Thay đổi để phù hợp xu hướng mới
Hồi đầu năm nay, Trung tâm thương mại Parkson Flemington (Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải tuyên bố đóng cửa sau 8 năm hoạt động và hơn nửa năm thu hẹp kinh doanh. Trước đó, 4 trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam lần lượt đóng cửa với lý do tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Người dân đến mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương. (Ảnh: Hải Âu/TTXVN) |
Với hiện tượng 5 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, có thể thấy Parkson đã lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại thị trường Việt Nam, nơi họ từng đánh giá đầy tiềm năng và gặt hái được rất nhiều thành công.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do thói quen của người tiêu dùng luôn thay đổi, đòi hỏi các trung tâm thương mại phải thường xuyên nghiên cứu, lắng nghe để hiểu khách hàng cần gì, chứ không đơn thuần chỉ là tạo ra một địa điểm bán hàng. Nhưng dường như Parkson đã chậm nắm bắt, thay đổi theo hướng mới để phù hợp thị trường.
Hiện, thay vì việc chỉ đến các trung tâm thương mại để mua sắm rồi về, người tiêu dùng ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho các mô hình trung tâm thương mại phức hợp đa trải nghiệm gồm: giải trí, ăn uống và mua sắm,… với giá cả hợp lý, cùng phong cách phục vụ văn minh, hiện đại, thân thiện. Vincom Mega Mall của Tập đoàn Vingroup đã tiên phong đi theo mô hình này với hàng loạt trung tâm thương mại thế hệ mới tại nhiều khu đô thị lớn.
Cùng với đó, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) với tiềm lực to lớn và cách làm chỉn chu bài bản, cũng cho ra đời 5 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam. Ở mô hình trung tâm thương mại phức hợp, có sự kết hợp của trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí quy mô lớn, khu vực ẩm thực đa dạng và đại siêu thị với nhiều mặt hàng khác nhau.
Sự mới mẻ trong mô hình hoạt động này không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách thuê bày bán, mà còn tạo ra không gian dịch vụ thu hút khách hàng đến mua sắm, vui chơi, ăn uống. Đây cũng có thể xem là một điểm du lịch, vượt ra khỏi định nghĩa một trung tâm mua sắm thông thường khi trải nghiệm của khách hàng là điều được coi trọng nhất tại đây.
Mô hình trung tâm thương mại “all-in-one” (tất cả trong 1) với ưu điểm về hình thức, chương trình khuyến mãi cùng cách thức hợp tác với khách thuê khác nhau để phù hợp từng thị trường đang dần thay thế cho các trung tâm thương mại quy mô nhỏ, cách kinh doanh lỗi thời, nên các điểm mua sắm này luôn giữ được lượng khách ổn định.
Song, để phát triển bền vững, các trung tâm thương mại phức hợp vẫn luôn phải thay đổi chính mình, sáng tạo nhằm đem lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm đa dạng, phong phú, chứ không chỉ dừng lại ở việc học mót, đưa ra các mô hình “na ná” nhau như thực tế đang tồn tại trên thị trường hiện nay. Đồng thời, các trung tâm cũng cần hoàn thiện hơn nữa chính sách chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, thu hút thêm nhiều thương hiệu lớn để phù hợp thị hiếu khách hàng.
Khi đó, chắc chắn các trung tâm thương mại sẽ phát triển ổn định, còn người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, cũng như thuận tiện trong việc thỏa mãn các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí,… Có thể coi đây là lời giải cho bài toán phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai.
Ý kiến ()