Thất nghiệp cao, "quả bom" nổ chậm đối với Eurozone
Lao động Pháp biểu tình tuần hành đòi bảo đảm việc làm. Trong lúc "cơn bão" nợ công đang hoành hành tại nhiều nước khu vực các nước sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone), những biến động mới trên thị trường kinh tế thế giới như giá năng lượng tăng cao, sản xuất đình đốn, thương mại suy giảm đã và đang gây ra thêm những khó khăn mới đối với Eurozone. Đời sống xã hội nhiều nước căng thẳng bởi phản ứng của người lao động đòi tạo công ăn việc làm và phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ.Dư luận châu Âu mới đây liên tiếp đưa ra những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng tại nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong tháng 2-2012, tỷ lệ người không có việc làm tại Eurozone đã lên 10,8%, mức cao nhất kể từ khi khu vực này được thành lập. Đáng quan ngại là số người thất nghiệp ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay tới cuối năm. Chuyên gia tài chính thuộc Ngân hàng JP Morgan ở...
Lao động Pháp biểu tình tuần hành đòi bảo đảm việc làm. |
Dư luận châu Âu mới đây liên tiếp đưa ra những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng tại nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong tháng 2-2012, tỷ lệ người không có việc làm tại Eurozone đã lên 10,8%, mức cao nhất kể từ khi khu vực này được thành lập. Đáng quan ngại là số người thất nghiệp ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay tới cuối năm. Chuyên gia tài chính thuộc Ngân hàng JP Morgan ở Luân Đôn cho rằng, đến cuối năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 11% vì ba lý do. Thứ nhất, khu vực nhà nước không thay thế những người đến tuổi về hưu hoặc sa thải nhân viên. Thứ hai, thu nhập của các hộ gia đình giảm sút, tác động đến sức mua của người dân. Thứ ba, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu của các nước Eurozone sẽ không thể tạo thêm việc làm mới.
Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại toàn bộ 17 nước thành viên Eurozone là bằng chứng cho thấy các biện pháp khắc khổ với hy vọng giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách không phải là “liều thuốc” thích hợp cho khu vực này vào thời điểm hiện nay, khi sức tiêu thụ của tư nhân đi xuống và khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư đẩy các hoạt động của khu vực sản xuất càng xuống thấp trong năm qua.
Thống kê của Eurostat cho thấy, sự khác nhau về tỷ lệ thất nghiệp giữa các nước thành viên Eurozone ngày càng lớn. Tại Áo và Hà Lan, tỷ lệ thất nghiệp là 4,2% và 4,9%. Tại Đức, tỷ lệ này là 5,7%. Trong khi tỷ lệ này tại I-ta-li-a và Pháp lần lượt là 9,3% và 10%. Tồi tệ hơn là tình trạng thất nghiệp tại Ai-len: 14,7%, Bồ Đào Nha: 15%, Hy Lạp: 21%, Tây Ban Nha: 23,6%. Điều đáng chú ý là, hơn một nửa thanh niên Tây Ban Nha trong độ tuổi từ 16 đến 25 bị gạt ra ngoài thị trường lao động.
Giáo sư kinh tế Pháp, Giắc Xa-pia đánh giá rằng, thất nghiệp đang trở thành một vấn đề cấp bách không kém so với cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone. Trong khi đó, trước mắt các quốc gia Eurozone không có mấy hy vọng giải quyết được vấn đề này trong tương lai gần.
Eurostat cũng đưa ra một báo cáo không mấy khả quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của toàn khối. Theo đó, mối đe dọa suy thoái của Eurozone ngày càng rõ nét trong tháng 3-2012. Hai đầu tàu kinh tế là Đức và Pháp cũng có dấu hiệu chững lại. Cụ thể là tại Đức, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3-2012 giảm 1,8 điểm so với tháng 2-2012. Đây là hậu quả do xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc và các đối tác thuộc Eurozone chậm lại. Viện Nghiên cứu IMK của Đức nhận định đó là hậu quả trực tiếp của các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt đối với nhiều nước trong Eurozone. Tại Pháp, chỉ số sản xuất công nghiệp đang “đi xuống”.
Theo báo cáo mới công bố của ba viện nghiên cứu châu Âu trong đó có IMK (Đức), cuộc khủng hoảng tài chính trong Eurozone và các biện pháp khắc khổ là nguyên nhân đẩy toàn khối vào suy thoái kinh tế và thất nghiệp tăng cao. Dự kiến, GDP tại 17 nước thành viên Eurozone sẽ giảm 0,8% trong năm 2012 và tiếp tục giảm thêm 0,5% vào năm tới.
Trong khi đó, EU quá tin tưởng vào các biện pháp khắc khổ và coi đó là “chiếc đũa thần” có thể giải quyết tất cả. Song, thực tế đã không diễn ra như các nhà lãnh đạo EU hy vọng. Thí dụ, trong trường hợp của Hy Lạp, quốc gia này đang nợ nần chồng chất và bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Chính mối đe dọa này khiến chủ nợ chỉ đồng ý cho Hy Lạp vay với lãi suất cao. Để nhận được hai gói hỗ trợ tài chính 110 tỷ ơ-rô và 130 tỷ ơ-rô từ EU và IMF, A-ten đã phải cam kết thắt lưng buộc bụng để giảm bớt nợ công. Kết quả là, trong hai năm qua, Hy Lạp không ngừng lún sâu thêm vào khủng hoảng tài chính và chính trị. IMK nhấn mạnh, áp dụng chính sách khắc khổ một cách toàn diện đối với tất cả các thành viên Eurozone là một sai lầm và hậu quả là liều thuốc đó sẽ “bóp chết” đà phục hồi kinh tế của EU chỉ mới vừa “manh nha”. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thừa nhận rằng, ECB chỉ có thể đóng vai trò “cấp cứu” và “chữa cháy” chứ không thể điều trị tận gốc căn bệnh nợ công ở EU. Các nhà phân tích cho rằng, chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công chính là sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, vào thời điểm khó khăn kinh tế hiện nay của EU, việc giá dầu mỏ tăng mạnh trên thế giới là “hòn đá tảng” nữa đè nặng nền kinh tế khu vực Eurozone. IEA dự kiến, với giá dầu mỏ cao như hiện nay, các nước EU trong năm 2012 phải chi cho việc mua dầu mỏ khoảng 500 tỷ USD, tăng thêm 30 tỷ USD so với năm 2011.
Theo Nhandan
Ý kiến ()