Thế giới kêu gọi Ai Cập tránh bạo lực và bầu cử sớm
Ngay sau tuyên bố lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi của lực lượng quân đội Ai Cập, trên thế giới ngay lập tức có những tuyên bố trái chiều. Tuy nhiên, tất cả các nước đều kêu gọi kiềm chế, tránh bạo lực và tổ chức sớm một cuộc bầu cử dân sự.
– Ngay sau tuyên bố lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi của lực lượng quân đội Ai Cập, trên thế giới ngay lập tức có những tuyên bố trái chiều. Tuy nhiên, tất cả các nước đều kêu gọi kiềm chế, tránh bạo lực và tổ chức sớm một cuộc bầu cử dân sự.
Ngay trong đêm xảy ra vụ đảo chính, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hối thúc một sự chuyển giao cho chính quyền dân sự, kiềm chế và bảo đảm các quyền của người dân.
Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, kêu gọi lực lượng quân đội thực hiện nhanh chóng và có trách nhiệm việc chuyển sang một “chính quyền dân sự đầy đủ” thông qua bầu cử dân chủ.
Trong thông cáo phát đi, Tổng thống Mỹ nói: “Tôi kêu gọi lực lượng quân đội Ai Câp nhanh chóng và có trách nhiệm trao quyền đầy đủ cho một chính phủ dân chủ thông qua một quá trình minh bạch và toàn diện”. Đồng thời ông Obama tuyên bố chỉ thị cho các cơ quan hữu quan Mỹ xem xét hành động can thiệp của quân đội Ai Cập để xác định mức độ tác động tới nguồn viện trợ của Mỹ.
Trong lúc đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra lệnh sơ tán nhân viên không làm các công việc khẩn cấp và các gia đình của họ trong các phái bộ không Mỹ tại Ai Cập.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo các công dân Mỹ không du lịch tới Ai Cập trong thời gian này và khuyên những người đang du lịch, sinh sống rời khỏi đất nước này nhanh chóng.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói ông Morsi đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm để trèo lái đất nước ra khỏi khủng hoảng.
Từ Brussels, Đại diện cấp cao EU phụ trách đối ngoại, bà Catherine Ashton cũng kêu gọi các bên liên quan ở Ai Cập nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ, tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội tự do-công bằng cũng như thông qua hiến pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle, hiện đang ở thăm Hy Lạp, kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh khỏi bạo lực và đặt niềm tin vào đối thoại”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada nói chính phủ nước này hy vọng có một “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” sau vụ lật đổ ông Morsi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói rằng mục đích cuối cùng của Ai Cập vẫn là “người dân có thể được tự do lựa chọn người lãnh đạo và tương lai của họ”.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague lên tiếng, trong khi Anh “không ủng hộ sự can thiệp quân sự như một cách giải quyết các tranh chấp trong một hệ thống dân chủ”, thì vẫn có cơ hội cho tất cả các bên có thể “thể hiện sự lãnh đạo và quan điểm cần thiết để khôi phục và nối lại một sự chuyển giao dân chủ của Ai Cập”.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế (AI) phát thông cáo nói rằng đây là thời điểm phải “hết sức cẩn trọng và kiềm chế” tại Ai Cập, các lực lượng quân đội và cảnh sát không được tái diễn tình trạng xâm phạm nhân quyền.
Tổng thư ký AI, ông Salil Shetty nói: “Không được trừng phạt những người thể hiện hòa bình quyền tự do được bày tỏ, lập hội. Bất kỳ ai bị giam cầm phải được xét xử nhanh chóng với tội trạng rõ ràng, hoặc phải được phóng thích. Và các lực lượng an ninh cần kiềm chế trước việc sử dụng vũ lực quá mức và không cần thiết”.
Trong khi đó, các nước láng giềng chung quanh Ai Cập thể hiện các thái độ khác nhau.
Nhà vua A-rập Abdullad đã gửi điện tới người đứng đầu Tòa Án Hiến pháp Ai Cập Adil Mansour chúc mừng ông này đã được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời.
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad nói rằng việc ông Morsi bị tước quyền lực đánh dấu “một sự sụp đổ của cái gọi là Hồi giáo chính trị”.
Tổng thống Sundan Omar al-Bashir thì nói rằng ông sẽ theo sát tình hình tại đất nước anh em Ai Cập. Hãng thông tấn SUNA của nước này dần nguồn Bộ Ngoại giao Sudan rằng Sudan vẫn duy trì “mối quan hệ anh em với Ai Cập và sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()