Thấp thỏm nỗi lo cháy chợ
Thời điểm cuối năm, giáp Tết đến, người dân đổ về các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm hàng hóa. Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội chưa bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.
Thời điểm cuối năm, giáp Tết đến, người dân đổ về các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm hàng hóa. Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội chưa bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.
Sai phạm tràn lan
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng: cháy tại khu vui chơi, giải trí Zone 9, phố Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng); cháy ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa); cháy chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy); cháy nhà bên cổng chợ xe máy Dịch Vọng; cháy nhà sau khách sạn La Thành;… Các vụ cháy xảy ra dồn dập, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân chủ quan, coi thường, chưa thật sự nêu cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn.
Mới đây, trong buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận Đống Đa, thừa nhận: Thực trạng vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ ở các chợ hiện nay rất đáng báo động. Tiến hành kiểm tra tại 30 chợ, siêu thị trên địa bàn hai quận Đống Đa, Ba Đình, Phòng đã phát hiện hàng loạt sai phạm như: hạ tầng kỹ thuật của các chợ xuống cấp, thiết bị phòng cháy bất cập, trụ nước chữa cháy có nhưng không thể hoạt động; hệ thống điện cũ nát bị người dân câu móc sử dụng tùy tiện. Các chợ ẩn chứa nhiều nguy cơ hỏa hoạn là Khâm Thiên, Thành Công, Kim Liên… Năm 2013, Phòng đưa ra 250 kiến nghị khắc phục sai phạm, thiếu sót, nhưng nhiều đơn vị, cá nhân vẫn tiếp tục tái phạm.
Khảo sát nhiều khu chợ, siêu thị ở Hà Nội, chúng tôi không khỏi giật mình trước thái độ thờ ơ của người kinh doanh, buôn bán đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Sáng 30-12-2013, có mặt tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai), chúng tôi chật vật mãi mới có thể lách qua các lối đi gần như bị bịt kín bởi hàng quán, xe cộ.
Khách vào chợ phải cúi đầu vì vướng những tấm ni-lông, vải bạt do các chủ quầy căng ngang dọc, tầng tầng lớp lớp lấn chiếm khoảng không. Khu chợ này tối tăm, chật chội, các chủ hộ thường xuyên dùng điện thắp sáng, kể cả giữa trưa, mà hệ thống điện trong chợ thì tạm bợ.
Trước đó, có mặt tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) nằm trên tuyến phố nhỏ hẹp, đông đúc, chúng tôi thấy hầu hết cửa ra vào ở đây bị hàng hóa lấn chiếm. Ngay lối dẫn tới khu vực để vòi phun nước cứu hỏa cũng có ba quầy bán thịt án ngữ.
Chợ xe máy, đồ cũ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), là một trong những địa điểm ẩn chứa nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Chiều 22-12-2013, chúng tôi có mặt ở đây qua gặp, tiếp xúc thấy những người kinh doanh, buôn bán vẫn tỏ ra chủ quan, bình thản, mặc dù, buổi sáng hôm đó, tại cổng chợ này vừa xảy ra một vụ cháy, gây chết người. Chợ này có diện tích 5.900 m 2 , gần 90 ki-ốt. Bên trong những dãy kiốt và dọc các lối đi, hàng trăm chiếc xe máy xếp ken kín, dày đặc. Phó trưởng Ban quản lý chợ Dịch Vọng Phạm Văn Luận khẳng định: “Hằng ngày, tại chợ có khoảng 800 chiếc xe máy đem ra trưng bày, giao dịch. Chợ thực hiện nghiêm việc cấm các chủ ki-ốt đun nấu, thắp hương, hút thuốc. Ban quản lý chợ lo sắm đủ 150 bình chữa cháy, ba máy bơm; lực lượng bảo vệ 18 người thay nhau ứng trực, cho nên bảo đảm tuyệt đối an toàn. Chợ còn tham gia hỗ trợ chữa cháy cho các đơn vị lân cận”. Tuy nhiên, không hẳn như những gì ông Luận quả quyết, chúng tôi thấy với lượng xe máy lớn dựng tràn lan chiếm lối đi, vây quanh những vị trí để thiết bị cảnh báo, bảng chỉ dẫn an toàn, bình chữa cháy, vòi phun nước, nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thực tế, tại chợ xe máy, đồ cũ Dịch Vọng từng xảy ra cháy cách đây mấy năm, gây hậu quả nặng nề.
