Thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm phục vụ và bảo vệ nhân dân
Theo chuyên gia, việc xây dựng dự án Luật, tiến tới ban hành và thực hiện “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng nhằm bảo vệ nhân dân.
Ngày 14/3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” theo hình thức trực tuyến.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Đây là dự án luật rất quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ an ninh trật tự, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở,” cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, thực tiễn bảo vệ an ninh trật tự đã khẳng định, những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội,” tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.
Góp ý kiến tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhắc lại tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã nêu và Văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh, trong đó xác định “chủ động phòng ngừa” là chính, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, trên quan điểm chính trị-pháp lý cũng như ý nghĩa, giá trị nhân văn, cần nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, thực chất là bảo vệ người dân. Mục tiêu phát triển bền vững phải luôn định hướng vào phát triển bền vững cuộc sống của con người, hạnh phúc của người dân là chỉ số quan trọng nhất của phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật, tiến tới ban hành và thực hiện “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” chính là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng nhằm phục vụ và bảo vệ dân, thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cũng phân tích nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của cơ sở và bảo vệ an ninh trật tự theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng; nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở trong hệ thống 4 cấp của chính quyền và nền hành chính của nước ta, khẳng định tuy cơ sở là cấp thấp nhất nhưng lại rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Mọi sự mất ổn định đều từ mất ổn định cơ sở, nhất là ở nông thôn và nông dân. Cho nên tuy là “vi mô” nhưng phải nhìn nhận, đánh giá ở tầm “vĩ mô.”
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh nêu lên 7 thách thức về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như: mâu thuẫn, bất đồng trong người dân, nhất là mâu thuẫn về đất đai; xung đột do giải phóng mặt bằng phát triển kinh tế; nghỉ việc tập thể tại các địa phương có khu công nghiệp; các yếu tố phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện, tố cáo kéo dài…
Những thách thức trên nếu không giải quyết kịp thời, thỏa đáng sẽ xảy ra phức tạp, thậm chí có thể xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Với những thách thức trên đòi hỏi phải có lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, kết nối người dân và chính quyền ở cơ sở. Việc bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở không chỉ dựa vào lực lượng chính quy hay bán chuyên trách mà là tổng hòa các yếu tố nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo kết nối giữa người dân và chính quyền.
“Các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã tồn tại mấy chục năm nay, phát huy rất tốt vai trò hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, hóa giải các mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm.
Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải chuẩn hóa lại bằng luật, nhận diện rõ lại các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách đúng bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ, đồng thời tích hợp với các dự án luật khác thành một thể thống nhất, xuyên suốt,” ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị-Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, mặc dù hiện nay đã bố trí Công an xã chính quy, chuyên trách nhưng số lượng cán bộ Công an ở mỗi xã còn hạn chế, trong khi khối lượng công việc nhiều, đảm nhiệm cả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là nhiệm vụ của nhiều lực lượng, mỗi lực lượng có vị trí, vai trò khác nhau.
“Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là một công cụ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do vậy cần phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cần phải pháp điển hóa tất cả các quy định của pháp luật đã có từ trước, có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển để phù hợp với yêu cầu xây dựng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong thời kỳ mới,” Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh./.
Ý kiến ()