Thấy gì về thực hiện thí điểm mô hình trường học mới VNEN ở Nghệ An
Lớp học VNEN tại trường Tiểu học Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.
Được và chưa được
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm học 2012-2013, Dự án mô hình trường học mới VNEN được triển khai thực hiện tại 73 trường tiểu học trên địa bàn. Đánh giá bốn năm triển khai thực hiện việc dạy học theo mô hình mới VNEN ở bậc tiểu học, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An Trần Thế Sơn cho rằng: Dự án “cơ bản” thành công, trong đó, 80% trường thực hiện tốt và 20% trường thực hiện chưa hiệu quả. Thời gian đầu dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau bốn năm đã mang lại hiệu quả tích cực: Năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác theo nhóm của học sinh được hình thành, phát triển nhanh và tốt hơn hẳn so với học sinh học các trường ngoài dự án, nhất là học sinh vùng nông thôn, miền núi.
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là một trong hai trường của thành phố Vinh được chọn thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN. Theo đánh giá của nhà trường, sau bốn năm thực hiện, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, sinh hoạt chuyên môn nhà trường đi vào nề nếp; Ban giám hiệu nhà trường tăng cường dự giờ, kiểm tra kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, nề nếp lớp học… tìm ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết. Học sinh đã tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều.
Nhờ tham gia các hoạt động nhóm, học sinh được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực bản thân, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và điều hành; học sinh yếu được giáo viên và các bạn trong nhóm quan tâm để hoàn thành nhiệm vụ.
Dạy học theo mô hình trường học mới, hầu hết giáo viên trong trường cũng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, giáo viên theo dõi kiểm soát học sinh tự học. Trong tiết học, giáo viên không còn thuyết giảng nhiều như trước, mà tập trung vào quan sát, đánh giá, trực tiếp giúp đỡ từng em trong quá trình giảng dạy.
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy quá trình triển khai chương trình VNEN ở Nghệ An hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong điều kiện về con người và cơ sở vật chất. Về phía các nhà trường, để dạy học hiệu quả đòi hỏi cần phải trang trí lớp học theo từng chủ đề, chủ điểm, học sinh phải có thiết bị học tập đi kèm để hỗ trợ trong học tập, giáo viên cũng thường xuyên phải phô-tô tài liệu, các biểu bảng, phiếu thăm dò…
Để đáp ứng các tiêu chí này, về lý thuyết là được hỗ trợ. Tuy vậy, quá trình triển khai các trường rất chật vật để thực hiện, thậm chí là phải huy động xã hội hóa từ phụ huynh. Rất nhiều trường như Trường Tiểu học Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông… nhà trường đã phải huy động phụ huynh đến giúp nhà trường trang trí, tu sửa các lớp học.
Ở Trường Tiểu học thị trấn Nam Đàn, Phó Hiệu trưởng Phạm Thị Huệ cho hay: Nhà trường đã được trang bị máy phô-tô, nhưng sử dụng chưa được một ram giấy là bị hỏng và phải “đắp chiếu” từ đó đến nay.
Báo cáo tổng kết của Sở GD&ĐT cũng chỉ ra những hạn chế như: Công tác quản lý, chỉ đạo ở một số phòng giáo dục, nhà trường còn bất cập, không theo kịp yêu cầu đổi mới; tâm lý, thói quen quản lý dạy học theo kiểu ứng thí, nặng về dạy chữ ở một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên trở thành rào cản cho tư duy đổi mới giáo dục theo hướng giáo dục tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học. Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn bày tỏ sự không yên tâm với phương pháp dạy mới này. Bởi lớp đông thì giáo viên khó quản lý, và cũng ít có thời gian đến từng nhóm để kịp thời sửa chữa, chỉ bảo cho học sinh yếu kém.
