Thay đổi trên chính trường Ai-len
Cuộc bầu cử QH trước thời hạn đã tạo ra một sự thay đổi lớn trên chính trường Ai-len, với thắng lợi của đảng Fine Gael trung tả đối lập, đồng thời đánh dấu thất bại của đảng Fiana Fail sau 14 năm cầm quyền liên tiếp. Kết quả này cho thấy sự bất bình của cử tri Ai-len đối với các chính sách không hiệu quả của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.Kết quả cuộc bầu cử QH Ai-len diễn ra ngày 25-2 cho thấy, đảng Fine Gael đứng thứ nhất, được 76 ghế trong tổng số 166 ghế của Hạ viện; Công đảng được 37 ghế; đảng Fiana Fail cầm quyền của Thủ tướng sắp mãn nhiệm B.Cô-oen chỉ giành được 20 ghế (thấp hơn nhiều so 78 ghế có được sau cuộc bầu cử năm 2007). Do đảng Fine Gael không giành được hơn 50% số phiếu bầu cho nên phải liên minh với các đảng khác. Chủ tịch đảng Fine Gael E.Ken-ni, người vừa được chỉ định làm Thủ tướng mới của Ai-len, thông báo đã đạt thỏa thuận với Công đảng để...
Kết quả cuộc bầu cử QH Ai-len diễn ra ngày 25-2 cho thấy, đảng Fine Gael đứng thứ nhất, được 76 ghế trong tổng số 166 ghế của Hạ viện; Công đảng được 37 ghế; đảng Fiana Fail cầm quyền của Thủ tướng sắp mãn nhiệm B.Cô-oen chỉ giành được 20 ghế (thấp hơn nhiều so 78 ghế có được sau cuộc bầu cử năm 2007). Do đảng Fine Gael không giành được hơn 50% số phiếu bầu cho nên phải liên minh với các đảng khác. Chủ tịch đảng Fine Gael E.Ken-ni, người vừa được chỉ định làm Thủ tướng mới của Ai-len, thông báo đã đạt thỏa thuận với Công đảng để thành lập chính phủ mới.
Cuộc bầu cử QH trước thời hạn đánh dấu sự thất bại được coi là 'đau đớn' nhất của đảng Fiana Fail kể từ khi thành lập năm 1932, sau khi đã cầm quyền tới 61 năm. Cử tri Ai-len quy trách nhiệm đối với Thủ tướng B.Cô-oen và đảng Fiana Fail trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở nước này. Chỉ trong vòng ba năm, từ một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh dựa vào chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi nhất châu Âu, Ai-len đã rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Món nợ công khổng lồ 155 tỷ ơ-rô (tương đương 98,6% GDP) đang đè nặng trên vai hơn bốn triệu dân của đất nước được mệnh danh 'Con hổ vùng Xen-tích'. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cứ năm tỷ ơ-rô được chi tiêu hiện nay, Ai-len phải vay mượn hai tỷ ơ-rô. Thâm hụt tài chính công lên tới 32% GDP, tỷ lệ thất nghiệp 14%, lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng và tài chính công luôn trong tình trạng cạn tiền bởi dư nợ quá lớn.
Đối với người dân ở một nước từng được coi là thịnh vượng trong khu vực Tây Bắc Âu, với thu nhập bình quân đầu người hơn 40 nghìn USD, tình cảnh khốn khó này là không thể chấp nhận. Để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 85 tỷ ơ-rô với mức lãi suất 5,8%/năm của IMF và Liên hiệp châu Âu (EU), đảng Fiana Fail đã đưa ra các chính sách kinh tế khắc khổ, với mục tiêu tiết kiệm sáu tỷ ơ-rô năm 2011 và 15 tỷ ơ-rô (gần 10% GDP) trong bốn năm tới, giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3% (theo quy định của EU) vào năm 2014. Chính phủ của Thủ tướng Cô-oen đưa ra kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm trong khu vực công, giảm trợ cấp xã hội, thực hiện lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng từ 21% lên 23% từ nay đến năm 2014.
Các nhà phân tích cảnh báo, thắng lợi trong cuộc bầu cử QH cũng đánh dấu trọng trách lớn và khó khăn của đảng Fine Gael trong công cuộc khôi phục kinh tế Ai-len. Trong chương trình tranh cử mang tên 'Hãy để Ai-len làm việc', đảng Fine Gael cam kết sẽ giảm chín tỷ ơ-rô thâm hụt ngân sách trong vòng ba năm, cải tổ hệ thống chính trị, giảm chi tiêu công và tạo 100 nghìn việc làm trong năm năm tới. Nhưng lời hứa của đảng Fine Gael mà người dân Ai-len kỳ vọng nhất là việc thương thảo lại các điều khoản trong gói cứu trợ của EU và IMF. Ngay sau khi đạt thỏa thuận thành lập chính phủ, liên minh cầm quyền mới đã khẩn trương xúc tiến đàm phán lại với EU về các điều khoản của gói cứu trợ tài chính trị giá 85 tỷ ơ-rô. Người dân Ai-len từng kịch liệt phản đối Thủ tướng B.Cô-oen chấp nhận gói cứu trợ này, vì họ thấy 'xấu hổ' khi một nước giàu như Ai-len phải cầu cứu viện trợ tài chính từ bên ngoài, coi đây là hành động đánh mất chủ quyền quốc gia. Đối với người dân Ai-len, từ khi gia nhập EU năm 1973 đến nay, Ai-len được coi là hình mẫu phát triển năng động của châu Âu. Ngoài ra, gói cứu trợ sẽ là khởi nguồn cho chính sách 'thắt lưng, buộc bụng', tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và trợ cấp, qua đó đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn.
Việc liên minh với Công đảng cũng có thể khiến đảng Fine Gael gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều hành đất nước. Bởi vì, đảng Fine Gael theo đường lối trung tả, còn Công đảng theo đường lối trung hữu. Tuy nhiên, cử tri Ai-len hy vọng hai đảng sẽ đoàn kết vì mục tiêu chung khôi phục kinh tế đất nước. Trong khi đó, đáp lại các tuyên bố của đảng Fine Gael, EU ngay lập tức gây sức ép với Thủ tướng mới của Ai-len E.Ken-ni rằng, Đa-blin cần tuân thủ các cam kết về giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời bác bỏ đề xuất thương lượng lại các điều kiện của gói cứu trợ tài chính của EU và IMF. Một tương lai khó khăn đang chờ chính phủ mới của Ai-len.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()