Tháo nút thắt giải phóng mặt bằng
LSO-Thời gian qua, một số dự án trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ đều liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng. Để từng bước giải quyết vấn đề này, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể thiết thực như: ban hành cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn; cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác bồi thường…
Đổ bê tông mặt đường dự án đấu nối đường Na Sầm-Na Hình với đường tuần tra biên giới huyện Văn Lãng |
Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (1/7/2014), tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Tính từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật, 3 kế hoạch và nhiều văn bản khác để cụ thể hóa các chính sách pháp luật về đất đai, làm cơ sở chỉ đạo, điều hành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định 12 ngày 14/2/2015 về ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 47, ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Quyết định 12 đã cụ thể hóa và tháo gỡ nhiều vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn theo hướng có lợi nhất cho người bị thu hồi đất.
Trong thời gian hơn 2 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư với tổng diện tích hơn 587 ha, để giao cho các chủ đầu tư thực hiện 213 dự án phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có tới 182 dự án bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng.
Các cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng hoàn thiện đã giúp cho công tác triển khai dự án trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư theo hướng chuyên trách, nâng cao năng lực cán bộ. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 11 trung tâm phát triển quỹ đất tại các huyện, thành phố với đội ngũ cán bộ trên 120 người chuyên thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân cấp, quy định chi tiết thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp. Từ đó giúp cho việc giải quyết các thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo công khai quy trình, thủ tục; thời gian giải quyết cũng như công khai, minh bạch kết quả kiểm kê, phương án, chính sách và đơn giá áp dụng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao tổ chức triển khai thực hiện.
Không những vậy, hằng năm, tỉnh yêu cầu UBND các huyện đăng ký danh mục dự án đầu tư có thu hồi đất, từ đó thẩm định và có kế hoạch bố trí nguồn lực triển khai dự án phù hợp với thực tế.
Ông Lộc Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc cho biết: Huyện Cao Lộc là một trong những huyện triển khai nhiều dự án trọng điểm liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vì thế các cơ chế chính sách quy định chi tiết việc bồi thường hỗ trợ tái định cư được ban hành kịp thời, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cơ sở khi thực hiện dự án.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn; đồng thời hạn chế được những khiếu kiện về đất đai, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()