Thay đổi căn bản trong sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp
Kể từ khi thành lập đến bắt đầu đổi mới, các nông, lâm trường quốc doanh đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; là nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; hình thành các điểm văn hóa, trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có nhiều khó khăn.
Từ đầu những năm 90, các nông, lâm trường quốc doanh đã thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.
Nhưng nông, lâm trường quốc doanh thật sự được sắp xếp đổi mới và phát triển sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (năm 2001) về sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh đã nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện và đạt được những kết quả chủ yếu là: 1. Hầu hết các nông, lâm trường quốc doanh đã rà soát lại chức năng nhiệm vụ, tách chức năng xã hội và nhiệm vụ công ích với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Thực hiện một bước việc sắp xếp lại các nông, lâm trường theo hướng: nông, lâm trường quốc doanh có đủ điều kiện thì tiếp tục duy trì, củng cố phát triển, chuyển thành công ty nông, lâm nghiệp và nay là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước; các lâm trường quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ; một số nông, lâm trường có cơ sở chế biến thực hiện thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến; giải thể một số nông, lâm trường thua lỗ kéo dài không có khả năng khắc phục hoặc khoán trắng nguồn thu chủ yếu là cho thuê đất. Đồng thời thực hiện thí điểm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên ở một số nông, lâm trường. Đến nay, cả nước còn 289 công ty nông, lâm nghiệp, trong đó: 104 công ty nông nghiệp, 148 công ty lâm nghiệp và 35 công ty cổ phần, thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có 250 công ty nông, lâm nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước; chuyển đổi và thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ từ lâm trường quốc doanh quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; thành lập hai công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; giải thể 36 nông, lâm trường.
2. Các công ty nông, lâm nghiệp đã bước đầu rà soát đất đai, đánh giá hiện trạng sử dụng đất; nhiều công ty đã lập quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và quy hoạch ba loại rừng; xác định rõ diện tích cần giữ lại để quản lý, sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất; diện tích không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp thì bàn giao cho địa phương để giải quyết cho đồng bào không có đất, thiếu đất. Đất đai công ty giữ lại đã quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả hơn và thực hiện các hình thức khoán có kết quả. Đã bàn giao về cho địa phương quản lý hơn 500 nghìn ha.
Diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt khoảng 45% số diện tích. Các công ty phối hợp với chính quyền địa phương từng bước giải quyết tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, sai đối tượng, sai quy định về khoán và quy định của pháp luật về đất đai.
3. Các công ty nông, lâm nghiệp đã tiến hành rà soát, làm rõ tài sản, tình hình tài chính, các khoản phải thu, phải trả; chuyển giao các công trình kinh tế – xã hội không phục vụ trực tiếp sản xuất về cho địa phương quản lý. Giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động và dân trong vùng. Tài sản, vốn của các công ty đã tăng hơn so với trước khi sắp xếp. Hiện tại, bình quân một công ty nông nghiệp có tổng giá trị tài sản 331 tỷ đồng (chưa tính hết giá trị vườn cây), vốn chủ sở hữu 164 tỷ đồng, vốn điều lệ 71 tỷ đồng; bình quân một công ty lâm nghiệp có tổng giá trị tài sản 27,1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 11,7 tỷ đồng, vốn điều lệ 9,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động được nâng cao và của người dân được cải thiện. Nhiều công ty thu nhập của người lao động tăng khoảng hai lần so với trước khi sắp xếp. Đời sống của một bộ phận dân cư trong vùng có các công ty nông, lâm nghiệp cũng được cải thiện, nâng cao do tham gia nhận giao khoán đất của công ty, cung ứng nguyên liệu sản xuất cho công ty.
4. Một số công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp đã tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch kinh tế – xã hội và sử dụng đất của địa phương, tạo thành mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp liên kết giữa vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến, thị trường và tiêu thụ, mở rộng dịch vụ đầu vào, đầu ra hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân trong vùng, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, góp phần và tạo điều kiện cho người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, là một trong các giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Có thể khẳng định đây là mô hình, phương thức sản xuất thành công, hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất của người dân và doanh nghiệp bền vững, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên vẫn còn tồn tại khó khăn là: (1) Đến nay, tuy đã hoàn thành việc sắp xếp lại theo đề án được phê duyệt, nhưng nhiều công ty lâm nghiệp khó tách bạch giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công ích vì vừa có rừng phòng hộ, đặc dụng, vừa có rừng trồng, rừng sản xuất và trong công ty có ban quản lý rừng phòng hộ; nhiều công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất lúng túng về phương hướng sản xuất kinh doanh, rất khó khăn chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Một số mô hình mới hoặc thí điểm cổ phần hóa, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, trong công ty có Ban quản lý rừng nhưng chậm được tổng kết, điều chỉnh bổ sung kịp thời. (2) Phần lớn đất đai chưa được xác định ranh giới, cắm mốc; diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất thấp (còn hơn 50% chưa được cấp giấy chứng nhận, gần 60% chưa thuê đất). Diện tích đất giao về địa phương chỉ đạt hơn 50% so với dự kiến; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng hoặc hoang hóa giảm chưa nhiều vẫn còn hơn 5%. Một số bất cập trong quản lý sử dụng đất chậm được giải quyết, xử lý chưa kiên quyết. Nhiều công ty buông lỏng quản lý khoán dẫn đến “khoán trắng” “phát canh thu tô”, chưa quản lý được hợp đồng giao khoán, chuyển nhượng hợp đồng giao khoán không đúng quy định, mua bán trái phép. Việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp một số nơi còn lỏng lẻo, có biểu hiện vi phạm pháp luật, xử lý chậm, chưa kiên quyết, nên diễn biến phức tạp, nhất là tại một số công ty ven đô thị. (3) Một số công ty vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp, nhất là các công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng đất ở nhiều đơn vị vẫn còn thấp. Nếu không tính Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, thì doanh thu bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha của các công ty nông, lâm nghiệp chỉ bằng 30% -50% doanh thu bình quân trên 1 ha của cả nước. Năm 2011 vẫn còn 14,6% công ty nông nghiệp và 22,2% công ty lâm nghiệp thua lỗ.
