Hôm nay (31-8) là thời hạn chót cho việc rút toàn bộ lực lượng tác chiến của Mỹ khỏi I-rắc. Hàng đoàn xe tăng, xe bọc thép của Mỹ che chắn “tận răng” bằng hàng rào chống đạn, nối đuôi nhau rút nhanh khỏi cái “vũng lầy” mà họ đã hao người tốn của suốt hơn bảy năm qua. Thế nhưng khi Mỹ rút quân, đất nước I-rắc vẫn chìm trong sự bất ổn và nguy cơ bạo lực. Mục tiêu khi đưa quân vào I-rắc và chiến lược giành quyền kiểm soát của Mỹ trong khu vực đã bị phá sản.
Tháng 3-2003, lấy cớ tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, liên quân do Mỹ đứng đầu với khí thế áp đảo về lực lượng và vũ khí, tiến vào Thủ đô Bát-đa, lật đổ chế độ của Tổng thống X.Hu-xê-in. Cuộc chiến tranh I-rắc đã kéo dài ngoài tiên liệu của Mỹ, lâu hơn cả cuộc nội chiến ở Mỹ, Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn bảy năm qua, tiếng súng chưa bao giờ ngưng trên mảnh đất này. Những vụ đánh bom đẫm máu của lực lượng nổi dậy xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng, là nỗi kinh hoàng của cả dân thường I-rắc lẫn binh sĩ Mỹ.
Mục tiêu của Mỹ trong cuộc xâm lược I-rắc là phá hủy quân đội, lật đổ chế độ Hu-xê-in và lập một chính phủ thân Mỹ ở Bát-đa nhằm bảo đảm các lợi ích của Mỹ tại quốc gia giàu dầu mỏ này nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung. Nhưng, đến nay, I-rắc vẫn chưa thành lập được chính phủ sau gần sáu tháng tiến hành cuộc bầu cử QH. Đất nước I-rắc rơi vào hận thù, chia rẽ. Trái với “viễn cảnh” lúc đầu Mỹ “vẽ” lên là đem lại tự do cho người dân I-rắc, đất nước này bảy năm qua chìm trong bom đạn, chết chóc, đau thương. Bạo lực đã làm hơn 100 nghìn dân thường I-rắc chết. Oa-sinh-tơn không những không trấn áp được khủng bố mà I-rắc trở thành một “địa bàn” cho khủng bố tung hoành. Sự hận thù của người dân I-rắc càng thổi bùng làn sóng chống Mỹ, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ đánh bom liều chết.
Nhà cầm quyền Mỹ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Oa-sinh-tơn không thể tăng quân mãi và không thể đeo đuổi chiến tranh lâu dài bởi chi phí ngày càng tốn kém, như “ném tiền vào thùng không đáy”. Cuộc chiến tranh I-rắc đã ngốn của Mỹ khoảng 740 tỷ USD. Trong khi nước Mỹ đang trải qua đợt suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ năm 1930 đến nay. Chính quyền Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế là do “sa lầy” trong cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ cũng tìm cách rút quân khỏi I-rắc vì nhiều lý do. Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh ở I-rắc nổi lên trong lòng nước Mỹ. Cuộc chiến tranh I-rắc đã làm hơn 4.400 binh sĩ Mỹ chết, hàng nghìn binh sĩ bị thương. Nhiều người dân Mỹ bất bình khi chứng kiến hằng ngày con em họ phải đổ máu ở một đất nước xa xôi. Rồi cả những nỗi đau bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần với “Hội chứng I-rắc” đeo đẳng cuộc đời của những cựu binh Mỹ.
Việc Mỹ rút quân theo “lộ trình” để rồi rút hoàn toàn quân đội khỏi I-rắc vào cuối năm 2011 chỉ là sự lựa chọn “bất đắc dĩ” trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Chính các tướng, tá Mỹ và I-rắc cũng thừa nhận phải mười năm hoặc lâu hơn nữa, quân đội I-rắc mới có khả năng bảo đảm an ninh. Tổng thống B.Ô-ba-ma coi việc rút quân của Mỹ là “dấu mốc lịch sử” và cuộc chiến đang khép lại, nhưng xét về các mục tiêu chiến lược, Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Đây là hậu quả tất yếu, bởi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành trên đất nước I-rắc là xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền, dù núp dưới chiêu bài nào cũng không thể biện minh. Và vì vậy, đã vấp phải sự phản kháng của người dân I-rắc, sự lên án của dư luận quốc tế. Việc sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa và xâm lược một quốc gia độc lập và có chủ quyền là không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế hiện nay và do đó, nhất định không tránh khỏi thất bại!
Ý kiến ()