Hiệu quả phòng ngừa chưa cao
Làm việc với Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội, chúng tôi được Đại tá, Trưởng phòng Tuyên truyền Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Trên địa bàn thành phố, hiện có hơn 240 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; hàng trăm chợ cóc, chợ tự phát. Hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại khi tiến hành xây dựng đều cam kết bảo đảm điều kiện an toàn về phòng, chống cháy, nổ. Tuy nhiên, sau quá trình đưa vào khai thác, sử dụng, hệ thống điện của các chợ dần xuống cấp, thêm vào đó, nhiều đơn vị thiếu quan tâm duy trì, bảo dưỡng thiết bị phòng cháy, chữa cháy, do vậy, nguy cơ xảy ra cháy chợ là điều khó tránh khỏi. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, mở các chiến dịch kiểm tra, hướng dẫn việc phòng cháy, chữa cháy tại nhiều khu vực khác nhau.
Trong quý IV-2013, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã ban hành ba văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô, lễ, Tết. Sở triển khai chiến dịch tổng thể rà soát, kiểm tra, tập huấn về hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn. Các Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại khu vực quận, huyện; các bộ phận chức năng về công tác phòng cháy, chữa cháy ở các phường, xã, đơn vị, cơ quan tham gia nhiều buổi tập huấn, thao tác về nghiệp vụ chữa cháy. Song, thực tế đáng lo ngại là, việc hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn nhiều mà hiệu quả chưa cao. Hồi 10 giờ 45 phút ngày 30-12-2013, có mặt tại Siêu thị Metro Hoàng Mai, ở số 126 đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) là đơn vị được đánh giá khá tốt trong công tác phòng ngừa cháy, nổ, chúng tôi vẫn ghi nhận không ít khiếm khuyết về nghiệp vụ phòng cháy. Tại phía trước siêu thị, tấm biển nội quy phòng cháy nhỏ nhoi được gắn trên tường lọt thỏm giữa những tấm biển quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa in đậm nét, mầu sắc rực rỡ. Nhìn những hộp đựng thiết bị chữa cháy đặt bên trong siêu thị, còn thiếu nhiều loại bảo hộ chuyên dụng khi sự cố xảy ra, như: găng tay, ủng, mũ bảo hiểm. Nhiều bình bọt chữa cháy nơi đây có hiện tượng cũ gỉ, trên vỏ một số bình được đánh dấu xác nhận kiểm định từ giữa năm 2012 (theo quy định, bình chữa cháy chỉ có thời hạn sử dụng 12 tháng). Ông Lê Trung Kiên, nhân viên bảo vệ của siêu thị này lý giải, các đơn vị chức năng của quận, phường thường xuyên phối hợp kiểm tra định kỳ công tác an toàn phòng, chống cháy, nổ tại đây. Thế nhưng, các chi tiết thể hiện trên nhiều thiết bị chữa cháy lại chỉ phản ánh việc siêu thị tự kiểm tra, ghi chép sơ sài, không rõ thời gian cụ thể.
