Thế giới hơn 94 triệu ca nhiễm COVID-19 đã phục hồi
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 8/3/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 118.593.482 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.630.443 ca tử vong và 94.196.672 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 433.527 ca mắc và 9.126 ca tử vong mới vì đại dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: phnompenhpost.com) |
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 29.853.084 ca nhiễm COVID-19, trong đó 541.914 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Brazil (77.288 ca); Mỹ (51.270 ca); Pháp (30.303 ca); Ấn Độ (22.815 ca); Italy (22.409 ca); Ba Lan (17.260 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (2.088 ca); Mỹ (1.333 ca); Mexico (866 ca); Nga (466 ca); Ba Lan (398 ca); Italy (332 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 35.561.995 người, với 844.698 ca tử vong. Hết ngày 10/3, châu lục này ghi nhận đã có thêm 176.318 ca nhiễm mới và 3.429 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.351.553 ca mắc COVID-19 và 90.275 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 10/3, nước này có thêm 9.079 ca nhiễm mới và 466 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Châu Á đã có tổng cộng 25.800.105 ca nhiễm và 406.643 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 88.890 ca mắc và 799 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 24.178.778 ca được điều trị khỏi; 1.214.684 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.392 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 10/3, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 22.815 ca mắc mới và 134 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 11.284.285 ca và 158.213 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 2,8 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 1,7 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,4 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 10.086 ca mắc mới và 197 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.552.300 người mắc COVID-19, trong đó 55.020 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 10/3 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.633 ca mắc mới COVID-19 và 175 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 1.398.578 ca, bao gồm 37.932 ca tử vong.
Campuchia ngày 10/3 thông báo có 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.124 ca. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Campuchia đã đóng cửa toàn bộ trường học, các cơ sở thể thao, viện bảo tàng, rạp chiếu phim và các trung tâm giải trí tại nhiều tỉnh thành nơi bùng phát dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 64.144 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.284.256 ca, tổng số người tử vong là 783.156 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 24.295.727 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.137.884 ca nhiễm và 191.789 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 18.873.886 ca nhiễm; 488.012 ca tử vong và 16.986.535 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 11.202.305 ca nhiễm, trong đó 270.656 ca tử vong.
Brazil hiện đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới. Số ca mắc mới và tử vong tại hầu hết các thành phố trong cả nước tăng cao đã gây tình trạng quá tải cho hệ thống y tế. Có tới 25 trong tổng số 27 thành phố thủ phủ của Brazil đang phải đối mặt với tình trạng thảm họa y tế khi số giường điều trị bệnh nhân nguy kịch luôn chiếm tới hơn 80%. Hiện các chính quyền địa phương phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia; New Zealand; Papua New Guinea New Caledonia và Wallis and Futuna là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 13 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.074 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. New Zealand, Papua New Guinea New Caledonia và Wallis and Futuna lần lượt ghi nhận thêm 1, 71, 4 và 47 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.020.564 ca mắc COVID-19, trong đó 106.820 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.524174 trường hợp, trong đó 51.015 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.477 ca mắc mới COVID-19 và 109 ca tử vong vì đại dịch.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, ngày 10/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ được bổ sung 4 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong 2 tuần tới. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh EC đang tìm cách thuyết phục ít nhất 6 quốc gia thành viên dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới.
Nhiều nước châu Phi như Maroc, Sudan, Tunisia, đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Ngày 10/3, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Maroc và Kenya đã cấp phép lưu hành cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này và Saudi Arabia đang thảo luận về khả năng sản xuất vaccine Sputnik V tại Saudi Arabia. Hiện loại vaccine này đã được 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phê duyệt.
Tại ASEAN, Singapore hiện cũng đang triển khai tiêm vaccine cho lao động nhập cư. Tại Mỹ, 2 bang New York và Florida đã điều chỉnh độ tuổi được tiêm phòng, theo đó lên kế hoạch tiêm phòng cho cả những người từ 60 tuổi trở lên. Tại khu vực Nam Á, Pakistan ngày 10/3 đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người từ 60 tuổi trở lên trong giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho nhóm đối tượng này./.
Ý kiến ()