Thế giới cần hành động vì tương lai của trẻ em
Trẻ em châu Phi được uống vắc-xin phòng bệnh theo chương trình của UNICEF. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, trẻ em tại nhiều nước, trong đó có cả những nước phát triển chịu nhiều thiệt thòi như không được bảo vệ và chăm sóc đầy đủ. Đây là vấn đề tất cả các nước cần quan tâm và có hành động thiết thực nhằm bảo đảm tương lai cho trẻ em và cũng là tương lai của thế giới.Khi lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung tranh luận các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mới đây cho biết, nhiều trẻ em tại các nước phát triển đang lâm cảnh thiếu những điều kiện sống cơ bản. Theo đó, 30 triệu trẻ em tại 35 nền kinh tế phát triển phải sống nghèo khổ, trong đó có khoảng 13 triệu trẻ em các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Nghiên cứu trên cho thấy, ngay tại các nước giàu, nhiều trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất không...
Trẻ em châu Phi được uống vắc-xin phòng bệnh theo chương trình của UNICEF. |
Khi lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung tranh luận các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mới đây cho biết, nhiều trẻ em tại các nước phát triển đang lâm cảnh thiếu những điều kiện sống cơ bản. Theo đó, 30 triệu trẻ em tại 35 nền kinh tế phát triển phải sống nghèo khổ, trong đó có khoảng 13 triệu trẻ em các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Nghiên cứu trên cho thấy, ngay tại các nước giàu, nhiều trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất không được bảo vệ và chăm sóc đầy đủ. Nghiên cứu được thực hiện tại 29 nước châu Âu, dựa trên 14 nhu cầu cơ bản của trẻ em như thực phẩm hằng ngày, sách vở, nơi ở… Các nước EU có tỷ lệ trẻ em nghèo cao là: Ru-ma-ni (hơn 70%), Bun-ga-ri (hơn 50%) và Bồ Đào Nha (hơn 27%). Tại các nước giàu hơn như Pháp, I-ta-li-a tỷ lệ này ở mức hai con số. Các nước Bắc Âu đứng cuối danh sách, ở mức dưới 3%. Đáng chú ý là, chính sách của các chính phủ tác động đáng kể đời sống của trẻ em. Giám đốc Văn phòng nghiên cứu của UNICEF G.A-lếch-xan-đơ cảnh báo, không bảo vệ được trẻ em hôm nay, các chính phủ sẽ phải trả giá đắt trong tương lai và trên thực tế, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, một số nước vẫn dành ưu tiên và đã thành công trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Tại các nước nghèo, mục tiêu bảo đảm cuộc sống đầy đủ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ càng khó thực hiện hơn. Theo nghiên cứu của UNICEF, hai triệu trẻ em dưới năm tuổi chết mỗi năm do bệnh viêm phổi và tiêu chảy, trong đó 90% số trẻ em ở Nam Á và khu vực châu Phi phía nam sa mạc Xa-ha-ra. UNICEF nhấn mạnh, thế giới có thể thu hẹp cách biệt về tỷ lệ trẻ em chết yểu giữa các nước giàu và nghèo nhất bằng việc tập trung nguồn lực để thanh toán hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em dưới năm tuổi này. Hơn hai triệu trẻ em ở 75 nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất có thể được cứu sống nếu nhận được nguồn tài trợ mà 20% số người giàu nhất tại các nước này nhận được hằng năm. Việc tăng cường các biện pháp đơn giản và ít tốn kém như tăng số trẻ em được tiêm vắc-xin phòng bệnh, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, bảo đảm nhu cầu tiếp cận nguồn nước sạch… sẽ giúp có nhiều trẻ em được cứu sống.
Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiếp cận các dịch vụ và chăm sóc y tế thiết yếu với giá cả phù hợp sẽ cứu hàng triệu bà mẹ và trẻ em thoát chết hằng năm. UNICEF cho biết, các biến chứng liên quan việc sinh con là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhiều bà mẹ trên thế giới, trong đó phần lớn ở các nước đang và chậm phát triển. Hiện nay, khoảng 800 phụ nữ chết mỗi ngày do các biến chứng của việc sinh con, hơn 1,3 triệu trẻ em chết do viêm phổi và hơn tám triệu trong 136 triệu phụ nữ sinh con mỗi năm bị mất máu khi sinh. Đáng quan tâm là, nhiều trường hợp tử vong có thể được ngăn chặn nếu các dịch vụ y tế và thuốc men được cung cấp đầy đủ và kịp thời. Phó Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc UNICEF A.Lếch khẳng định, thế giới có thể cứu sống ít nhất 2,5 triệu phụ nữ và trẻ em vào năm 2015 nếu 13 loại thiết bị y tế thiết yếu được trang bị đầy đủ và sử dụng hợp lý. Đây được coi là cơ hội nhân loại không được phép bỏ qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()