(4) Tài sản, vốn của công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn nhỏ bé, tài chính còn nhiều khó khăn. Nhiều công ty vốn chủ sở hữu Nhà nước chưa đạt tiêu chí quy định của Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Nhiều công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, vay vốn ngân hàng còn nhiều hạn chế. (5) Thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống của người lao động và dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của người lao động ở một số công ty nông nghiệp và nhiều công ty lâm nghiệp ở miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ thu nhập còn rất thấp; nhất là ở vùng Tây Nguyên nhiều công ty lâm nghiệp không có nguồn thu, nên thu nhập từ lâm trường còn thấp hơn, thậm chí một số công ty lâm nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội của công nhân.
Những bất cập, khó khăn nêu trên có nguyên nhân khách quan do quá trình xây dựng và phát triển để lại; nhiều nông, lâm trường hoạt động trên địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kinh tế – xã hội thấp; đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi; sản xuất phụ thuộc nhiều vào địa hình và khí hậu, thời tiết. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: (i) Nhận thức của nhiều cấp, ngành về mục đích, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết chưa đầy đủ, chưa đúng vị trí, vai trò của nông, lâm trường, còn tư tưởng coi nhẹ, tránh né. Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tháo gỡ khó khăn, đổi mới quản lý, tổ chức lại sản xuất kinh doanh. (ii) Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế, chưa tạo được chuyển biến căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. (iii) Năng lực trình độ cán bộ quản lý trong một số công ty chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sự phối kết hợp với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý. (iiii) Tổ chức, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của một số Bộ, ngành và địa phương chưa quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ, còn hiện tượng khoán trắng cho cơ quan chuyên môn. Quản lý Nhà nước về đất đai có nơi buông lỏng, xử lý các trường hợp vi phạm chậm và thiếu kiên quyết.
Để khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên, các công ty nông, lâm nghiệp trong thời gian tới cần phải có bước đột phá tạo sự thay đổi trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty, trước hết về quản lý sử dụng đất, vốn tài sản tại doanh nghiệp. Việc sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp thời gian tới phải quán triệt tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/T.Ư ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp với nội dung chủ yếu là: Về quan điểm chỉ đạo:(i) Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp phải phù hợp với chủ trương, định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế; góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. (ii) Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Xác định rõ chủ quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng; tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Giải quyết cơ bản các bất cập, vướng mắc về đất đai, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng. (iii) Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm sản phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chuyển các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sang công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của pháp luật.
Nhà nước có chính sách phù hợp để các công ty lâm nghiệp hoạt động công ích hoàn thành nhiệm vụ được giao. (iiii) Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa quốc gia, doanh nghiệp và người dân; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, khoa học – công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa phương và sự nghiệp phát triển chung của đất nước. (iiiii) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các công ty nông, lâm nghiệp.
Thay đổi căn bản trong sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp.
Về phương hướng:tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020 theo hướng: 1. Tiếp tục duy trì, củng cố phát triển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước: đối với các công ty nông nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp an ninh – quốc phòng, tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất:sẽ được sắp xếp lại theo hai hình thức: (1) Các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. (2) Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện nhiệm vụ công ích, đồng thời được huy động các nguồn tài chính phục vụ bảo vệ, phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng hoặc chuyển sang Ban quản lý rừng.
2. Thực hiện cổ phần hóa các công ty nông nghiệp và công ty lâm nghiệp (quản lý chủ yếu rừng trồng). Theo quy định về tiêu chí phân loại danh mục doanh nghiệp thì các công ty này thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối, nhưng do đặc thù của các công ty nông, lâm nghiệp quản lý quỹ đất đai lớn, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhiều công ty đã, đang giao khoán đất ổn định lâu dài cho người lao động liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số nên việc cổ phần hóa cần được thực hiện chặt chẽ. Do vậy, trước mắt Nhà nước giữ 65% trở lên, sau năm 2015 sẽ giảm dần theo quy định và tình hình thực tế. Riêng đối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công ty giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
3. Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn công ty nông, lâm nghiệp phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với công nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ nông lâm sản.
