Thầy thuốc trực thông Tết phục vụ nhân dân
Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, các bệnh viện trên cả nước đều lên kế hoạch, bố trí trực bốn cấp; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc men… Cho nên đến thời điểm này, công tác cấp cứu, điều trị cho người dân được thầy thuốc, cơ sở y tế thực hiện kịp thời, không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn, đánh giá tình trạng chấn thương của một người bệnh cấp cứu. |
Gần trưa ngày 26/1 (mồng 5 Tết), Khoa cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) số lượng người bệnh vào cấp cứu không nhiều, thi thoảng có một xe biển kiểm soát tỉnh ngoài đưa người bệnh từ tuyến dưới lên. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm nay, số lượng người được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu thường nhiều hơn vào buổi chiều (do chuyển từ các tuyến dưới lên).
Được biết, trong những ngày Tết vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn duy trì kíp 20 bác sĩ ở các chuyên khoa: chấn thương cột sống, sọ não, tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch… cùng khoảng 15 đến 17 bác sĩ nội trú, học viên và hàng chục điều dưỡng túc trực sẵn sàng để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
TS, BS Quách Văn Kiên (Khoa Phẫu thuật tiêu hóa), Trưởng kíp trực ngày mồng 5 Tết cho biết, trong những ngày Tết vừa qua, số bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông tại đây giảm so với cùng thời điểm Tết những năm gần đây. Đáng chú ý, nếu những năm trước số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông thường chiếm 70 đến 80% tổng số ca đến cấp cứu thì nay có những ngày giảm còn khoảng 20 đến 30%.
Trong những ngày Tết vừa qua, số bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông tại đây giảm so với cùng thời điểm Tết những năm gần đây. Đáng chú ý, nếu những năm trước số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông thường chiếm 70 đến 80% tổng số ca đến cấp cứu thì nay có những ngày giảm còn khoảng 20 đến 30%.
TS, BS Quách Văn Kiên
Cùng đó, số ca cấp cứu tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu giảm mạnh, từ hơn 50% những năm trước còn khoảng 15 đến 20%. Dịp Tết Nguyên đán năm nay số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông cũng giảm nhiều, cho nên không xảy ra quá tải ở khu vực phòng mổ và thiếu máy thở. Mọi năm, sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, bệnh viện phải liên hệ các bệnh viện lân cận để nhận bệnh nhân điều trị hậu phẫu nhưng năm nay hiện tại vẫn đang ổn, máy móc đầy đủ.
Tuy nhiên, các bác sĩ dự báo, ngày mồng 5, là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết nên lượng rất lớn người di chuyển về Hà Nội và các thành phố lớn để làm việc cho nên có thể số ca cấp cứu sẽ tăng. Do đó bác sĩ khuyến cáo người điều khiển phương tiện giao thông không uống bia, rượu; đội mũ bảo hiểm đầy đủ; làm chủ tốc độ để tránh các rủi ro trên đường.
