Trong báo cáo về phát triển bền vững được công bố mới đây, LHQ đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt lương thực, nước sinh hoạt và nhiên liệu trong tương lai, khi dân số thế giới tăng từ bảy tỷ lên chín tỷ người vào năm 2040. Người dân Ấn Độ chen nhau lấy nước uống. Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh số dân tăng nhanh, loài người đang chạy đua với thời gian để bảo đảm nhu cầu về lương thực, nước uống và nhiên liệu. Dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng từ bảy tỷ hiện nay lên chín tỷ người vào năm 2040 và số người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng ba tỷ người trong 20 năm tới. Tình hình này khiến nhu cầu về lương thực, nước sạch và nhiên liệu cũng tăng mạnh. Đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm ít nhất 50% lương thực, 45% năng lượng và 30% nước sạch so với hiện nay, trong khi điều kiện môi trường đang thay đổi theo hướng bất lợi cho việc cung cấp các nguồn sống nêu trên. LHQ cho rằng, nếu thế giới không giải...
Trong báo cáo về phát triển bền vững được công bố mới đây, LHQ đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt lương thực, nước sinh hoạt và nhiên liệu trong tương lai, khi dân số thế giới tăng từ bảy tỷ lên chín tỷ người vào năm 2040.
Người dân Ấn Độ chen nhau lấy nước uống.
Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh số dân tăng nhanh, loài người đang chạy đua với thời gian để bảo đảm nhu cầu về lương thực, nước uống và nhiên liệu. Dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng từ bảy tỷ hiện nay lên chín tỷ người vào năm 2040 và số người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng ba tỷ người trong 20 năm tới. Tình hình này khiến nhu cầu về lương thực, nước sạch và nhiên liệu cũng tăng mạnh. Đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm ít nhất 50% lương thực, 45% năng lượng và 30% nước sạch so với hiện nay, trong khi điều kiện môi trường đang thay đổi theo hướng bất lợi cho việc cung cấp các nguồn sống nêu trên. LHQ cho rằng, nếu thế giới không giải quyết được những vấn đề này, ba tỷ người có thể bị rơi vào nghèo đói.
Khủng hoảng kinh tế, khí hậu biến đổi, xung đột và mâu thuẫn xã hội đã làm thế giới có thêm khoảng 20 triệu người bị suy dinh dưỡng so với năm 2000; 5,2 triệu ha rừng bị tàn phá mỗi năm; tại một số khu vực, 85% số loài cá bị khai thác cạn kiệt; lượng khí thải các-bon tăng thêm 38% từ năm 1990 đến năm 2009, gây hiệu ứng nhà kính. Hậu quả là nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn. Nơi bị lũ lụt, nơi bị hạn hán, đất trồng trọt bị xói mòn. Mặc dù số người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới đã giảm từ 46% (năm 1990) xuống còn 27% hiện nay và kinh tế toàn cầu tăng trưởng 75% kể từ năm 1992, nhưng lối sống được cải thiện cùng thói quen tiêu dùng thay đổi đã gây sức ép lớn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là thực tế được nhiều chuyên gia thừa nhận và cảnh báo. Theo Giám đốc điều hành Viện Nông trại Ô-xtrây-li-a M.Keo-gơ, có hai yếu tố cần tính đến là vấn đề gia tăng số dân và tài sản tại các nước đang phát triển. Ông cho rằng, Trung Quốc, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a chiếm 40% số dân toàn cầu và rất nhiều người tại những quốc gia này sẽ trở thành người tiêu dùng trung lưu. Sức tiêu thụ lương thực cũng như các loại thực phẩm sẽ tăng, đồng nghĩa việc phải sản xuất nhiều lương thực hơn.
Nhóm soạn thảo báo cáo, do lãnh đạo Phần Lan và Nam Phi đồng chủ tịch, chỉ ra rằng, mô hình phát triển toàn cầu hiện nay thiếu sự bền vững, do hành động chưa đủ nhanh, chưa đi vào thực chất vấn đề và thiếu ý chí chính trị mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu là cần thiết. Thế giới cần vạch ra một lộ trình mới bảo đảm sự bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn bảo vệ được trái đất. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đang tạo ra cơ hội cho một cuộc cải cách toàn diện. Nhóm soạn thảo báo cáo đưa ra 56 đề xuất cho phát triển bền vững để lồng ghép vào chính sách kinh tế càng sớm càng tốt. Trong đó, kêu gọi chính phủ các nước nhất trí với một loạt mục tiêu phát triển bền vững bổ sung cho tám mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 và tạo ra một khuôn khổ hành động, để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch, lương thực và năng lượng trong tương lai gần. Theo Giám đốc Trung tâm Môi trường chung G.An-giê, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi các nhà lãnh đạo có quyết tâm cao. Một số quy định bền vững rất cần cho các chính sách cấp nhà nước là nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi để các nước đang phát triển tăng cường sản xuất lương thực. Đây được coi là một “nền kinh tế chính trị” mới. Báo cáo cũng kêu gọi chính phủ các nước cùng với các tổ chức quốc tế thực hiện cuộc “cách mạng xanh” nhằm tăng ít nhất hai lần năng suất trong khi hạn chế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhằm tránh những tổn thất hơn nữa về đa dạng sinh học. Các hệ sinh thái nước và biển cũng cần được quản lý hiệu quả hơn và cần có sự tiếp cận rộng rãi đối với nguồn năng lượng bền vững vào năm 2030. Các tác giả cũng đề xuất thiết lập cơ chế tính giá các-bon và tài nguyên thiên nhiên, tiến tới giảm dần việc bao cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020.
Gia tăng dân số và thiếu hụt nguồn lực là vấn đề thường xuyên được nhắc tới và trở nên cấp thiết hơn hiện nay, khi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và dân số đang tăng nhanh. Ủy viên Liên hiệp châu Âu về khí hậu C.Hê-đê-gát kêu gọi các nước tận dụng Hội nghị cấp cao về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (Rio-20) tháng 6 tới tại Bra-xin để khởi động quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững trong thế kỷ 21.
Theo Nhandan
Ý kiến ()