Thất học giữa lòng thành phố
Sinh nhiều và thất học
Chúng tôi tìm cách đi từ cầu Sâng bước xuống thuyền. Những cặp mắt tròn vo trên những khuôn mặt lem luốc nhìn khách, vừa như sợ sệt, vừa như níu mời. Hiếu khách, em Nguyễn Thị Thơm chèo chiếc thuyền nhỏ đón tôi. Trên “cụm” thuyền nhỏ, lũ trẻ đứa thì hóng khách, đứa thì quay sang nô đùa, tóc đứa nào cũng đỏ quạch vì nắng gió.
Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 69 tuổi mà nhìn già hơn đến năm tuổi, hiện ở nhà trông 12 đứa cháu nhỏ cho các con và “ông nhà” đi làm. Người thì lên bờ ra phố làm thuê, người theo nhóm thợ đi phu hồ cả tháng mới về. Còn lại đa số lấy thuyền nhỏ men theo sông chài lưới, bắt cua bắt ốc bán kiếm tiền để chi tiêu trong gia đình. Bà Hòa nói: “Khu vực chỗ này tôi chỉ biết là có 13 hộ dân sinh sống, chỉ trên chiếc thuyền nhỏ thôi. Còn cách đây 10 mét thì tôi không rõ. Dịch lên kia thì tôi càng không biết. Chỉ biết là giờ chúng tôi không có hộ khẩu, sống ô nhiễm, khổ lắm!”.
Bà Hòa cho biết thêm, vợ chồng bà sinh sáu người con, thì mỗi đứa xây dựng gia đình riêng, đều có từ bốn đến năm con. Vậy là bà có hơn 20 cháu cả thảy. Đứa lớn 15 tuổi trở thành lao động chính. Riêng các cháu bà đang ở nhà, có em Thơm (14 tuổi) là dễ bảo hơn cả, cùng giúp bà trông nomcác cháu để chúng đỡ nghịch, đánh nhau. Tất cả các em đến nay đều mù chữ.
Hơn 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Chinh cũng ở nhà trông cháu cho các con đi làm thuê và chài lưới. Bao nhiêu đời nay, dòng họ nhà ông sống lênh đênh trên sông nước, cứ nay đây mai đó và mấy chục năm nay thì “định cư” ở khu vực cầu Sâng, giữa lòng thành phố với khao khát có đất để được lên bờ. Ông Chinh tâm sự: “Thời tiết thuận lợi thì sinh hoạt đỡ vất vả hơn, chứ trời mưa gió thì khổ lắm, gió mưa quất nhiều khi làm chìm cả thuyền, mà mọi sinh hoạt của chúng tôi đều ở trên những chiếc thuyền lụp xụp này. Chỉ lúc nào đem cá đi bán, đi chợ hoặc mua nước máy thì mới lên bờ. Trước đây thuận thì mỗi người cũng kiếm được 50 ngàn đồng tiền bán cá/ngày, nhưng nay nước ô nhiễm, sông cạn, kiếm ăn khó lắm!”.
Kiếm ăn khó, người dân nào không có tiền thì trơ mặt đi xin nước máy để dùng. Rồi người dân đi xin điện. Xin mãi rồi phải mua. Phải bớt xén, thắt chặt chi tiêu để có điện dùng. Nhà nào bí quá phải dùng nước bẩn sinh hoạt, nhất là những chị em phụ nữ, họ thường phải dùng nước bẩn giặt quần áo. Thành ra bệnh tật cũng bủa vây họ. “Khổ như thế thì lấy tiền đâu mà cho con học hả chú ơi. Tụi trẻ đáng thương quá, nhưng đời ông đời cha như vậy, chúng nó phải chấp nhận. Không được học, chúng nó lại như chúng tôi thôi, mười mấy tuổi lập gia đình và cứ thế là đẻ sòn sòn”, ông Chinh buồn bã nói.
Khát khao lên bờ
Phòng LĐ- TB&XH thành phố Thanh Hóa cho biết: Thực hiện chỉ thị 08 của Tỉnh ủy cũng như Chỉ thị của Thành phố Thanh Hóa, trong dịp xét tuyển đợt một, tỉnh đã cấp đất và hỗ trợ 20 triệu đồng/ hộ, xã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/ hộ cho 29 hộ dân sinh sống dưới nước lên bờ làm nhà. Bên cạnh đó còn đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người dân định cư. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, lập phương án để đưa các hộ lên bờ ổn định cuộc sống.
Hỏi chuyện các em nhỏ, đa số các em đều nói chán ở thuyền và sông. Nhưng vì không được đi học nên cứ phải quanh quẩn ở đó, mùi nước thải, mùi nước sông ô nhiễm rất khó chịu nhưng ngửi lâu thành quen. Hỏi các em Dũng, em Hến, các em đều nói thích đi học nhưng vì bố mẹ không có tiền. Có em được bố mẹ cố chạy tiền cho đi học, nhưng vì chỉ đi có một mình nên buồn, lại đòi về.
Hiện, những người dân không tấc đất cắm dùi chưa có “kế sách” gì cho cuộc đời mình trong tương lai. Họ trông chờ vào sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng nói “khó”, người dân nói “khổ”, vậy thì chẳng biết bao giờ những đứa trẻ ở xóm chài lọt thỏm giữa lòng thành phố này mới được đi học. Chúng vẫn chỉ dám nhìn lên bờ, ngậm ngùi và ước ao…
Ý kiến ()