Theo Phó Phòng GD&ĐT huyện miền núi Tương Dương Võ Thị Tuyết Chinh, huyện Tương Dương triển khai VNEN ở hai trường tiểu học là Yên Na 1 và Yên Thắng 1, Yên Thắng 2. Đa số là học sinh dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp, khả năng hợp tác, chia sẻ còn hạn chế, nên hiệu quả thực hiện mô hình chưa cao.
Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên ngành GD&ĐT Nghệ An triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến khi đi vào thực hiện, chương trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại Trường THCS Hưng Dũng TP Vinh là trường có số lượng học sinh tham gia chương trình trường học mới đông nhất trong số 26 trường triển khai thí điểm đầu tiên.
Nói về những khó khăn, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng Ninh Viết Tăng cho biết, trường đã có bề dày về dạy và học, thế nhưng khi có thông tin trường sẽ dạy học theo chương trình trường học mới, nhiều phụ huynh đã đến xin chuyển trường. Quá trình dạy học, vì nhà trường dạy song song hai chương trình (chương trình hiện hành và chương trình trường học mới) nên nhà trường phải bố trí, sắp xếp việc dạy cho giáo viên theo giờ lên lớp rất khó khăn. Nhiều giáo viên cho biết, đã làm việc quá tải khi mà phải soạn hai giáo án, trong đó một giáo án soạn trong điều kiện “vừa học, vừa tự nghiên cứu, vừa dạy”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy học theo mô hình trường học mới ở cấp THCS là không hợp lý, vì đặc thù bậc THCS mỗi môn học một giáo viên nên sẽ rất khó để sâu sát học sinh. Đó là chưa nói đến việc học tích hợp các môn khoa học tự nhiên và các môn khoa học xã hội là không hợp lý, vì giáo viên đều chưa được đào tạo, chỉ được tập huấn vài ba buổi, không có kinh nghiệm giảng dạy.
Nảy sinh vấn đề mới cần giải quyết
Mới đây, qua điều tra, xác minh của phóng viên Báo Nhân Dân cho thấy, hàng nghìn học sinh ở huyện miền núi Tân Kỳ nhiều năm liền đã phải học tập bằng những quyển sách giáo khoa (SGK) phô-tô đen trắng trong trường học VNEN. Bốn năm học tiểu học, nhưng chỉ có duy nhất năm lớp 1, con gái của chị Nguyễn Thị Nga, xóm 12 xã nghĩa từ năm lớp 2 đến lớp 4, tức là khi theo học mô hình trường học mới VNEN, thì con gái chị phải thường xuyên sử dụng SGK phô-tô để học.
SGK phô-tô bán cho học sinh về nhà học tại Trường Tiểu học Nghĩa Bình và Trường Tiểu học Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ.
Bà Phan Thị Tý, xã Kỳ Sơn bức xúc “Học SGK phô-tô thế này thì giáo dục gì nữa, cháu tui và các cháu khác không phân biệt được con gà mào màu đỏ hay màu đen….”. Không phải chỉ ở nhà, tại một số trường tiểu học của huyện Tân Kỳ đang thực hiện mô hình trường học VNEN, hàng trăm học sinh cũng đang phải học tập bằng SGK phô-tô đen trắng như thế này.
Phụ huynh bức xúc vì phải mua SGK chương trình VNEN phô-tô và một số sách vở khác do nhà trường bán với giá cao hơn thị trường.
Hiệu phó Trường tiều học Kỳ Sơn Cô Nguyễn Thi Bích Nga lý giải cho việc hàng trăm học sinh đang phải học những quyển SGK phô-tô: Theo dự án VNEN, SGK được cấp một lần trong 5 năm, nếu số lượng học sinh tăng lên thì sẽ được bổ sung. Thế nhưng do đây là bộ sách tích hợp theo kiểu 3 trong 1, dành cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Vì vậy, việc học sinh không được đưa sách về nhà học tập. Sau bốn năm triển khai, dự án VNEN kết thúc, điều này đồng nghĩa với việc năm học 2016-2107, học sinh sẽ không được cấp SGK như trước, dẫn đến một thực tế, các trường tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới VNEN đang đứng trước nguy cơ thiếu SGK in cho học sinh.
