Thất bại của Olympic Việt Nam: Ai giơ tay xin từ chức?
Một lá đơn xin nghỉ học đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Lá đơn ấy là của một học sinh lớp 10, có đoạn (nguyên văn) như sau:
“Hôm lay, em viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường…”
Thật khó tin một học sinh lớp 10 lại có thể viết một đoạn lủng củng và quá trời sai chính tả đến vậy.
Tất nhiên, những học sinh như thế này vẫn có thể… tốt nghiệp PTTH khi căn bệnh thành tích vẫn còn ngự trị và “Câu chuyện Đồi Ngô” không phải là cá biệt.
Chu Hoàng Diệu Linh thi đấu không đúng sức của mình |
Nhưng lá đơn ngắn ngủi ấy mang đến nhiều suy nghĩ, ít ra học sinh này còn dám nhìn thẳng và nói thẳng những yếu kém của mình. Trên hết, người ta cảm thấy câu chuyện của lòng tự trọng “xin nghỉ học vì không xứng đáng làm học sinh của trường”.
Hiện tượng ngồi nhầm lớp là câu chuyện dài của giáo dục.
Nhưng hiện tượng quan chức “ngồi nhầm ghế” là câu chuyện của xã hội.
Bởi vậy một học sinh sẵn sàng xin từ (tức là bỏ học) vị trí không xứng đáng với mình để khỏi ảnh hưởng tới phong trào của lớp, của trường nhưng cán bộ hay quan chức không hề dễ làm chuyện ấy và cũng không có cái tinh thần của cậu học sinh xin… thất học ấy.
Nghĩ lại câu chuyện Olympic London, không ít người đau lòng. Hình ảnh võ sỹ Chu Hoàng Diệu Linh phát trên bản tin thể thao VTV 1 cách đây chỉ một vài ngày khiến cả triệu người xem sững sờ.
Đó là hình ảnh võ sỹ Diệu Linh chỉ nói được vài từ “em xin lỗi…” rồi ôm mặt khóc nức nở, lao đi như chạy trốn khỏi ống kính máy quay đã gây xúc động mạnh và trở thành một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của đoàn TTVN tại Olympic lần này.
Và người ta thấy, cũng như Diệu Linh, những VĐV khác cũng nhận lỗi về mình trong sự chua xót mà chưa thấy xuất hiện tiếng nói thật sự của lãnh đạo ngành thể thao. Ngoại trừ phát biểu gây sốc của một quan chức đổ lỗi cho “CĐV hò hét khiến Việt Nam tuột huy chương”.
Đã có người đặt câu hỏi là: “Tại sao trình độ VĐV của mình như vậy mà truyền thông và lãnh đạo ngành cứ thổi phồng lên để rồi khiến nhiều người thất vọng? Chẳng nhẽ cứ phải để VĐV chường mặt ra xin lỗi, dù họ thua cách biệt. Lãnh đạo thế, xin từ chức đi…”
Câu chuyện né tránh hay “đá quả bóng trách nhiệm”, đôi khi là sở trường của ngành thể thao.
Và cũng bởi vì, một phạm vi hẹp hơn, là bóng đá – môn thể thao được người dân đặc biệt quan tâm thì chuyện “ngồi nhầm ghế” lại xuất hiện từ… thượng tầng. Nên người ta cũng chẳng ngạc nhiên những câu chuyện như “cầu thủ ngồi nhầm đội bóng”, “ngồi nhầm ghế HLV”, đội bóng “ngồi nhầm” vị trí trên BXH…
Mới thấy, lòng tự trọng của cậu học sinh lớp 10, dù không hiếm nhưng quý biết nhường nào.
Ý kiến ()