Tháo nút thắt về vốn cho doanh nghiệp
Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) hoạt động hiệu quả một phần nhờ vốn vay ưu đãi của Agribank. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) có được nguồn vốn khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có quyết định áp trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên là 15%/năm. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng này có tới được các DN hay không và có khoảng bao nhiêu DN tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất này là câu hỏi đang đặt ra.Nghịch lý cung - cầu vốn Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn cho biết, mới đây, ủy ban đã có một cuộc khảo sát nhỏ đối với cộng đồng DN tại một số địa phương nhằm tìm ra những khó khăn mà các DN gặp phải. Kết quả khảo sát này gần như trùng khớp với kết quả mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, đó là hầu hết các khó khăn mà DN gặp phải đều tập trung vào...
Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) hoạt động hiệu quả một phần nhờ vốn vay ưu đãi của Agribank. |
Nghịch lý cung – cầu vốn
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn cho biết, mới đây, ủy ban đã có một cuộc khảo sát nhỏ đối với cộng đồng DN tại một số địa phương nhằm tìm ra những khó khăn mà các DN gặp phải. Kết quả khảo sát này gần như trùng khớp với kết quả mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, đó là hầu hết các khó khăn mà DN gặp phải đều tập trung vào lĩnh vực tiền tệ. Cụ thể là vấn đề tiếp cận vốn của các DN và lãi suất của các ngân hàng.
Theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long, năm 2011, các DN chế biến chè gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất tiền vay lên tới 19%-20%/năm. Do giá bán thấp, lãi suất tiền vay cao nên trong năm này, hầu hết DN chế biến chè đều thua lỗ. Hay như phản ánh của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) Lê Văn Chung thì phần lớn các DN vẫn phải vay với lãi suất cao. “Và dù là 15% thì lãi vay nước ta đang cao gấp ba lần các nước trong khu vực. Như thế, chúng tôi có thể cạnh tranh với ai? Có lẽ, phá sản là con đường duy nhất, nhất là với DN đầu tư bằng vốn vay”, Chủ tịch Vicem Lê Văn Chung chia sẻ. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết, sau những thông tin xấu về sự phá sản của một vài công ty xuất khẩu cá tra, các ngân hàng càng thắt chặt cho vay ngay cả đối với các DN có dự án phát triển sản xuất và xuất khẩu tốt, khiến hàng loạt công ty gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trái ngược với tình hình khó khăn của các DN mà một trong những nguyên nhân gây ra là do thiếu vốn, thì trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) lại xuất hiện tình trạng “ứ”, thừa vốn. Theo dõi diễn biến tình hình lãi suất liên ngân hàng diễn ra trong những ngày qua có thể nhận thấy, các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đang thừa vốn đến hàng nghìn tỷ đồng trong quý I-2012 (như Ngân hàng TMCP Á Châu dư thừa ít nhất 50 nghìn tỷ đồng). Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh, có ngày, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn một tuần về mức 3,5-4%/năm, lãi suất kỳ hạn một tháng về 6-6,5%. Trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu xuống mức 5,8-10,23%/năm. Bất chấp lãi suất huy động đang áp trần là 12%/năm và lãi suất cho vay là 15%/năm, nhiều TCTD vẫn liên tục mua tín phiếu với khối lượng mỗi ngày khoảng 3.000 tỷ đồng. Chỉ tính từ trung tuần tháng 3 đến nay, lượng vốn các ngân hàng bỏ ra mua tín phiếu đã lên hơn 80 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy các NHTM đang quá dư thừa vốn.
Những rào cản về tiêu chí được vay vốn
Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của NHNN quy định: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 3%/năm, áp dụng cho bốn lĩnh vực ưu tiên: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Với trần lãi suất huy động là 12%/năm, cơ chế này được hiểu là các DN trong các lĩnh vực trên sẽ được vay với lãi suất tối đa 15%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 16 – 19%/năm mà các DN phải vay trước đó. Sau một tuần thông tư có hiệu lực, dòng vốn tín dụng này có tới được các DN hay không, và có khoảng bao nhiêu phần trăm DN tiếp cận được với lãi suất này, vẫn là một câu hỏi được đặt ra. Theo thừa nhận của chính các NHTM, dù áp trần lãi suất cho vay, nhưng cũng không phải DN nào thuộc các lĩnh vực trên cũng có thể tiếp cận được dòng vốn tín dụng này. Bởi thực tế, không phải DN nào trong các đối tượng này cũng dễ dàng đáp ứng được các điều kiện vay vốn mà các NHTM đặt ra.
Theo quy định của NHNN, những tiêu chí cụ thể khi áp dụng cho vay đó là: Các khách hàng vay vốn phải được TCTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Khách hàng vay có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh mục đích vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực được ưu tiên. Và mặc dù NHNN cũng để ngỏ cho từng NHTM có những bộ tiêu chí áp dụng cho vay riêng (với điều kiện phải niêm yết công khai), nhưng rõ ràng chỉ với tiêu chí “DN phải có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, trong 12 tháng qua không có nợ xấu, có báo cáo kiểm toán,…” đã là những rào cản dễ nhận biết nhất để thấy rằng, các DN cũng chẳng hề dễ dàng tiếp cận được vốn với mức lãi suất 15%/năm.
Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của các DN hiện nay, có rất ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa có tình hình tài chính lành mạnh, không bị nợ xấu ngân hàng. Theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long, chính việc các DN phải gồng mình gánh chịu chi phí lãi suất cao suốt thời gian dài, cộng với giá bán sản phẩm thấp dẫn đến năm qua, hầu hết thành viên Hiệp hội đều tồn đọng nợ quá hạn đối với ngân hàng. Thậm chí bước vào niên vụ mới 2012 đã hơn một tháng nhưng rất nhiều DN vẫn chưa đi vào sản xuất mà nguyên nhân là nợ cũ chưa trả xong nên không vay được nợ mới. Còn theo thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, một trong những rào cản lớn nhất khiến DN không tiếp cận được vốn hiện nay là ở tiêu chí xử lý nợ xấu của các DN. TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, riêng với quy định các DN đang có nợ xấu và tình hình tài chính không lành mạnh thì sẽ không được vay đã “gạt” cơ hội tiếp cận vốn của khoảng 97% số lượng các DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Ngoài ra, với tiêu chí các DN phải có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả hoạt động và phương án trả nợ mà các ngân hàng đề ra thì phần lớn các DN hiện nay cũng không đáp ứng được bởi theo khảo sát của nhiều nhóm chuyên gia, hầu hết các DN có nhu cầu vay vốn hiện nay là để trả nợ, hoặc duy trì hoạt động sản xuất, chứ rất ít DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh trong tình hình khó khăn như hiện nay.
Giải thích kỹ hơn về vấn đề này, Giám đốc Ban Vốn và kinh doanh vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết: Nếu xét về mặt logic, đương nhiên DN phải muốn hạ lãi suất, nhưng ngân hàng cũng muốn phải có một mức lợi nhuận hợp lý, có biên độ phù hợp để chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro. Bản thân ngân hàng là kinh doanh vốn, do đó ngân hàng cũng phải cân bằng được giữa rủi ro và lợi nhuận. Hay nói cách khác, DN phải đạt được những tiêu chí như thế nào mới được ngân hàng cho vay, và với những mức độ rủi ro tương ứng thì sẽ có mức lãi suất phù hợp. Như vậy, vấn đề là phải từ cả hai phía, không phải tất cả các DN đều được hưởng lãi suất thấp, mà còn phải tùy vào năng lực, uy tín, thương hiệu và phương án sản xuất kinh doanh của từng DN.
Áp trần lãi suất: Cần nhưng chưa đủ
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, mức trần lãi suất cho vay 15%/năm sẽ phần nào tác động tích cực đối với DN trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay. Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), TS Nguyễn Đức Hưởng cho biết: Đây là biện pháp cứu DN có định hướng cụ thể của NHNN. Việc áp trần lãi vay đối với bốn lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, tạo điều kiện cho các ngân hàng đủ lực tài chính hỗ trợ được các DN là khách hàng tốt. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cũng khẳng định: Đây thật sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của DN, giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn. Việc áp trần lãi suất vay sẽ tạo áp lực để đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, phù hợp xu hướng giảm của lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Hồng Hải cũng lưu ý: Việc áp dụng các biện pháp hành chính trong một nền kinh tế thị trường chỉ nên mang tính thời điểm, cần cân nhắc cẩn thận về thời gian và mức độ. Đi đôi với hạ lãi suất, cần kết hợp với nhiều giải pháp khác để cứu DN như gói hỗ trợ của Bộ Tài chính, các biện pháp kích cầu nội địa,…
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn nhấn mạnh, việc áp trần lãi suất chỉ nên áp dụng có thời hạn, trong những thời điểm nhất định, khi thuận lợi thì nên bỏ. Trong nền kinh tế thị trường, hạ lãi suất hay không sẽ phản ánh đúng sự hấp thụ của thị trường. Do đó, việc để thị trường tự điều tiết lãi suất là tốt nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương áp trần lãi suất là đúng, nhưng NHNN cần giám sát để làm sao chủ trương đó tác động được đến DN. NHNN cũng cần tìm hiểu kỹ khó khăn của từng nhóm DN, để từ đó phân loại, sau đó có từng nhóm giải pháp riêng biệt cho những nhóm khó khăn này. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Văn Hoàn cũng cho rằng, NHNN cần tạo cơ chế cho các ngân hàng được chủ động phân loại khách hàng để đưa ra biên độ lãi suất phù hợp dựa trên mức gợi ý, chứ không cào bằng với mọi đối tượng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong thời gian tới, chính sách tín dụng cần được mở rộng hơn nữa cho tất cả các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. Việc áp trần lãi suất 15%/năm là tín hiệu tốt, nhưng lãi suất cần tiếp tục giảm nữa. Bên cạnh đó, cần có sự can thiệp của NHNN trong việc giám sát chặt việc thực hiện cho vay theo trần lãi suất, cũng như hỗ trợ các NHTM và DN trong việc cơ cấu lại nợ. Về phía các NHTM, cần có sự tin cậy hơn với DN, nhất là trong bối cảnh các DN gặp khó khăn hiện nay. Có như vậy, dòng vốn tín dụng từ ngân hàng tới DN mới có hy vọng được khơi thông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()