Thế giới cần tăng tốc hành động để giảm thiểu rủi ro thiên tai
Thế giới đang bị bao vây bởi những thảm họa thiên nhiên từ lũ lụt đến hạn hán. Trước tình hình này, các nước cần xem xét lại cách đánh giá và quản lý rủi ro thiên tai cũng như đầu tư thêm kinh phí vào công tác này.
Đó là nhận định của bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về giảm thiểu rủi ro thiên tai, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) trong bài viết gần đây đăng trên The Guardian.
Trong bài viết, bà Mizutori lưu ý, đến năm 2030, thế giới có thể đối mặt với 560 thảm họa một năm. Dự kiến, biến đổi khí hậu và các tác động của thiên tai sẽ khiến 216 triệu người phải rời bỏ đất nước của họ vào năm 2050 và đẩy 132 triệu người vào cảnh nghèo đói vào năm 2030.
Những ngôi nhà bị hư hại do siêu bão Rai ở thành phố Talisay, tỉnh Cebu, miền Trung Philippines hồi tháng 12-2021. Ảnh: AP |
Theo bà Mizutori, do đánh giá thấp tác động của rủi ro thiên tai nên các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Với nhận thức sai lầm về rủi ro thiên tai, nhân loại đang rơi vào “vòng xoáy tự hủy diệt”. Đây là một phát hiện quan trọng trong Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2022 do UNDRR công bố.
Theo báo cáo, trong hai thập kỷ qua, thế giới ghi nhận 350-500 thảm họa thiên nhiên mỗi năm từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Con số này cao hơn 5 lần so với mức trung bình trong 30 năm trước. Tần suất và cường độ của các thảm họa trong 5 năm qua đã cướp đi và ảnh hưởng đến nhiều sinh mạng hơn so với 5 năm trước đó.
Do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt và lũ lụt nghiêm trọng có khả năng xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng mạnh các thảm họa trên toàn cầu là nhận thức sai lầm của mọi người về rủi ro.
Điều này kéo theo các quyết định về chính sách, tài chính và phát triển, làm tăng rủi ro và khiến mọi người gặp nguy hiểm. “Báo cáo này sẽ là một lời cảnh tỉnh rằng các quốc gia cần tăng tốc hành động để ngăn chặn gia tăng thảm họa thiên nhiên”, bà Mizutori nhấn mạnh.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai đối với con người, bà Mizutori cho rằng các chính phủ, tổ chức tài chính phải xem xét lại cách đánh giá và quản lý rủi ro thiên tai. Đặc biệt, những đánh giá thấp về tác động của các thảm họa tiềm ẩn đối với sinh mạng, sinh kế của con người cũng cần được loại bỏ. Bên cạnh đó, việc đầu tư thêm kinh phí cũng giúp các nước giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Sau trận động đất và sóng thần năm 2010 ở Chile, Chính phủ nước này đã khuyến khích người dân xây nhà chắc chắn, an toàn để ứng phó với thiên tai. Trong nỗ lực tạo điều kiện cho gia đình nghèo xây nhà, Chính phủ Chile đã hỗ trợ chi phí cho họ.
Quy mô và tần suất ngày càng tăng của thảm họa thiên nhiên đã cho thấy tầm quan trọng của các hệ thống cảnh báo sớm. Theo bà Mizutori, các thể chế toàn cầu, khu vực và quốc gia cần thiết lập nhiều hệ thống cảnh báo sớm giúp xác định rủi ro thiên tai. Ở Nepal, việc lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt đã giúp số người thiệt mạng do lũ lụt ở nước này giảm đáng kể.
Thống kê cho thấy thiên tai trên thế giới đã “thổi bay” 170 tỷ USD mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Thiệt hại chủ yếu xảy ra ở các nước có thu nhập thấp, nơi trung bình mỗi năm mất 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mức thiệt hại 0,1-0,2% mà các nước giàu phải gánh chịu.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất về kinh tế. Và mức thiệt hại sẽ tỷ lệ thuận với tần suất thiên tai. Tại Philippines, hàng triệu người vẫn đang vật lộn để khôi phục cuộc sống sau khi siêu bão Rai đổ bộ vào nước này tháng 12-2021.
Do không thể lường trước được hết những hậu quả mà thảm họa thiên nhiên mang lại nên thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng và quản lý rủi ro thiên tai chặt chẽ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Bà Mizutori lưu ý, sắp tới, thế giới có hai cơ hội cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Cơ hội thứ nhất là Diễn đàn toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai (dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 28-5) tại đảo Bali, Indonesia. Cơ hội thứ hai là Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Khung hành động Sendai của LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai vào cuối năm 2023. Bà Mizutori nêu rõ: “Thảm họa thiên nhiên có thể được ngăn chặn nếu các quốc gia đầu tư thời gian và nguồn lực để hiểu và giảm thiểu rủi ro”.
Ý kiến ()