Thế giới chưa sẵn sàng cho cháy rừng
Trong bối cảnh cháy rừng xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, từ Bắc Mỹ đến châu Âu, trong đó nhiều vụ cháy mất kiểm soát, các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo thế giới chưa chuẩn bị cho các vụ cháy rừng do biến đổi khí hậu, để lại những hậu quả ngày càng khốc liệt.
Cháy rừng đã thiêu rụi nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Hy Lạp và Mỹ vào đầu mùa hè năm nay, khi những đợt nắng nóng cực đoan đẩy nền nhiệt lên mức như thiêu đốt. Tại Canada, giới chức dự báo nước này sẽ hứng chịu mùa hè nóng hơn, với nền nhiệt trung bình cao hơn mức trung bình của mọi năm. Nước này đã ghi nhận các đám cháy rừng bùng phát dữ dội ở tỉnh Quebec, trong đó hai đám cháy vượt ngoài tầm kiểm soát, buộc giới chức phải chuyển 225 tù nhân tại nhà tù Port-Cartier Institution tại đây sang các trại giam khác để bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, tại Brazil, chính quyền bang Mato Grosso do Sul đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng do cháy rừng vượt ngoài tầm kiểm soát. Đáng chú ý, cháy rừng xảy ra trước cao điểm của mùa khô đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với vùng Pantanal-khu vực tự nhiên chứa vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới kéo dài đến Bolivia và Paraguay. Mùa cháy rừng năm nay đã bắt đầu sớm hơn, với cường độ mạnh hơn so với những năm trước. Đây là hậu quả của tình trạng hạn hán khắc nghiệt, ngoài ra cũng có các vụ cháy rừng do chủ ý nhằm mở rộng đất nông nghiệp từ đất rừng bị đốt cháy. Cháy rừng đã thiêu rụi gần 627.000ha rừng ở bang Mato Grosso do Sul kể từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu vệ tinh môi trường từ Đại học bang Rio de Janeiro.
Theo France 24, ông Stefan Doerr-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cháy rừng tại Đại học Swansea của Anh cho biết: “Chúng tôi vẫn đang thực sự nỗ lực nắm bắt tình hình”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc dự đoán mức độ nghiêm trọng của một đám cháy rừng, hoặc nó sẽ tấn công ở đâu và khi nào có thể bùng phát là một thách thức.
Theo các chuyên gia, trong khi những nguồn lực bổ sung đã được đầu tư cho việc cải thiện công tác chữa cháy rừng khi nó xảy ra trong những năm gần đây, việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho những thảm họa như vậy lại không nhận được các nguồn đầu tư thích đáng. Ông Doerr cho rằng “rõ ràng chúng ta chưa chuẩn bị đủ tốt cho tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay”.
Một chuyên gia về an toàn cháy, nổ và kỹ thuật cho biết, lệnh cấm đốt lửa trại và thiết lập các con đường phục vụ chữa cháy đều có thể có hiệu quả trong việc giảm cháy rừng bùng phát và lan rộng. Tuy nhiên, các biện pháp này đòi hỏi nguồn tài trợ và lập kế hoạch từ các chính phủ.
Một nghiên cứu dựa trên ảnh vệ tinh vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution cho biết, tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng thảm khốc đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới trong hai thập kỷ qua, chủ yếu do các hoạt động của con người khiến trái đất nóng lên. Cụ thể, số lượng và mức độ các vụ cháy rừng lớn tăng 120% trên thế giới trong 20 năm qua.
Từ năm 2003 đến 2023, gần 3.000 vụ cháy rừng lớn, gây ô nhiễm mạnh và có sức tàn phá nặng nề nhất diễn ra trên khắp châu lục. Năm 2023 là năm xảy ra các vụ cháy rừng với cường độ khủng khiếp nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng trái đất nóng lên. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra xu hướng cháy rừng gia tăng trên khắp thế giới-thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng nề đối với kinh tế quốc gia cũng như đối với môi trường tự nhiên và sinh kế của con người.
Nghiên cứu mới trên phù hợp với dự báo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đưa ra trong một báo cáo vào năm 2022, theo đó, vào cuối thế kỷ này, số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 50%.
Theo ông Jesus San-Miguel, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chung thuộc Ủy ban châu Âu, cháy rừng diễn ra không phân biệt ranh giới quốc gia, do đó, hành động ứng phó với cháy rừng đã được phát triển giữa các chính phủ để cùng nhau đối phó với những thảm họa này. Liên minh châu Âu có mô hình chia sẻ tài nguyên mạnh mẽ và ngay cả các quốc gia ngoài khối dọc Địa Trung Hải cũng được hưởng lợi từ thiết bị chữa cháy hoặc hỗ trợ tài chính trong những lúc cần thiết.
Khi các vụ cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc chữa cháy đơn giản sẽ không còn là giải pháp, nên cần phải nỗ lực hơn nữa thúc đẩy những giải pháp phòng ngừa cháy rừng. Giới chuyên gia nhắc tới việc đốt có kiểm soát, chăn thả gia súc hoặc loại bỏ thảm thực vật bằng thiết bị cơ giới đều là những cách hiệu quả để hạn chế lượng nhiên liệu có thể đốt đang bao phủ nền rừng. Theo ông Calum Cunningham-người đứng đầu nhóm nghiên cứu và đến từ Đại học Tasmania (Australia), giải pháp trước mắt là quản lý rừng ở cấp độ địa phương và nỗ lực không để xảy ra những vụ cháy rừng quy mô lớn.
Ý kiến ()