Thay đổi lớn từ những khoản vay nhỏ
LSO-Trong nhiều năm qua, Lạng Sơn đã nỗ lực kết nối người nghèo, người thu nhập thấp với các dịch vụ tín dụng cơ bản, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng triệu hộ nghèo. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh Lạng Sơn, trên 90% khách hàng vay vốn qua kênh này là hộ nghèo. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 30/6/2014, gần 34 nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vay vốn tại Ngân hàng CSXH với tổng với gần 760 tỷ đồng. Với đồng vốn vay được, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi, mở dịch vụ…, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bắc ở TP Lạng Sơn vay vốn đầu tư nuôi gà |
Theo số liệu báo cáo mới nhất của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của Lạng Sơn đã giảm được 1,67% (toàn tỉnh hiện còn khoảng 18% hộ nghèo). Để đạt được con số này, các cấp, ngành chức năng đã và đang vận dụng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo được đặc biệt quan tâm. “Để hộ nghèo có thể thoát nghèo một cách nhanh chóng và bền vững thì các ngân hàng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này. Cho các hộ nghèo vay tức là chúng ta đã giải quyết được nhu cầu đầu tiên là vốn, có vốn bà con sẽ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu…”, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định điều này tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua.
Ngoài nguồn vốn từ Trung ương, từ năm 2006 đến nay, từ nguồn ngân sách của địa phương, Lạng Sơn đã trích trên 31,4 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng CSXH với mục đích cho các hộ nghèo vay. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã góp phần giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như trường hợp của chị Nông Thị Giang ở thôn Khuôn Cuổng, xã Thạch Đạn. Chị là một trong nhiều trường hợp được vay vốn 2 lần, từ những năm 2006, chị được vay 5 triệu đồng, số tiền này vào thời điểm đó đã giúp gia đình mua giống, phân bón để tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển mô hình kinh tế lớn thì số vốn trên là chưa đủ. Vì vậy, sau khi trả hết nợ lần một, gia đình chị tiếp tục được vay ưu đãi 50 triệu đồng (theo quy định mới nâng mức vay hộ nghèo). Có vốn, gia đình chị đã mạnh dạn nuôi bò và trồng thông. Đến nay, gia đình chị Giang đã vươn lên là một trong những hộ khá của xã biên giới Thạch Đạn. Ông Nguyễn Công Trưởng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: từ năm 2006 đến nay, từ nguồn ngân sách địa phương đã ủy thác, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 3.617 lượt hộ nghèo vay vốn, tính bình quân dư nợ/hộ là 21,6 triệu đồng, số hộ thoát nghèo trong những năm qua từ vay vốn bằng nguồn địa phương là 882 hộ. Việc cho các hộ nghèo vay vốn, dù các khoản vay còn ít nhưng bà con đã có điều kiện để sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ để tạo lợi nhuận, từ đó nâng cao chất lượng đời sống. Trong suốt những năm qua, trung ương cũng như địa phương đã nỗ lực kết nối người nghèo, người thu nhập thấp với các dịch vụ tín dụng cơ bản, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng nghìn hộ nghèo.
Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: từ đầu năm đến nay, phần lớn nguồn vốn ưu đãi được cho vay kịp thời đến người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã biên giới, vùng khó khăn, miền núi cao. Việc cho vay hộ nghèo được chi nhánh ngân hàng thực hiện theo quy chế hiện hành của NHCSXH, 100% dư nợ được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị – xã hội, việc bình xét đối tượng cho vay tại tổ tiết kiệm vay vốn được thực hiện công khai, dân chủ, được UBND cấp xã xác nhận, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Thông qua nguồn vốn cho vay đã góp phần giúp cho tổ chức chính trị – xã hội tập hợp hội viên, đoàn viên, chính quyền các cấp gần dân và giải quyết tốt hơn nguyện vọng của nhân dân, nguồn vốn ngân sách tỉnh cho vay đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()