Thắp lửa yêu thương với người khuyết tật
– Trong những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT&BVQTE) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, kém máy mắn vì những khiếm khuyết của cơ thể, để người khuyết tật (NKT) vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Theo thống kê của Hội BTNKT&BVQTE tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 13.500 NKT, trong đó có trên 11.000 NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng. Hiện đa số NKT đều sống ở vùng nông thôn, sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội BTNKT&BVQTE tỉnh cho biết: Để giúp đỡ NKT vượt qua khó khăn, tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hội đã phối hợp với các ngành chức năng, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng xe lăn, tặng học bổng cho học sinh là NKT; tổ chức khám mắt, mổ đục thủy tinh thể cho người khiếm thị… Những đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần đã tạo điều kiện để NKT cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, Hội BTNKT & BVQTE tỉnh đã tiếp nhận từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức thiện nguyện trong nước, nhà hảo tâm trao tặng gần 2.000 chiếc xe lăn cho NKT, 240 chiếc xe đạp cho học sinh khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng trên 10.000 suất quà tết cho NKT…
Bên cạnh những hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho NKT, Hội BTNKT&BVQTE tỉnh còn hỗ trợ sinh kế, thành lập các hợp tác xã NKT, dạy nghề và đào tạo việc làm cho NKT. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 mô hình phát triển kinh tế của NKT. Tính từ năm 2016 đến nay, hội đã tổ chức được trên 20 lớp tập huấn, dạy nghề, tạo việc làm cho trên 1.000 lượt NKT. Đồng thời, hội tích cực vận động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ cho các mô hình, hợp tác xã NKT để có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người NKT.
Bà Dương Thị Từ, Chủ cơ sở đan chổi chít, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Bản thân tôi là NKT hệ vận động. Hiện tại, cơ sở của tôi đang tạo việc làm cho một số NKT với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Trong những năm gần đây, cùng với việc được thăm hỏi, cơ sở của tôi được Hội BTNKT&BVQTE tỉnh hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong tỉnh, qua đó, việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Cùng với đó, trong năm 2021, Hội BTNKT&BVQTE tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), phòng LĐTB&XH – dân tộc các huyện tổ chức diễn đàn cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi tại các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn với trên 500 NKT tham gia được nói lên tiếng nói, nguyện vọng của bản thân. Đồng thời, hội còn tổ chức tôn vinh những cặp vợ chồng khuyết tật tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo đó, năm 2021, 25 đôi vợ chồng khuyết tật tiêu biểu được nhận giấy khen của Hội BTNKT&BVQTE tỉnh vì đã có thành tích vượt khó vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với những hoạt động sẻ chia thiết thực, từ năm 2016 cho đến nay, tổng trị giá hoạt động giúp đỡ, sẻ chia với NKT, trẻ mồ côi của hội đạt trên 40 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2022, đạt trị giá gần 4 tỷ đồng… Bằng những việc làm, ý nghĩa, thiết thực giúp đỡ NKT, những năm qua, Hội BTNKT&BVQTE tỉnh đã được Trung ương hội, các cấp chính quyền trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Đơn cử như: năm 2021, hội vinh dự được nhận bằng khen của Hội BTNKT và Trẻ mồ côi Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.
Bà Lương Thị Mỹ An cho biết thêm: Tuy đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như trách nhiệm, tinh thần nhân ái của mỗi người dân đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ NKT nhưng trên thực tế hiện nay, NKT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số NKT được tiếp cận tìm việc làm, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng liên quan để tìm những giải pháp thiết thực, phù hợp để hỗ trợ, giúp NKT có việc làm, tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
ĐĂNG THUỲ
Ý kiến ()