến đất nước họ có thể bị hạ gục dễ dàng bởi các nhóm tin tặc. Sự phát triển của tội phạm mạng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết cả về quy mô, tính chuyên nghiệp, trình độ kỹ thuật và tiềm lực tài chính. Thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay đối với các chuyên gia an ninh mạng, đó là nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ người dùng một cách hiệu quả nhất”.
Trong thế giới hiện đại, việc sử dụng in-tơ-nét như thế nào cũng có khả năng làm suy giảm tính văn hóa của một số ứng xử, thậm chí còn có thể đẩy tới xung đột quan niệm và lợi ích. Bởi thế, không ngẫu nhiên, đã có người tỏ ra lo ngại về “khả năng sát thương về kinh tế, sát thương về văn hóa”, lo ngại nguy cơ “đe dọa cân bằng về chính trị, văn hóa” từ in-tơ-nét. Ở Trung Quốc, theo bài viết của Mạnh Kim công bố trên in-tơ-nét thì: “Đâu chỉ sử dụng lực lượng tin tặc đánh phá Gmail hay đột nhập các tập đoàn quốc phòng Mỹ để thò tay ăn cắp thông tin, Trung Quốc còn sử dụng một lực lượng trên mạng chuyên “ném đá” đả kích các mục tiêu liên quan chính trị hoặc nhằm bênh vực chính sách chính phủ theo từng đơn đặt hàng cụ thể. Loạt “đá” ném tới tấp mịt mù trên mạng vài ngày qua trong vụ xung đột Biển Đông đang diễn ra là trò khẩu chiến mới nhất liên quan lực lượng này, được biết, dưới những cái tên như Ngũ Mao đảng, Võng lạc bình luận viên, Võng bình viên, Hồng mã giáp, hay Võng lạc duyệt bình viên… Bằng thủ thuật viết blog và lập diễn đàn trực tuyến, Ngũ Mao đảng đang là thành phần đắc dụng cho các cuộc khẩu chiến. Ngũ Mao đảng hiện quy tụ “ít nhất hàng chục nghìn người”… hoặc thậm chí khoảng 300 nghìn người. Hầu hết họ là sinh viên, học sinh, thành thục kỹ năng lướt web cũng như kỹ thuật sử dụng ngôn từ “chửi bới” và kích động tuyên truyền một chiều. Chuyên gia về in-tơ-nét Trung Quốc, Renaud de Spens, cho biết lực lượng này đa dạng đến mức hiện có cả sự tham gia của viên chức nghỉ hưu, giới chức chính quyền địa phương, nhân viên công ty nhà nước hoặc thậm chí các bà nội trợ!” (?).
Như vậy, ngay lúc này, mọi sự trên in-tơ-nét đâu có “phẳng” như có người quan niệm. Tính “không phẳng” ấy đã và đang đặt sự ổn định, thậm chí cả sự tồn vong, của nhiều quốc gia trước những thách thức mới, khó có thể lường hết hậu quả nếu không chuẩn bị mọi mặt để tự vệ một cách hữu hiệu. Với Việt Nam, cùng với việc bảo vệ an ninh mạng, chúng ta còn phải đối phó với các thế lực thù địch sử dụng in-tơ-nét làm phương tiện chống phá, tuyên truyền và reo rắc các luận điệu có thể tác động tiêu cực tới đời sống tinh thần của xã hội. Tức là chúng ta không những phải tự vệ bằng phương tiện công nghệ, mà còn phải tự vệ bằng nội lực tinh thần mạnh mẽ và ý thức tự giác. Điều đó cũng có nghĩa, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới phải được nghiên cứu, hoạch định trên diện rộng, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, từ đó tạo dựng nên sức mạnh tổng hợp về vật chất và tinh thần đủ khả năng đương đầu với mọi thách thức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()