Thế giới ghi nhận hơn nửa triệu ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua
Tính đến 8 giờ sáng 27/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 61,28 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi ghi nhận thêm hơn 530.000 ca trong 24 giờ qua.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 27/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 61,28 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi ghi nhận thêm hơn 530.000 ca trong 24 giờ qua.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1,43 triệu ca. Hiện còn 17,46 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 0,6%.
Trong 24 giờ qua, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 104.976 ca nhiễm mới và 1.271 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt 13,24 triệu ca và 269.520 ca.
Theo công cụ truy vết COVID-19, số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ phải nhập viện điều trị trong 24 giờ qua đã lên tới gần 90.000 người, mức cao nhất trong 16 ngày tăng liên tiếp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự báo số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong 4 tuần tới, dự báo vào khoảng 10.600-21.000 ca trong tuần kết thúc ngày 19/12.
Đặc biệt, các trung tâm điều dưỡng dài hạn ở Mỹ đã ghi nhận thêm khoảng 3.000 ca tử vong trong một tuần. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tới các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn điều trị COVID-19 trên toàn nước Mỹ tăng 50% (khoảng 46.153 ca) trong một tuần qua.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 122.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên 15,44 triệu ca.
Khu vực Nam Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 61.538 ca nhiễm và 1.288 ca tử vong.
Riêng Brazil chiếm gần 60% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 6,2 triệu ca, chiếm khoảng 57% tổng số ca nhiễm của toàn khu vực.
Toàn khu vực châu Âu trong 24 giờ qua ghi nhận 223.212 ca nhiễm mới, trong đó Italy ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất (29.003 ca), tiếp sau là Nga (25.487 ca), Đức (21.576 ca) và Anh (17.555 ca).
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 16,49 triệu ca nhiễm và 376.470 ca tử vong. Hiện Lục địa già cũng là khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới.
Châu Á trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 10.8.844 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16,23 triệu ca.
Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với hơn 9,30 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao (42.054 ca).
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm đã lên tới 2,13 triệu. Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 tại châu lục này, ghi nhận thêm 3.069 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 778.571 ca.
Các nhà sản xuất tại Mỹ đang tung ra một số loại khẩu trang mới có tác dụng bảo vệ người dùng khỏi virus SARS-CoV-2 tốt hơn những loại khẩu trang vải thông thường.
Việc cho ra đời loại khẩu trang này được kỳ vọng sẽ hạn chế người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế N95 chuyên dùng trong các bệnh viện.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông báo của các nhà sản xuất cho hay mặc dù các loại khẩu trang mới chưa đạt được tiêu chuẩn bảo vệ như khẩu trang N95 dùng tại các bệnh viện nhưng cũng có thể ngăn được ít nhất 95% các loại phân tử siêu nhỏ qua lớp màng lọc tinh vi và được thiết kế ôm vừa khuôn mặt của người dùng.
Khẩu trang này có thể được sử dụng hàng ngày trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung khẩu trang chuyên biệt N95 cho các bệnh viện hiện không đủ.
Trong năm nay, Viện quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của Mỹ đã chấp thuận cho hơn 20 công ty sản xuất khẩu trang N95 và các sản phẩm tương đương.
Một trong số này là công ty Honeywell International với sản lượng trung bình 20 triệu chiếc N95/tháng.
Gần đây, công ty này cũng đã đưa ra thị trường loại khẩu trang có tác dụng bảo vệ người sử dụng khỏi COVID-19 tốt hơn khẩu trang vải thông thường.
Khẩu trang này có mức giá 30 USD/chiếc, có 2 lớp dệt bằng các loại sợi tổng hợp (chất liệu polyester, nylon và spandex) đi kèm với 12 bộ lọc có thể thay thế được làm từ nhựa tổng hợp polypropylene, vật liệu lọc chính theo tiêu chuẩn dùng trong khẩu trang N95s.
Giới chức y tế Mỹ khuyến khích người dân nên dùng loại khẩu trang này để bảo vệ chính mình và người xung quanh tốt hơn.
Sở cứu hỏa New York là một trong những cơ quan đầu tiên quyết định chuyển sang mua loại khẩu trang mới do công ty 3M sản xuất để thay thế cho khẩu trang chuyên dụng N95 trước đây vẫn dùng./.
Ý kiến ()