Công ty thực hiện thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt và bảo đảm quyền lợi của người lao động đang nhận giao khoán đất của công ty.
4. Giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng (thực chất là “phát canh thu tô”), giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai, sản phẩm làm ra; các công ty không cần thiết phải giữ lại. Khi giải thể đất đai phải chuyển về địa phương quản lý sử dụng theo quy hoạch.
Về nhiệm vụ, giải pháp:Các Bộ, ngành được phân công chủ trì phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ phát triển rừng, cơ chế tài chính, tín dụng và khoa học công nghệ để các công ty nông, lâm nghiệp có cơ sở hành lang pháp lý triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty, cụ thể là: 1. Tiếp tục rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo hướng hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, nông – lâm – công kết hợp, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa, giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất; nâng cao đời sống của người dân. Công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành chủ thể chính trong mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng, đơn vị khoa học công nghệ, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
2. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất, nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả hơn đất đai, tài nguyên rừng: Trước hết, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Bộ, ngành chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Xác định rõ diện tích từng loại đất tiếp tục giữ lại để quản lý, sử dụng; diện tích phân bổ cho từng mục đích sử dụng phù hợp với nhiệm vụ được giao; diện tích đất phải chuyển giao về địa phương. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất chưa đúng quy định, đất cho thuê, cho mượn; đất bị lấn chiếm, tranh chấp; đất giao khoán; đất ở, đất kinh tế hộ gia đình; đất liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác đầu tư.
Phấn đấu hết năm 2015 hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất đai về địa phương các loại đất mà công ty không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không có hiệu quả, hoang hóa; các nông, lâm trường phải giải thể; các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Đổi mới nội dung hình thức quản lý, sử dụng đất trong các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng: (i) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất các công ty nông, lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ công ích, không phục vụ kinh doanh, đất hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất đúng quy định của pháp luật về đất đai. (ii) Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích đất giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh, các hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Sau khi tiếp nhận đất từ các công ty nông, lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại các đối tượng sử dụng đất để giải quyết cho hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất bảo đảm nguyên tắc: (i) ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán đất trực tiếp sản xuất. (ii) Hộ gia đình, cá nhân đang được nhận giao khoán đất sẽ được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất. (iii) Diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không cao hơn diện tích bình quân của các hộ dân đang sử dụng đất tại địa phương.
3. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp vay vốn. Bổ sung hoàn thiện hình thức giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý chăm sóc bảo vệ, theo nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ phát triển rừng và cùng hưởng lợi. Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt không có khả năng phục hồi, được lập dự án cải tạo để trồng rừng mới hoặc trồng cây công nghiệp hiệu quả hơn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở tiêu chí phân loại rừng tự nhiên nghèo kiệt được chuyển đổi. Việc thu hoạch sản phẩm rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng quyết định về thời điểm và được tự do tiêu thụ. Thực hiện quản lý rừng bền vững có chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu và trung bình. Thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất nhưng chưa có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt và chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững; rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chưa có khai thác.
4. Rà soát bổ sung cơ chế tài chính phù hợp với nội dung sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp. Nhà nước bổ sung vốn điều lệ theo quy định đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước hoặc Nhà nước giữ cổ phần chi phối; Nhà nước có chính sách đầu tư, phát triển rừng trồng trên diện tích đất được quy hoạch là rừng phòng hộ, đặc dụng, chi phí bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên chưa có phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững.
Bổ sung sửa đổi chính sách tài chính, hạch toán phù hợp với đặc thù sản xuất nông, lâm nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng,…
Tiếp tục thực hiện chế độ đối với lao động dôi dư trong khi sắp xếp, chuyển đổi theo quy định hiện hành. Công ty nông, lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công nhân và người lao động đang làm việc.
Đổi mới việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông sản.
Các công ty nông, lâm nghiệp phải có chương trình, kế hoạch triển khai, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ, khoa học và công nghệ về giống mới, phân bón, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và dịch vụ tốt về sản xuất, canh tác, thị trường, giá cả cho nhu cầu sản xuất của công ty và nhân dân trong vùng. Các công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong việc hình thành và thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ sở khoa học công nghệ.
5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công ty nông, lâm nghiệp. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp.
Chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định hiện hành.
Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ lớn, khó khăn, có liên quan trực tiếp đến đất đai, tài nguyên rừng, việc làm, thu nhập và đời sống của bộ phận không nhỏ người lao động và nhân dân trong vùng. Do vậy, phải có sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo sát sao tập trung, kiên quyết của các cấp chính quyền địa phương của các bộ, ngành có liên quan và sự quyết tâm đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp mới có thể tạo sự đột phá, làm thay đổi căn bản quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các công ty nông, lâm nghiệp trong thời gian tới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()