Thay đổi tập quán chăn nuôi ở vùng núi Mẫu Sơn
(LSO)- Chuyển từ hướng sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình sang hướng chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bao Dao ở Mẫu Sơn.
Người dân xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc thực hành tra thuốc cho gà
Gà 6 ngón là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng núi Mẫu Sơn, tuy nhiên, lâu nay, các hộ dân vẫn nuôi theo hướng tự phát quy mô hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế không cao, đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong năm 2016 – 2018, Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã thí điểm thành công mô hình chăn nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn tại tỉnh Lạng Sơn. Kế thừa kết quả nghiên cứu này, Chi cục Thú y đang triển khai nhân rộng trên quy mô 15 hộ gia đình tại 4 thôn: Cốc Tranh, Nhọt Nặm, Phiêng Luông, Đông Chắn, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc.
15 hộ nông dân tham gia chăn nuôi gà 6 ngón theo hướng an toàn sinh học được hỗ trợ mỗi hộ từ 100 đến 200 con gà giống, kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Mỗi hộ còn được hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu như: thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ chăn nuôi, thú y, đệm lót…
Để nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi gà 6 ngón, nhóm cán bộ chuyển giao Chi cục Thú y đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc gà 6 ngón thương phẩm, nuôi trên nền có sử dụng đệm lót sinh học.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên viên Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thú y (đại diện cán bộ chuyển giao kỹ thuật) cho biết: Sự khác biệt giữa phương pháp nuôi già 6 ngón an toàn sinh học với phương pháp nuôi truyền thống của bà con là, gà được nuôi cùng lứa tuổi, mỗi giai đoạn có cách chăm sóc, khẩu phần ăn tương ứng. Chính vì vậy, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con; để chắc chắn 100% hộ tham gia đều có thể triển khai tốt, chúng tôi cho thực hành đối với 100% số hộ; yêu cầu tất cả học viên phải biết cách phối trộn thức ăn, sử dụng thuốc thú y, làm đệm lót sinh học… điều chỉnh chế độ ăn uống, duy trì nhiệt độ phù hợp cho gà sinh trưởng, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cùng đó, tiến hành kiểm tra điều kiện chuồng trại, thẩm định đơn xin tham gia mô hình chăn nuôi.
Anh Hoàng Dàu Quang, thôn Nhọt Nặm, xã Mẫu Sơn cho biết: Nhờ gia đình tuân thủ hướng dẫn của cán bộ thú y mà từ khi gia đình nhận gà đến nay, đàn gà 100 con phát triển rất tốt, không có con nào bị chết hay mắc bệnh. Tôi thấy nuôi theo hướng an toàn sinh học tương đối khó nhưng rất hiệu quả.
Tháng 8/2019, Chi cục Thú y cấp phát 2.000 con gà giống 6 ngón cho các hộ dân. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, tỷ lệ gà chết dưới 5%, đàn gà của một số hộ đạt trọng lượng trên 1,5kg/con, trung bình các hộ đạt 1 – 1,2 kg/con. Theo mục tiêu đưa ra, thời gian nuôi gà khoảng 6 tháng với trọng lượng đạt được khoảng 1,7 đến 1,8kg/con. Nhờ tuân thủ các quy trình trong chăm sóc mà chỉ sau gần 3 tháng trọng lượng gà đã gần đạt để xuất chuồng. Khi đạt đến thời gian xuất chuồng theo quy định là tháng 2/2020 thì trọng lượng sẽ đạt trên dưới 2 kg/con.
Anh Triệu Trần Sửu, thôn Cốc Tranh, xã Mẫu Sơn cho biết: Có kiến thức, kỹ thuật tôi đã tự tin với việc chăn nuôi gà 6 ngón theo hướng hàng hóa. Sau mô hình gà đầu tiên này, chúng tôi sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi và cung ứng gà 6 ngón Mẫu Sơn thương phẩm.
Ứng dụng kết quả mô hình chăn nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn tại tỉnh Lạng Sơn vào thực tiễn đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi khu vực Mẫu Sơn. Tin rằng, thời gian tới cách làm này sẽ được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()