Thẻ bảo hiểm y tế điện tử tạo thuận lợi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ảnh minh họa
Tăng thuận tiện, giảm phiền hà
Trong lộ trình đã được đặt ra tại các văn bản pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành, từ thời điểm 1-1-2020, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thực hiện việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia.
Ông Võ Khánh Bình, Trưởng Ban Sổ – Thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết, triển khai thẻ BHYT điện tử trên cơ sở yêu cầu của Luật BHYT về “ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT”. Ngày 6-2-2017, Chính phủ có Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, trong đó giao BHXH Việt Nam “Nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, BH thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung”. Có thể thấy, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thẻ BHYT điện tử là một trong những nội dung của hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Võ Khánh Bình nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và cơ quan BHXH.
Đối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Quan trọng nhất, người tham gia khi đi KCB không cần mang giấy tờ tùy thân, mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt…, giúp thuận tiện và giảm phiền hà. Toàn bộ lịch sử bệnh tật của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ cũng thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh tật.
Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, bảo đảm nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử (trong chíp) được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh. Thẻ điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất.
Về phía BHXH, cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người đi KCB phải thực hiện xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT. Đồng thời, rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thủ công.
Sử dụng thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục khác như in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hằng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm.
Chuyển đổi sang sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ đem lại những hiệu quả tích cực về ngân sách Cụ thể như, giảm chi phí đổi thẻ BHYT do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng…
Bên cạnh đó, giảm chi phí giao dịch khi thực hiện thẻ đa chức năng với việc tích hợp các tiện ích ứng dụng trên thẻ như: Nộp tiền BHYT qua thẻ ATM, internet banking, tra cứu thông tin đóng – hưởng BHYT. Đồng thời, rút ngắn thời gian, chi phí lao động cho việc kiểm tra thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh gọn, chính xác.
Bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ
Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam), khẳng định, hiện nay, mỗi người tham gia BHYT được cấp một mã số thẻ BHYT riêng biệt. Mã số này sẽ theo suốt cuộc đời của người đó và không thay đổi. Dữ liệu về phát hành thẻ BHYT này cũng được cập nhật trên hệ thống, kết nối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh để thuận lợi cho việc tra cứu thông tin. Khi người bệnh đến bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào, nhân viên của cơ sở y tế chỉ cần nhập vào, sẽ kiểm tra được ngay thông tin thẻ BHYT này có do cơ quan BHXH phát hành hay không. Nếu như thẻ đó không do cơ quan BHXH phát hành, sẽ hiện ngay là không có dữ liệu thẻ.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thẻ do cơ quan BHXH phát hành, nhưng do một khâu nào đó dữ liệu chưa được cập nhật, thông tin cũng sẽ báo về như vậy. Trong những trường hợp như vậy, cơ quan BHXH cũng sẽ bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ.
Với quy định kể từ năm 2020 bắt đầu phát hành thẻ điện tử, BHXH Việt Nam đang xây dựng, trình Chính phủ quyết định về ban hành mẫu mã thẻ BHYT điện tử. Nếu thẻ BHYT được phát hành, sẽ thuận lợi rất nhiều cho người khám, chữa bệnh, từ tham gia đóng BHYT cho đến KCB. Lý do là dữ liệu đã tích hợp đầy đủ trong thẻ rồi, thẻ cũng không cần phát hành lại. Thậm chí, trong thẻ có lưu trữ cả các dấu hiệu nhận biết như dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt, dấu hiệu nhận dạng cá nhân, người bệnh đi khám không cần mang theo giấy tờ tùy thân. Điều này cũng giúp tránh được việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, mượn thẻ BHYT nhờ có sự kiểm soát qua thẻ điện tử.
Theo Nhandan
Ý kiến ()