Thứ 2, 25/11/2024 23:38 [(GMT +7)]
Thấy gì về chất lượng đội ngũ CBGV sau 2 năm thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại
Thứ 5, 11/08/2011 | 08:17:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trên lộ trình đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng GD, công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quan trọng. Công tác này càng có ý nghĩa hơn khi toàn ngành GD tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về “ Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.
Bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp tiểu học cho năm học mới 2011-2012 ở huyện Cao Lộc |
Trong 2 năm học vừa qua, công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại được ngành thực hiện một cách nghiêm túc. Với nhận thức, chỉ có kiểm tra chặt chẽ, “ bài bản” thì mới có thể đánh giá xếp loại dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Nội dung kiểm tra gồm kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức hiểu biết, quản lý của ngành phù hợp với từng cấp học. Chương trình kiểm tra kiến thức gồm có kiến thức cơ bản của chương trình cấp học, môn học theo chuẩn quy định và kiến thức nâng cao mở rộng từ kiến thức cơ bản. Nội dung này chiếm tỷ lệ 70% đối với giáo viên và 30% đối với cán bộ quản lý (CBQL). Phần hiểu biết về kiến thức quản lý giáo dục đối với cấp học có tỷ lệ 30% đối với giáo viên và 70% đối với CBQL. Trong 2 năm thực hiện kiểm tra có thể thấy số nhà giáo và CBQL có điểm xếp loại giỏi không nhiều và năm sau thấp hơn năm học trước (năm học 2009-2010 có tỷ lệ 15,73% và năm học 2010-2011 có tỷ lệ 2,03%); ngược lại, số cán bộ giáo viên (CBGV) xếp loại yếu và kém còn chiếm một tỷ lệ rất đáng kể và năm sau cao hơn năm trước. Toàn ngành còn đến 1478 CBGV có điểm dưới trung bình, trong đó loại yếu chiếm 4,61% và loại kém chiếm tỷ lệ 0,15%. Vấn đề đặt ra là vì sao tỷ lệ giáo viên xếp loại yếu, kém trong kiểm tra nhận thức hiểu biết năm sau lại cao hơn năm trước, và tại sao số giáo viên xếp loại yếu, kém chủ yếu tập trung ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS- những cấp học có tỷ lệ rất cao CBGV đạt trên chuẩn đào tạo. Qua sự phân tích của ngành GD và ý kiến của một số cán bộ cấp phòng GD, có thể thấy rằng, năm học 2009-2010- năm đầu tiên thực hiện kiểm tra nhận thức, nên công tác đánh giá xếp loại ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, còn chạy theo “ bệnh thành tích”, nên tỷ lệ xếp loại khá giỏi cao, chưa đúng với thực tế. Sau khi được ngành chấn chỉnh, từ năm học 2010-2011 các phòng GD và toàn ngành đã có sự đánh giá xếp loại khách quan, công bằng và chính xác hơn; vì vậy tỷ lệ khá giỏi giảm và tỷ lệ xếp loại yếu, kém tăng. Qua xếp loại cũng cần xem xét lại chất lượng đào tạo bồi dưỡng CBGV với trình độ trên chuẩn đào tạo. Ví dụ ở cấp tiểu học, tỷ lệ CBQL có trình độ trên chuẩn đào tạo chiếm tới 77,09%, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 56,36%, song kết quả xếp loại kiểm tra nhận thức cuối năm, tỷ lệ xếp loại giỏi chỉ có 0,97% và loại khá là 26,68%. Là CBGV có trình độ trên chuẩn đào tạo lại chỉ đạt điểm trung bình trở xuống về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức hiểu biết, quản lý của ngành đối với cấp học, thì cũng cần phải xem xét lại tấm bằng “ trên chuẩn” mà họ có được. Thông qua các kỳ kiểm tra kiến thức, ngành GD&ĐT có thể đánh giá chính xác đội ngũ CBGV, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng lại để đáp ứng với yêu cầu đổi mới GD. Cũng qua các kỳ kiểm tra, mỗi CBGV cũng tự nhìn nhận lại “ trình độ thực” của bản thân mình để có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chống tư tưởng tự mãn, an phận. Ngoài việc kiểm tra chung, trong năm học, ngành đã phối hợp với các trường đại học có uy tín tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ giáo viên bộ môn tiếng Anh để có cơ sở tiếp tục bồi dưỡng, sử dụng. Trong năm học vừa qua, ngành đã tổ chức được 67 lớp bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho 5650 CBGV, nhân viên; phối hợp với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ mở 10 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 677 CBQL giáo dục mầm non và phổ thông. Cũng trong năm học, đã có 1125 CBGV được đào tạo nâng cao trình độ, trong đó có 5 nghiên cứu sinh, 36 người đang học thạc sĩ, 723 người đang học đại học và 361 người đang học cao đẳng.
Kiểm tra đánh giá xếp loại là một trong các giải pháp quan trọng nâng cao trình độ CBGV- yếu tố quyết định nâng cao chất lượng GD. Đây sẽ là việc làm thường xuyên của mỗi năm học nhằm tạo động lực cho công tác tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng của mỗi CBGV.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()