Trước đó, tại chợ Ngọc Hà, một sự cố xảy ra dẫn đến sự nghi ngờ có dấu hiệu khuất tất trong việc mua sắm thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Khi chúng tôi được đồng chí Đội trưởng Đội phòng cháy, chữa cháy chợ Ngọc Hà Trần Văn Vinh dẫn vào khu vực để các dụng cụ dập lửa, đồng chí Vinh và một nhân viên bảo vệ thay phiên nhau khởi động máy nổ của chiếc máy bơm nước, nhưng hơn mười phút mà không khởi động được. Trời lạnh, hai đồng chí này vẫn vã mồ hôi, gương mặt đỏ bừng, không giấu nổi vẻ bức xúc về chất lượng khó hiểu của chiếc máy nổ, đồng chí Vinh nói trong hơi thở ngắt quãng: Máy nổ này do cấp trên phân phối, mỗi lần khởi động chẳng khác nào… cực hình. Sau gần 20 phút, hai đồng chí “đánh vật” với chiếc máy nổ, cuối cùng chiếc máy cũng khởi động được, nhưng luồng khói đen phụt ra từ chiếc máy ngập ngụa cả một góc chợ. Giả sử sự cố xảy ra, khói từ chiếc máy nổ cũng đủ khiến nhân viên chữa cháy ngạt thở.
Nguyên nhân và kiến nghị
Nguyên nhân khiến năng lực phòng ngừa cháy, nổ ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội còn thấp, trước hết là do ý thức của các đơn vị, cá nhân có liên quan chưa cao. Rất nhiều đơn vị quản lý và các cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh, buôn bán ở các chợ, siêu thị không coi trọng đúng mức nhiệm vụ phòng cháy. Vì mải chạy theo lợi nhuận, ban quản lý các siêu thị làm ngơ cho các chủ quầy, ki-ốt ồ ạt thu gom, tập kết khối lượng hàng hóa đồ sộ, cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng chứa đựng của mặt bằng kho bãi, cửa hàng, cửa hiệu. Thời điểm này, hầu hết các chợ, siêu thị đầy ắp hàng; mọi vị trí được tận dụng để xếp hàng hóa ngồn ngộn, chắn cả cầu thang, đường đi, lối thoát hiểm. Ngoài ra, nhiều chủ hộ kinh doanh có thói quen đốt hương, vàng mã, đốt vía, đun nấu ngay trong chợ, chỉ cần sơ sẩy là có thể xảy ra cháy, nổ. Kỹ năng và ý thức sử dụng điện an toàn của nhiều đơn vị, cá nhân chưa tốt, tình trạng câu móc điện bừa bãi, lưới điện chắp vá, đấu nối luộm thuộm tại các chợ diễn ra phổ biến là nguyên nhân dễ dẫn đến chập, cháy.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan chuyên ngành về công tác phòng cháy, chữa cháy là hoạt động kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết và chưa rốt ráo. Hoạt động kiểm tra thường được tiến hành theo kiểu chiến dịch, với hình thức “trống giong cờ mở”, dẫn tới hiện tượng các đơn vị bị kiểm tra tìm cách đối phó, che chắn vi phạm. Việc phát hiện vi phạm thường chậm trễ, công tác xử lý vi phạm thiếu triệt để. Hàng chục cơ sở kinh doanh, buôn bán bị các đơn vị chuyên trách về công tác phòng cháy, chữa cháy nhắc nhở, xử phạt, nhưng chây ỳ không chịu nộp phạt hoặc nộp phạt xong lại vi phạm như cũ. Chẳng hạn, Siêu thị Nguyễn Kim, ở 17-19 phố Nguyễn Chí Thanh và Trung tâm điện máy Media star, ở 72 đường Trường Chinh bị xem xét xử lý vì hồ sơ chưa đủ điều kiện thẩm duyệt về an toàn phòng cháy, nhưng sau đó, hai đơn vị này vẫn công khai hoạt động.
Chúng tôi kiến nghị chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ, nhất là trong dịp Tết Giáp Ngọ. Hoạt động kiểm tra cần thực hiện một cách tích cực, sát sao, thiết thực hơn. Sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra cần chỉ rõ đích danh các đơn vị, cá nhân vi phạm để xử lý thích đáng. Trong từng thời điểm, cần khoanh vùng bản đồ đánh dấu những địa bàn có mức độ nguy hiểm cao về cháy, nổ để cảnh báo kịp thời, hợp lý, tránh tình trạng khi xảy ra sự cố, mới loay hoay đi tìm nguyên nhân khắc phục thì đã quá muộn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()