Thầy, cô giáo: Đẹp mãi những "kỹ sư tâm hồn"
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (tháng 11/2020). Ảnh: HOÀNG TÙNG
– “Tôn sư, trọng đạo” luôn là một trong những đạo lý sâu sắc được xã hội tôn trọng từ bao đời nay. Người thầy được xem là người vạch đường, chỉ lối cho mỗi thế hệ học sinh và có lẽ câu tục ngữ đặc sắc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) là tinh thần tôn sư trọng đạo, chính là bài học sâu sắc nhất cho mỗi chúng ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Bởi “thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”*, Người chỉ rõ: “Trình độ văn hóa của Nhân dân nâng cao sẽ giáo dục chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân cũng là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”*. Bác Hồ từng chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”*. Chính vì vậy, vào ngày 20/11 hằng năm, trên khắp đất nước đều rộn ràng ngày lễ chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Các thế hệ học sinh trên cả nước thường tặng hoa và quà cho các thầy, cô. Ngành giáo dục cũng nhân ngày này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập ra phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy, cô giáo, trước hết là người dạy viết chữ, bởi “nét chữ, nết người”. Chữ viết là một phương tiện để giao tiếp, trao đổi thông tin, là phương tiện để ghi chép và tiếp nhận tri thức văn hóa, khoa học và đời sống. Rèn chữ viết là một việc làm đúng, viết đẹp, viết bảo đảm tốc độ không chỉ tạo điều kiện cho học sinh học tốt các môn học mà thông qua đó giáo dục tính kiên trì, cẩn thận, tinh thần kỷ luật và óc thẩm mỹ. Ngoài ý nghĩa đó, viết chữ đẹp còn tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt và thể hiện sự gìn giữ giá trị văn hóa chữ Việt.
Các thầy, cô giáo không chỉ dạy chữ mà chủ yếu là dạy người. Một nét chung đặc biệt mà chỉ thầy, cô giáo mới có, đó chính là lòng yêu thương vô bờ bến dành cho học trò. Học trò cứ hay làm cho thầy, cô giáo giận, buồn vì những trò nghịch ngợm, ngang bướng. Nhưng chỉ cần học trò biết lỗi thì thầy, cô bỏ qua tất cả. Thầy, cô là người cha, người mẹ thứ hai; dạy học trò kiến thức, truyền đạt bao bài học hay, bao điều bổ ích. Dù năm tháng trôi đi, dù thăng trầm của cuộc đời thì người thầy giáo vẫn đưa những chuyến đò sang sông và dòng sông ấy, hình dáng ấy đã trở thành những kỷ niệm không phai trong tâm thức của mỗi học trò. Đúng như nhà thơ Thảo Nguyên, trong bài “Người lái đò” đã viết: “Tháng năm dầu dãi nắng mưa/Con đò trí thức thầy đưa bao người/Qua sông giữ lại nụ cười/Tình yêu xin tặng người thầy kính thương/Con đò mộc – mái đầu sương/Mãi theo ta thấy muôn phương vạn ngày/Khúc sông ấy vẫn còn đây/Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông”.
Bác Hồ đã dạy “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là người thầy – là vẻ vang nhất. Dù tên tuổi của họ không được đăng báo, không được thưởng huân chương, song người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những chỉ dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên núi cao, cây quế giữa rừng sâu, lặng lẽ tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.
Hiện nay, cả nước đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước đã và đang hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, trong đó, người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Vì vậy, vị trí, vai trò trọng trách của người thầy đối với giáo dục nước nhà càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với tuyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc. Đó là “sản phẩm” của người thầy tạo nên cũng chính là “vũ khí:” bách chiến, bách thắng – nhân tố trọng yếu, cơ bản để bảo đảm an ninh chính trị quốc gia trong quá trình hội nhập.
Quách Mạt Nhược (một học giả nổi tiếng của Trung Quốc) nói: “Mặt trời mọc rồi lặn, trăng khuyết rồi trăng lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời”. Câu nói đã khẳng định vị trí, vai trò của người thầy trong sự phát triển của mọi thời đại. Nghề dạy học được ví như nhưng “kỹ sư tâm hồn” – nghề mà được xã hội tôn vinh, gửi gắm cả thế hệ tương lai. Người thầy là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, mang trên vai mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức, … cho các thế hệ mai sau. “Trăm năm bia đá thì mòn/Ơn thầy dạy dỗ lòng son vẫn còn”.
Xã hội ngày càng phát triển, có những giá trị văn hóa truyền thống đã dần bị phai nhạt, nhưng truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn mãi mãi được giữ nguyên vẹn trong lòng dân tộc và trở thành chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Nhân ngày 20/11, xin gửi tới các thầy, cô giáo những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất, cùng hướng về các thầy, cô giáo với tấm lòng thành kính. Những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã và đang khắc ghi trong lòng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
*Hồ Chí Minh” Tuyển tập, NXBCTQG , năm 1989
Ý kiến ()