Thế giới có hơn 144 triệu ca nhiễm COVID-19
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 880.971 ca nhiễm và 14.088 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tính đến sáng hôm nay (22/4) lên lần lượt 144.425.076 và 3.071.038 trường hợp.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi dạo dọc bãi biển ở thủ đô Beirut của Li-băng, ngày 21/4. (Ảnh: Xinhua) |
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 122.598.245 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.755.793 ca bệnh đang điều trị thì có 18.645.956 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 109.837 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 43.296.179 trường hợp, trong đó có 986.206 ca tử vong và 37.672.457 ca được điều trị khỏi. Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với làn sóng thứ 3 của dịch bệnh, tuy nhiên, sự lây lan chưa có điểm dừng của biến thể virus SARS-CoV-2 cùng tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến “lục địa già” tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, với số ca nhiễm đứng đầu thế giới xét theo quy mô khu vực.
Hiện Bắc Mỹ có 37.667.698 ca nhiễm bệnh, trong đó có 850.343 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 32.602.051 ca nhiễm và 583.330 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.311.172 ca nhiễm và 213.048 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 1.147.464 ca nhiễm và 23.763 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 138.233 ca nhiễm và 4.474 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 23.773.969 và 635.647 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 14.122.795; 2.769.552; 2.701.313; 1.726.806… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 22/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 35.123.575 trường hợp, với 478.413 ca tử vong và 30.373.776 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 4.271.386 ca bệnh đang điều trị thì có 29.935 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 15.924.806 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 4.446.591 ca.
Tính đến sáng 22/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.501.027 trường hợp, trong đó có 119.230 ca tử vong và 4.023.153 ca bình phục. Trong tổng số 358.644 ca đang điều trị thì có 3.856 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.569.935 ca nhiễm COVID-19 và 53.940 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 407 ca nhiễm COVID-19, trong đó 15 ca ở Australia, 2 ca ở French Polynesia, 386 ca ở Papua New Guinea, 2 ca ở New Zealand, 1 ca ở Wallis and Futuna và 1 ca ở Fiji. Hiện khu vực này ghi nhận 61.907 ca nhiễm và 1.184 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.574 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.722 ca./.
Ý kiến ()