Thế giới cần nỗ lực để xóa bỏ đại dịch thuốc lá
Tiến bộ rõ rệt
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Từ bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm vì sức khỏe của mình”.
Theo báo cáo của WHO về đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019, khoảng 5 tỷ người, tương đương 65% dân số thế giới, hiện được bảo vệ bởi ít nhất một trong các biện pháp chống thuốc lá được WHO khuyến nghị vào năm 2007.
Con số đã tăng hơn bốn lần kể từ năm 2007 khi chỉ có khoảng 1 tỷ người, tương đương 15% dân số thế giới, được bảo vệ bởi ít nhất một trong các biện pháp này.
Một loạt các biện pháp kiểm soát thuốc lá, được gọi là MPOWER, bao gồm sáu chiến lược chính, cụ thể là giám sát các chính sách phòng chống và sử dụng thuốc lá, bảo vệ người dân khỏi khói thuốc lá, khuyến nghị giúp bỏ sử dụng thuốc lá, cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của thuốc lá, thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, và tăng thuế đối với thuốc lá.
Những biện pháp này cung cấp “các công cụ thiết thực để giúp mọi người từ bỏ thói quen, kéo dài tuổi thọ”, ông Ghebreyesus nói. Gói MPOWER cung cấp cho các chính phủ các công cụ thiết thực để giúp mọi người từ bỏ thói quen, thêm nhiều năm vào cuộc sống của họ.
Tiến bộ được thể hiện rõ với 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia đang được cung cấp dịch vụ cai nghiện toàn diện (nhiều hơn 2 tỷ người so với năm 2007).
Mặc dù đạt được nhiều tiến triển, bản báo cáo mới chỉ ra rằng nhiều quốc gia vẫn chưa thực hiện tương xứng các chính sách MPOWER nhằm giúp người dân từ bỏ thuốc lá một cách hiệu quả và bảo vệ mạng sống.
Nguy cơ mới cản bước nỗ lực
Bản báo cáo chỉ rõ, “bất chấp những tiến triển đạt được, thì đại dịch thuốc lá hiện vẫn còn lâu mới kết thúc”. Việc sử dụng thuốc lá đã giảm ở hầu hết các quốc gia và khu vực, nhưng việc dân số tăng đồng nghĩa với số lượng người sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao ổn định. Hiện tại, ước tính có khoảng 1,1 tỷ người hút thuốc, khoảng 80% trong số họ sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC).
Kể từ báo cáo cuối cùng vào năm 2017, chỉ có hai quốc gia trên thế giới là Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua tất cả các chính sách MPOWER ở cấp cao nhất.
Ngoài ra, chỉ có một số ít các quốc gia khác thực hiện nhiều hơn hai biện pháp, trong khi có 59 quốc gia vẫn chưa áp dụng một biện pháp nào trong MPOWER.
Bản báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng của thuốc lá điện tử, đặc biệt tình trạng sử dụng loại thuốc lá này đang ngày một gia tăng trong giới trẻ.
Mặc dù mức độ rủi ro chính xác liên quan đến thuốc lá điện tử vẫn chưa được ước tính cụ thể, nhưng chúng “chắc chắn có hại và do đó phải tuân theo quy định”, báo cáo cho biết.
Theo số liệu mới nhất của WHO, đại dịch thuốc lá hiện là một trong mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, cướp đi mạng sống của hơn 8 triệu người mỗi năm trên thế giới.
Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do nguyên nhân hút thuốc lá trực tiếp, khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc thụ động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()