Thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu: Bám sát thực tiễn để điều chỉnh phù hợp
– Trước tình hình xe chở hàng hoá xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức giao nhận xe hàng giữa cửa khẩu 2 bên theo phương thức giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc” (phương thức giao nhận hàng mới) nhằm thúc đẩy thông quan và giải phóng xe chở hàng trong khu vực 2 cửa khẩu: Hữu Nghị và Tân Thanh một cách nhanh nhất. Đây là hình thức giao nhận hàng hóa mới, do vậy, các cấp, ngành liên quan đang tiếp tục lắng nghe, nắm chắc tình hình để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phương thức tối ưu trong thời điểm này
Ngay sau Tết Nguyên đán, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thông quan hàng hóa qua 4 cửa khẩu của tỉnh, đặc biệt là thực hiện các giải pháp thúc đẩy thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Tuy vậy, hiệu suất thông quan tại 2 cửa khẩu này vẫn còn hạn chế, trung bình mỗi ngày, chỉ thực hiện thông quan được khoảng 20 xe chở hàng xuất khẩu.
Nhằm nâng cao năng lực thông quan, tỉnh đã thống nhất với cấp có thẩm quyền của Trung Quốc triển khai thực hiện phương thức thông quan mới theo mô hình “giao nhận hàng hóa không tiếp xúc” tại Cửa khẩu Tân Thanh (triển khai từ 26/2) và tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (từ 1/3). Thực hiện phương thức giao nhận này, lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi của Trung Quốc rồi thực hiện việc cắt container để lại bến bãi, đầu kéo của Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng, sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu; đầu kéo của doanh nghiệp Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước. Sau một thời gian thực hiện tại 2 cửa khẩu, kết quả đạt được bước đầu cho thấy hiệu suất thông đã tăng lên.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc” là phương thức tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại. Bởi trong thời điểm này, Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19, phương thức giao nhận mới đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu.
Từ khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc”, hiệu suất thông quan xe chở hàng xuất, nhập khẩu (XNK) trong ngày đã tăng lên. Số liệu báo cáo hằng ngày về tình hình XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh từ 28/2 trở lại đây cho thấy rõ điều đó. Theo đó, trung bình mỗi ngày, lượng xe thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh được từ 300 đến 400 xe (cả xuất và nhập). Gần nhất, trong ngày 4 và 5/3, mỗi ngày đều có hơn 380 xe XNK thông quan.
Lắng nghe để điều chỉnh
Do mới triển khai nên trong quá trình thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc” đã có những vướng mắc phát sinh. Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Một trong những vướng mắc là có một số xe đầu kéo của Trung Quốc không tương thích với rơ-moóc và thùng container của doanh nghiệp Việt Nam dẫn đến việc giao thương lâu hoặc không thực hiện được. Hiện chúng tôi cùng với Trung tâm Quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đang tiếp tục trao đổi, hội đàm và khắc phục những khó khăn, bất cập trên để đẩy mạnh “dòng chảy” XNK hàng hóa qua cửa khẩu.
Xe chở hàng hóa XNK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai phương thức giao hàng mới là sự phản ứng của các doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Nga, đại diện Công ty TNHH TMDV&XNK Cát Tường (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Khi giao nhận hàng hóa, doanh nghiệp phải thuê xe đầu kéo (do Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại Bảo Nguyên cung cấp với mức phí 3,6 triệu đồng/chuyến) để trung chuyển container qua cửa khẩu. Tuy vậy, doanh nghiệp không chỉ mất khoản phí này, mà khi hàng sang đến bãi chờ tại Trung Quốc lại một lần nữa cắt container và phải trả phí 2.500 nhân dân tệ/lượt (khoảng 9 triệu đồng Việt Nam), rồi tiền bến bãi khi kéo container có hàng về… khiến chi phí bị đội lên quá nhiều.
Theo các doanh nghiệp, việc phải thuê xe đầu kéo với giá 3,6 triệu đồng cho quãng đường trên dưới 1 km là quá cao, trong khi xe đầu kéo của Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại Bảo Nguyên cung cấp không khác gì đầu kéo của các doanh nghiệp. Mặt khác, du tiền phí vận chuyển tăng, nhưng không có đơn vị, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa giao nhận theo phương thức mới bị hỏng, điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa đồng thuận với phương thức giao nhận hàng hóa mới.
Lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm xử lý ngay những phát sinh khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa mới. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai ngay các giải pháp nâng cao hiệu suất thông quan; giảm thiểu thời gian, thao tác khi thực hiện cắt container; tăng cường giám sát hoạt động của đội lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu…
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Mục tiêu quan trọng nhất trong việc triển khai phương thức giao nhận hàng hóa mới trong thời điểm này là nâng cao năng lực thông quan, nhanh chóng giải phóng hàng hóa đang tồn đọng tại các cửa khẩu. Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp, ban đang phối hợp với các ngành liên quan và các lực lượng tại cửa khẩu nghiên cứu, xem xét và làm rõ những vấn đề phát sinh để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ XNK hàng hóa tại cửa khẩu; nắm chắc tình hình về XNK hàng hóa cũng như các hoạt động tại các cửa khẩu để phòng ngừa các hành vi tiêu cực phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Có thể thấy, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đảm bảo thích ứng linh hoạt trong thời điểm hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan luôn lắng nghe và nỗ lực giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp một cách hợp lý, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Ý kiến ()