Thế giới chia rẽ trước cuộc xung đột Israel - Hamas
Ngày 21-10 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Cairo, Ai Cập nhằm thảo luận cách thức giảm leo thang xung đột giữa tổ chức Phong trào Hamas và Israel, cũng như ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực.
Không như kỳ vọng, hội nghị đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung, ngược lại, còn làm bộc lộ rõ nét hơn sự chia rẽ giữa các quốc gia tham dự, với một bên là các nước Arab và một bên là các quốc gia phương Tây, theo Reuters nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Cairo được triệu tập theo sáng kiến của Ai Cập, trong bối cảnh chiến sự Israel-Hamas tiếp tục leo thang. Là quốc gia duy nhất ngoài Israel có đường biên giới với dải Gaza, Ai Cập có vai trò đặc biệt khi từng làm trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, đồng thời giúp kiềm chế nhóm vũ trang Palestine trong những năm qua bằng cách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đi qua cửa khẩu Rafah. Trong bối cảnh chiến sự hiện tại, cửa khẩu này là nơi duy nhất có thể đưa hàng cứu trợ quốc tế đến với người dân Gaza, cũng là niềm hy vọng duy nhất đối với những thường dân muốn rời khỏi Gaza đang bị phong tỏa.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Cairo, Ai Cập ngày 21-10 đã không đưa ra được tuyên bố chung (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Chính vì thế mà dư luận thế giới đặt nhiều hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần này, nhất là khi nó có sự tham dự của 30 nhà lãnh đạo từ các quốc gia Arab, phương Tây, châu Phi và nhiều nước khác, trong đó có Quốc vương Jordan, Quốc vương Qatar, Tổng thống Palestine, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cùng thủ tướng các nước: Italy, Canada, Tây Ban Nha, Hy Lạp; Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel… và ngoại trưởng một số nước khác. Israel không cử đại diện tham dự, trong khi Washington cử Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập.
Triệu tập hội nghị này, Ai Cập mong muốn thuyết phục các quốc gia tham dự kêu gọi lệnh ngừng bắn cũng như các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Ở thế khó của mình, Ai Cập không dễ gì chấp nhận dòng người từ Gaza đổ sang, bởi nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn và trở thành mối đe dọa an ninh với Cairo.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhấn mạnh “Ai Cập lên án các hành động khủng bố nhằm vào dân thường”, đồng thời tuyên bố, hội nghị tập trung thảo luận một lộ trình nhằm chấm dứt thảm họa nhân đạo cũng như khôi phục hòa bình tại dải Gaza, bao gồm phân phát hàng cứu trợ cho người dân Gaza, đạt một thỏa thuận ngừng bắn và tiếp tục đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước. Trong khi đó, Quốc vương Jordan Abdullah II lên án “sự im lặng toàn cầu trước các cuộc tấn công của Israel” khiến hàng nghìn dân thường ở Gaza thiệt mạng, hơn một triệu người mất nhà cửa, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận công bằng với cuộc xung đột. Đại diện Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas khẳng định, người Palestine “sẽ không rời khỏi mảnh đất của mình”.
Trong khi các quốc gia Arab và Hồi giáo kêu gọi chấm dứt ngay các chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza, các nước phương Tây dường như lại quan tâm đến mục tiêu “khiêm tốn hơn”. Đại diện của Pháp đề nghị thiết lập một hành lang nhân đạo vào Gaza, Anh và Đức kêu gọi lực lượng Phòng vệ Israel kiềm chế, trong khi Italy cho rằng điều quan trọng hiện nay là tránh leo thang căng thẳng. Đại diện của Mỹ không phát biểu, còn Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho hay, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh lần này là “lắng nghe lẫn nhau” và “tránh leo thang xung đột”.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo phương Tây không nhất trí ký vào dự thảo tuyên bố chung do Ai Cập soạn thảo, với lý do trong đó không đề cập đến quyền tự vệ của Israel trước Hamas. Thất bại của Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Cairo làm tiêu tan hy vọng hạ nhiệt căng thẳng chiến sự ở Gaza. Cùng ngày, Israel thông báo có kế hoạch tăng cường các cuộc không kích vào Gaza để chuẩn bị cho “giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tuyên bố triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông nhằm “đáp trả các cuộc tấn công gần đây nhằm vào quân đội Mỹ” ở khu vực này. Tình hình càng nóng thêm khi đại diện lực lượng Hezbollah tại Lebanon tuyên bố sẵn sàng tham chiến nếu Israel triển khai các hoạt động quân sự quy mô lớn nhằm vào Hamas. Nguy cơ chiến sự Israel-Hamas lan rộng ra khu vực Trung Đông, đáng buồn thay, dường như không còn xa vời.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/the-gioi-chia-re-truoc-cuoc-xung-dot-israel-hamas-748267
Ý kiến ()