Việc lấy danh nghĩa thu tiền phô-tô, nhưng thực chất là để bán SGK phô-tô cho học sinh, tại trường tiểu học Nghĩa Bình và Kỳ Sơn,… huyện Tân Kỳ không chỉ gây gánh nặng cho phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Trong giấy thu tiền của giáo viên chủ nhiệm ghi cho bà Phan Thị Tý, xã Kỳ Sơn ghi rõ: 12. 500 đồng cho một quyển vở ô li, trong khi đó, giá thị trường chỉ khoảng 3-4 nghìn đồng. Giá trên bìa của một quyển sách tiếng Anh lớp 5 chỉ 27 nghìn đồng nhưng lại được nhà trường bán với giá 46 nghìn đồng. Nhiều phụ huynh ở xã Kỳ Sơn cho rằng, việc chấp nhận mua sách vở giá cao và phải học SGK phô-tô trong một thời gian dài là do xuất phát từ tâm lý lo sợ con em mình bị định kiến trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn thể hiện sự bức xúc vì phải mua sách, vở có in lô-gô của trường với giá đắt đỏ so với thị trường. Vấn đề trên, Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho rằng, tình trạng một số trường học phô-tô hộ tài liệu cho học sinh sử dụng học tập là do xuất phát từ việc phụ huynh nhờ giáo viên phô-tô hộ với giá rẻ hơn nhiều.
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Trịnh Hữu Thành cho biết: Quá trình xác minh sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ đã thu hồi biên lai thu tiền của phụ huynh yêu cầu các trường hoàn trả lại số tiền phô tô đã thu trước đó. Sở GD&ĐT Nghệ An cần vào cuộc xác minh làm rõ sự thật. Bởi qua phản ánh của phụ huynh cho thấy, dấu hiệu lợi dụng một dự án giáo dục nhằm mục đích thương mại diễn ra trong suốt một thời gian dài.
Nói về hướng tới trong phát triển nhân rộng mô hình trường học mới VNEN, Trưởng Phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An Trần Thế Sơn cho biết: Việc nhân rộng mô hình VNEN cần phải tính toán cẩn thận với ba lý do chính: thứ nhất là điều kiện của đại đa số người dân hiện nay đang khó khăn, thứ hai tài liệu của chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và mức giá đang quá cao. Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn ở Nghệ An chưa bảo đảm.
Từ thực tiễn, khảo sát và từ những góc nhìn đa chiều của mọi tầng lớp, thiết nghĩ để việc triển khai mô hình trường học mới VNEN ở Nghệ An đạt hiệu quả, cần có một lộ trình phù hợp. Trước hết là sự thay đổi, điều chỉnh về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên; phải có sự khảo sát một cách nghiêm túc, xem những nơi nào có sự tương đồng phù hợp để áp dụng mô hình VNEN; không thể triển khai một mô hình mà sự chuẩn bị và các điều kiện cần và đủ đi kèm tối thiểu nhất cũng chưa đáp ứng.
Việc tổng kết sau từng năm học cũng cần làm rõ những mặt ưu điểm và hạn chế của mô hình này để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục. Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cần được chú trọng để trước hết là ngành giáo dục và xã hội hiểu rõ về mục tiêu của việc áp dụng mô hình trường học mới. Các nhà quản lý của ngành cần phải nhận thức một cách thấu đáo VNEN là một dự án mang tính chất kích cầu, thí điểm (trong vòng 5 năm).
Vậy nên, việc đánh giá tình hình thực tiễn, điều kiện, nguồn lực của địa phương, của ngành, thậm chí là tư duy, thói quen của người Việt Nam và Nghệ An phải được thực hiện nghiêm túc, sát đúng và khoa học. Có như vậy mới xác định, xây dựng được lộ trình, cách làm, chiến lược phù hợp để triển khai thực hiện mô hình trường học mới hiệu quả…
Ý kiến ()