Thay đổi tập quán chăn nuôi lợn ở vùng cao Bắc Cạn
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Cạn có thói quen nuôi giống lợn địa phương, không đầu tư, thả rông, chậm lớn, hay mắc dịch bệnh nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Giải quyết vấn đề đó, thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đã thực hiện một số mô hình chăn nuôi lợn ở vùng sâu, vùng xa để làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu của đồng bào dân tộc.Trước đây, đồng bào dân tộc Dao, Tày ở xã Vân Tùng, huyện vùng cao Ngân Sơn thường đến các thôn, bản lân cận để mua giống lợn địa phương về nuôi, hoặc sử dụng giống lợn địa phương để làm lợn nái đẻ được con nào nuôi con ấy. Đó là giống lợn có tầm vóc nhỏ bé, mắc nhiều bệnh, quá trình chăn nuôi lại không đầu tư, thức ăn cho lợn chủ yếu được nấu từ thân cây chuối nên lợn chậm lớn, có khi nuôi đến vài tháng mà con lợn vẫn chỉ bằng bụng chân, lông dài, hằng năm trời mới chỉ được vài chục kg nên giá trị kinh tế rất thấp. Có khi mua phải giống...
Trước đây, đồng bào dân tộc Dao, Tày ở xã Vân Tùng, huyện vùng cao Ngân Sơn thường đến các thôn, bản lân cận để mua giống lợn địa phương về nuôi, hoặc sử dụng giống lợn địa phương để làm lợn nái đẻ được con nào nuôi con ấy. Đó là giống lợn có tầm vóc nhỏ bé, mắc nhiều bệnh, quá trình chăn nuôi lại không đầu tư, thức ăn cho lợn chủ yếu được nấu từ thân cây chuối nên lợn chậm lớn, có khi nuôi đến vài tháng mà con lợn vẫn chỉ bằng bụng chân, lông dài, hằng năm trời mới chỉ được vài chục kg nên giá trị kinh tế rất thấp. Có khi mua phải giống lợn đang mắc bệnh về nuôi thả rông làm lây lan dịch bệnh ra cả bản.
Trước tình hình đó, từ đầu năm 2009 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Cạn thực hiện dự án chăn nuôi lợn nái Móng Cái trên địa bàn xã Vân Tùng. Dự án đã tập huấn kỹ thuật cho hơn 200 người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cấp 120 con lợn Móng Cái giống, thức ăn chăn nuôi cho 52 hộ nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, cụ thể là hầu hết lợn nái đã sinh sản lợn giống lai, bình quân mỗi con lợn nái đẻ từ bảy đến mười con/ lứa; đào tạo được đội ngũ kỹ thuật viên truyền tinh nhân tạo cho đàn lợn.
Kết quả này đã làm thay đổi nhận thức của bà con, khi thấy giống lợn lai có tầm vóc cao lớn hơn lợn địa phương, tận dụng được các sản phẩm tại chỗ là ngô, sắn làm thức ăn cho lợn nên chúng chóng lớn và không có dịch bệnh khi được tiêm phòng, giá trị kinh tế đạt cao. Thấy vậy, hầu hết các hộ ở xã Vân Tùng đã sử dụng giống lợn lai, thay thế hẳn giống lợn địa phương, mang lại thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.
Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn chiếm 86% số dân, phần lớn cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học – kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Do đó, chăn nuôi lợn chủ yếu sử dụng giống lợn địa phương và chăn nuôi theo kinh nghiệm là chủ yếu. Nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi lợn của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn đã triển khai nhiều chương trình, dự án chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng mô hình cụ thể về nuôi lợn nái Móng Cái, nuôi lợn hướng nạc, lai hóa đàn lợn ở địa phương tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Do vừa chuyển giao khoa học – kỹ thuật lại vừa thực hiện mô hình nên đã có sức thuyết phục rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số vốn không muốn nghe nói nhiều, khi đã thấy rõ hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn thành công thì sẽ tự giác làm theo. Do kiên trì cách làm như vậy nên khoa học kỹ thuật đã góp phần tích cực thay đổi tập quán chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng giống lợn lai để thay thế giống lợn địa phương, phương pháp chăn nuôi cũng có sự thay đổi cơ bản. Đó là từ nuôi thả rông gây ô nhiễm môi trường sang nuôi nhốt trong chuồng trại cẩn thận, xa chỗ ở, chăn nuôi có đầu tư chứ không dông dài được chăng hay chớ như trước. Tỉnh cũng đã cơ bản sản xuất được giống lợn lai tại chỗ, không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn giống từ bên ngoài, trôi nổi trên thị trường dễ gây dịch bệnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()