Các bệnh viện lớn trên địa bàn Quảng Ninh, như đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bãi Cháy… đều đã thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám bệnh cho người dân cũng như ứng cứu các tình huống khẩn cấp trong những ngày Tết vừa qua. Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, Nguyễn Trọng Diện cho biết: Ngành y tế tiếp tục duy trì các đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng, duy trì tổ chức trực phòng, chống dịch suốt 24 giờ trong các ngày sau Tết; đồng thời bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch, phối hợp kiểm dịch y tế và thú y phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm xâm nhập, sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết kịp thời các ca cấp cứu vào mọi thời điểm…
Tại Hải Phòng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu tại các bệnh viện tuyến thành phố và các quận, huyện được bảo đảm trong dịp Tết. Các bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt-Tiệp, Kiến An, Trẻ em… đều bố trí nhân lực ứng trực cấp cứu suốt 24 giờ trong ngày, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh. Trong đó, các bệnh viện bố trí nhiều kíp trực ngoại khoa để tiếp nhận người bệnh bị tai nạn, chấn thương; hồi sức cấp cứu; vận chuyển bệnh nhân và bố trí khu vực điều trị riêng đối với người bệnh mắc Covid-19… Ngay trong sáng ngày đầu tiên của năm Quý Mão, các bệnh viện tại Hải Phòng đã ghi nhận có hơn 500 người nhập viện khám, chữa bệnh, trong đó có 80 trường hợp liên quan tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, dịp Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại bệnh viện tăng 20% đến 30% so với ngày thường. Tính từ ngày 30 đến mồng 5 Tết, Bệnh viện Trung ương Huế khám, cấp cứu hơn 1.500 trường hợp, trong đó cấp cứu hơn 230 người bệnh, đã có trường hợp phải phẫu thuật do đa chấn thương và chấn thương sọ não. Ở khu vực tiếp nhận bệnh nhân của Khoa Cấp cứu, các giường bệnh gần như không còn chỗ trống; Khoa Gây mê hồi sức A liên tục đón tiếp bệnh nhân nặng từ Khoa Cấp cứu chuyển lên cho nên đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở đây phải “căng mình” làm việc không kể giờ giấc.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong những ngày cao điểm Tết tại Đà Nẵng được đặc biệt chú trọng. Các cơ sở y tế trên địa bàn đã lên kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để sẵn sàng cấp cứu, tiếp nhận, điều trị cho người bệnh và ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh. TS, BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ngay trong đêm Giao thừa, bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ, tiến hành can thiệp ECMO (kỹ thuật tim-phổi nhân tạo) để cứu sống một người bệnh nguy kịch.
Ngay trong đêm Giao thừa, bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ, tiến hành can thiệp ECMO (kỹ thuật tim-phổi nhân tạo) để cứu sống một người bệnh nguy kịch.
TS, BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng
Trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn bố trí nhân lực thường trực bốn cấp bảo đảm duy trì hoạt động suốt 24 giờ. Ngoài bảo đảm khám, cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 đã kích hoạt hệ thống cấp cứu khẩn cấp với nhiều phòng, ban được thiết kế hoạt động theo mô hình vệ tinh. Các phòng ban này sẽ xử lý tình huống ngay khi có thông tin từ phòng cấp cứu trung tâm, đồng thời vẫn duy trì phòng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân trong những ngày Tết.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 cho biết, những ngày Tết, trung bình chúng tôi nhận khoảng 200 ca/ngày. Buổi sáng thường là những ca nhẹ, chủ yếu là những người có bệnh nền đến khám, chữa bệnh như đau bụng, tiền đình… Còn về chiều, tối thì tiếp nhận những bệnh nhân nặng, chủ yếu là các ca tai nạn giao thông, từ các Quận như: Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Quận 12… Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày Tết vẫn có 45 điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin của người dân.
Chiều 26/1, Bác sĩ CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trong những ngày đầu năm mới, mỗi ngày Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận, xử lý từ 250 đến 270 trường hợp, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng từ 70 đến 90 trường hợp so với ngày bình thường. Các ca bệnh nhập viện cấp cứu trong những ngày Tết đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở các trường hợp do tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích…
Mặc dù đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng các y sĩ, bác sĩ tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện phải làm việc hết công suất, hơn cả ngày bình thường. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ Tết, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: đa khoa thành phố Cần Thơ, Tim mạch, Nhi đồng, đa khoa quốc tế Đột quỵ Tim mạch, Phụ sản cũng bố trí các kíp trực cấp cứu sẵn sàng tiếp nhận, xử lý cho người bệnh và tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú theo chỉ định.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết (từ 20 đến 26/1), các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 312 nghìn người bệnh; có hơn 144 nghìn người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật, trong đó có 3.627 ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu; có 2.337 người chết; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 18.020 trẻ chào đời…
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông là 9.716 ca, tăng 15,6%; số người chết do tai nạn giao thông giảm 3,6%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau tăng 0,7%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%; số ca khám, cấp cứu tai nạn sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%. Các cơ sở y tế chỉ ghi nhận 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% tổng số khám, cấp cứu; có hai người chết do ngộ độc thuốc trừ sâu.
Ý kiến ()