Thắp sáng hy vọng cho nạn nhân chất độc da cam
LSO- Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả để lại vẫn hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Vẫn còn đó những người trở về sau chiến tranh mang trong mình “vết thương không chảy máu” do nhiễm chất độc da cam. Trong những năm qua, các cấp hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chăm sóc, trợ giúp NNCĐDC vượt qua khó khăn, bệnh tật, thắp sáng niềm hy vọng cho họ vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại thăm gia đình bà Lành Thị Mạo, thôn Chục Pình, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc. Sau gần một năm gia đình bà được các cấp hội NNCĐDC hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới đưa vào sử dụng, bà Mạo xúc động: Chồng tôi tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học nên bị nhiễm CĐDC và đã qua đời 6 năm nay. Con trai tôi bị di chứng của CĐDC nên thiểu năng trí tuệ, bản thân tôi đã già yếu nên đã khó lại càng thêm khổ. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên ngôi nhà cũ đã xuống cấp không thể lo nổi để sửa chữa. Cuối năm 2017, gia đình tôi được các cấp hội NNCĐDC quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ toàn phần xây ngôi nhà mới với tổng diện tích 40 m2. Từ khi có nhà mới kiên cố, tôi yên tâm chăm sóc con trai và lao động sản xuất.
Lãnh đạo Hội NNCĐDC tỉnh tặng quà gia đình nạn nhân chất độc da cam tại thôn Bản Mọi, xã Đình Lập, huyện Đình Lập
Gia đình ông Lương Văn Lê, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cũng là NNCĐDC khó khăn về nhà ở. Năm 2017, Hội NNCĐDC huyện Chi Lăng phối hợp với UBND xã Vạn Linh phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nguồn lực sửa chữa nhà cho gia đình ông Lê. Qua đó, đã vận động được các tổ chức, nhà hảo tâm cùng các các đoàn thể xã, các chi hội thôn ủng hộ tiền mua vật liệu sửa chữa toàn bộ phần mái và giúp đỡ 250 ngày công vận chuyển vật liệu. Những hoạt động trên đã góp phần giúp gia đình nạn nhân CĐDC có thêm hy vọng, niềm tin và động lực vươn lên.
Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh cho biết: Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 người nghi bị phơi nhiễm CĐDC. Tuy nhiên hiện nay, toàn tỉnh mới có 817 nạn nhân được hưởng trợ cấp theo chế độ chính sách của Nhà nước (trong đó 438 người là nạn nhân trực tiếp, 379 người gián tiếp bị di chứng từ bố, mẹ). Hầu hết NNCĐDC đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật. Do vậy, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của hội. Ngoài thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, hiệu quả và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo đó, trong năm 2017, các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh đã thăm, tặng 1.279 suất quà cho NNCĐDC vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ, sửa chữa 3 ngôi nhà, hỗ trợ 81 NNCĐDC đi xông hơi, giải độc và nuôi dưỡng tại Hà Nội… Tổng trị giá hoạt động chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC đạt trên 1,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh thăm, tặng được 710 suất quà và hỗ trợ xây 1 ngôi nhà tình nghĩa cho NNCĐDC với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Thông qua các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà và hỗ trợ xây, sửa nhà cho NNCĐDC đã tạo điều kiện cho họ vượt khó vươn lên, xuất hiện nhiều tấm gương phát triển kinh tế như gia đình ông Nông Quốc Đoàn, xã Gia Lộc; ông Nguyễn Văn Rần, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng; ông Lương Xuân Thương, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đa số các NNCĐDC hằng ngày phải đối diện với nỗi đau về thể xác, tinh thần và sự khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, chống chọi với bệnh tật. Để NNCĐDC vượt qua khó khăn rất cần sự chung tay của cộng đồng để sẻ chia, xoa dịu nỗi đau da cam.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()