Thấy gì từ hiệu ứng “Abenomics”
Chính sách kinh tế mới của tân Thủ tướng Shinzo Abe được giới học thuật gọi là “Abenomics” với tham vọng đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi giảm phát và suy thoái triền miên hàng chục năm nay.
Chính sách kinh tế mới của tân Thủ tướng Shinzo Abe được giới học thuật gọi là “Abenomics” với tham vọng đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi giảm phát và suy thoái triền miên hàng chục năm nay.
Quyết sách mạnh tay
Ngày 4-4, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ quyết định tung ra chương trình nới lỏng tiền tệ mạnh tay, nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, BOJ sẽ gia tăng gấp đôi lượng trái phiếu chính phủ dài hạn cũng như số chứng chỉ quỹ ETF* đang nắm giữ và mua thêm trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời, BOJ cũng có kế hoạch công bố khung thời gian cho chương trình mua tài sản mở và cho biết nhiều khả năng hàng tháng sẽ mua vào 7 nghìn tỷ yên trái phiếu chính phủ dài hạn.
Trước đó, ngày 28-3 Hạ viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách tạm thời 13,2 nghìn tỷ yên (140,24 tỷ USD) cho năm tài chính 2013 bắt đầu từ ngày 1-4 để tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ trong 50 ngày do ngân sách ban đầu cho tài khóa này có thể chưa được thông qua trước tháng 5 tới.
Ngân sách đã được Thượng viện thông ngày 29-3 là ngân sách tạm thời lớn nhất từ trước đến nay, vượt “kỷ lục” so với năm 1996 (11,6 nghìn tỷ yên). Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong ngân sách tạm thời 5.430 tỷ yên sẽ được phân bổ cho các khoản chi an sinh xã hội, 2.420 tỷ yên phân bổ cho chính quyền các địa phương và 1,54 nghìn tỷ yên cho các dự án công cộng.
Phát biểu tại Ủy ban ngân sách Hạ viện, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh việc chi 1,54 nghìn tỷ yên cho các dự án công là nhằm “không gây trở ngại cho việc thực hiện các hành động tiếp theo”.
Khối lượng tiền BOJ in ra được khống chế bằng mức lạm phát đạt 2%, cùng với việc gia tăng chi tiêu công thông qua gói kích thích kinh tế 114 tỷ USD, cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các hệ thống phòng ngừa động đất và tăng chi tiêu quốc phòng.
Về các khoản thu ngân sách, Chính phủ Nhật Bản đảm bảo được 2,42 nghìn tỷ yên từ thu thuế và các khoản phí thủ tục khác vào đầu năm tài chính mới. Để bù đắp khoản thiếu hụt, chính phủ sẽ phát hành trái phiếu ngắn hạn. Chính phủ Nhật Bản cũng đã soạn thảo ngân sách tạm thời riêng trị giá 500.200 tỷ yên để chi cho công việc tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011.
Hiệu quả bước đầu
Các chuyên gia cho rằng, có thể vẫn còn quá sớm để nói về hiệu quả thực sự của “Abenomics”, nhưng thị trường chứng khoán Nhật Bản đã có dấu hiệu tích cực, tăng hơn 30% trong mấy tháng qua. Đồng Yên giảm giá cũng mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, niềm tin của các nhà đầu tư được khôi phục bước đầu, dòng tiền đã luân chuyển khá mạnh mẽ.
Có thể nói, niềm tin của các nhà sản xuất lớn cải thiện nhiều nhất từ sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011 trước kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của BOJ. Theo số liệu kinh tế vừa qua cho thấy, tuy giảm phát tại Nhật vẫn còn và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao nhưng chi tiêu hộ gia đình đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua dự báo 0,2% của các chuyên gia.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm thực phẩm tươi sống đã giảm 0,3% trong tháng 2 so với mức tăng 0,1% trong tháng 1 và giảm nhẹ hơn so với dự báo 0,4% của các chuyên gia. CPI lõi của Tokyo giảm 0,5% trong tháng 3 so với mức giảm 0,6% hồi tháng 2.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, sản xuất của Nhật Bản trong tháng 3 bất ngờ giảm 0,1%, sau khi tăng 0,3% tháng trước và thấp hơn so với dự báo tăng 2,6% của các chuyên gia, nhưng ngay sau công bố của BOJ, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt với mức 2,2%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp nước này lại tăng từ 4,2% trong tháng 1 lên 4,3% trong tháng 2.
Giá cổ phiếu của nhiều công ty Nhật Bản niêm yết tại thị trường Mỹ đã tăng mạnh, như cổ phiếu Toyota Motor tăng 4,7% lên 105,63 USD, cổ phiếu WisdomTree Japan ETF tăng 7,5% lên 43,88 USD. Nhóm cổ phiếu tài chính trên thị trường Mỹ đạt mức tăng giá ấn tượng. Chỉ số S&P 500 mảng tài chính tăng 0,9%.
Giới phân tích cho rằng, tuy mức tăng chưa ổn định, nhưng những hiệu quả bước đầu đã phần nào lấy lại được niềm tin của thị trường trong và ngoài nước đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Niềm tin hồi phục
Các số liệu kinh tế được công bố hôm 1-4, cho thấy kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình trạng suy thoái, nhưng với giải pháp đẩy mạnh chương trình kích thích kinh tế của BOJ được kỳ vọng là sẽ giúp nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát trong tương lai.
Cuộc khảo sát của BOJ cho biết, trong quý I/2013, niềm tin kinh doanh Nhật Bản được cải thiện sau khi chính sách tiền tệ tích cực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm đồng yên giảm và thúc đẩy giá cổ phiếu.
Báo cáo Tankan, một tiêu chuẩn quan trọng của các nhà lập pháp BOJ nhấn mạnh quan điểm rằng kinh tế Nhật Bản đang hồi phục trở lại từ cuộc suy thoái các năm trước đó.
Niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn tăng 4 điểm lên âm 8 điểm trong quý I/2013 sau 2 quý giảm liên tiếp, tương đương dự báo âm 7 điểm của các chuyên gia. Chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp phi sản xuất lớn tăng 2 điểm lên 6 điểm trong quý I/2013 và dự báo lên 9 điểm trong quý II/2013.
Các nhà sản xuất lớn kỳ vọng điều kiện kinh doanh cải thiện trong quý II/2013 với chỉ số niềm tin sẽ ở mức âm 1 điểm. Đây sẽ là tín hiệu triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Kết quả khảo sát nêu trên được thực hiện trước cuộc họp chính sách đầu tiên của BOJ được chủ trì bởi tân Thống đốc Haruhiko Kuroda tuần trước để thảo luận giải pháp mở rộng gói kích thích kinh tế.
Như vậy, với những quyết sách mới và những giải pháp quyết liệt của Tân chính phủ Nhật Bản, chính sách kinh tế với tên gọi “Abenomics” đã có hiệu ứng tích cực, khiến dư luận kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế khu vực và toàn cầu.
Nhandan
Ý kiến ()