Ngày 14-6, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XII vào ngày làm việc thứ 21. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư (gọi tắt là Nghị quyết 66) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Các tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia
Buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66. Phần lớn ý kiến phát biểu nhất trí với những nội dung đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết 66 nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, là yêu cầu cấp bách góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước. Đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù đối với các dự án, công trình quan trọng của quốc gia, bảo đảm tính thống nhất với một số luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các cơ chế chính sách pháp luật về xây dựng cơ bản, nâng cao năng lực, hiệu quả trong các quyết sách của QH.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào ba nhóm vấn đề chính, đó là tiêu chí về quy mô vốn (trong đó có vốn thuộc sở hữu Nhà nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa vẫn còn có một phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước); tiêu chí có liên quan QP – AN; vấn đề quy định đối với dự án, công trình mà thời gian thi công chậm từ một năm trở lên, việc thay đổi các hạng mục liên quan đến dự án, công trình, những vấn đề có liên quan đến giá cả làm thay đổi tổng dự toán của dự án công trình…
Về cơ sở pháp lý của việc bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định việc đầu tư ra nước ngoài, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 quy định 14 chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, trong đó có nhiệm vụ thứ tư liên quan đến quyết định về tài chính, ngân sách. Việc đầu tư ra nước ngoài liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của QH. Một số đại biểu đặt câu hỏi có nên bổ sung vào đây việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa vào nghị quyết này hay không? Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, điều này không cần thiết, vì việc đó thuộc thẩm quyền của QH đã được quy định trong Luật Đất đai. Tại Khoản 1, Điều 26 của Luật Đất đai quy định cụ thể QH quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước do Chính phủ trình và trong đó bao gồm cả kế hoạch thu hồi đất, diện tích đất các loại để phân bổ cho nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị, khu dân cư, quốc phòng, an ninh, kế hoạch chuyển diện tích đất trồng lúa vào mục đích khác…
Một tiêu chí quan trọng để xác định dự án, công trình quan trọng là quy mô tổng vốn đầu tư. Dự thảo quy định quy mô tổng vốn đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng, đối với dự án công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) cho rằng, cần xem lại các tiêu chí này và đề nghị không đưa các tiêu chí tỷ lệ mà đưa quy mô vốn Nhà nước trên bao nhiêu thì QH quyết định chủ trương đầu tư.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có một trong năm tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng: Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6-2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định.
Chung quanh vấn đề đầu tư ra nước ngoài, một số đại biểu cho rằng, Nghị quyết sửa đổi này theo hướng nới rộng phạm vi, giao cho Chính phủ nhiều hơn. Tuy nhiên, đề nghị QH cân nhắc, vì một công ty bình thường đầu tư ra nước ngoài sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng nếu Nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì trách nhiệm là vô hạn. Một số đại biểu: Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Nguyễn Danh (Gia Lai), Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác nêu vấn đề: Có một số tiêu chí định tính, thí dụ như vấn đề an ninh, quốc phòng, vấn đề nhạy cảm về môi trường, vấn đề văn hóa. Vì thế khi trình nghị quyết phải tính tới điều này. Các tiêu chí đó cần được các cơ quan của QH giám sát. Có ý kiến cho rằng, đối với những công trình có nhiều tiêu chí như dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, liên quan các vấn đề về lĩnh vực công nghệ, môi trường, lại vừa là vấn đề kinh tế, cần có ít nhất hai, ba ủy ban của QH tham gia thẩm định hoặc một ủy ban lâm thời hỗn hợp để thẩm tra đúng mức.
Về thời gian trình QH, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho rằng, 60 ngày là ít, đối với dự án nhỏ thì có thể được. Nhưng những dự án lớn 60 ngày không đủ để thẩm tra, bởi vì QH còn rất nhiều việc mà trong quá trình thẩm tra chúng ta còn phải lấy ý kiến của các nhà khoa học, của các cơ quan, đại biểu QH.
Phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Hầu hết ý kiến phát biểu nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra năm 2004, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành. Các đại biểu: Đặng Thị Huyền Thái (Hà Nội), Nguyễn Thị Nga (Hải Dương), Lương Phan Cừ (Đác Nông), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Cơ quan thanh tra. Về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, các đại biểu Điểu KRé (Đác Nông), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và một số đại biểu đề nghị phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tránh trùng lặp, chồng chéo. Theo các đại biểu này, trong dự thảo luật quy định thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, và thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là không rõ ràng; rất khó xác định được ranh giới giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét, về tổ chức các cơ quan thanh tra, ngoài thanh tra Chính phủ, thanh tra các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thanh tra bộ, thanh tra sở như quy định của luật hiện hành, thì hệ thống tổ chức Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn bổ sung thanh tra tổng cục, thanh tra cục thuộc bộ, thanh tra chi cục thuộc sở là không hợp lý. Đề nghị không thành lập thanh tra tổng cục, thanh tra cục, chi cục, vì dễ chồng chéo, vướng mắc về thẩm quyền và đối tượng thanh tra, đồng thời tăng biên chế hành chính. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) và một số đại biểu, thì hoạt động của một số bộ hiện nay là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đối tượng quản lý rộng với nhiều chuyên ngành và chuyên môn sâu như thực phẩm, y tế, thuế, hải quan, hàng không, hàng hải…, nên thanh tra bộ khó có thể hoạt động hiệu quả. Đề nghị cần có quy định về tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực đó. Chẳng hạn, Cục Quản lý dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Hàng hải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Tần số vô tuyến điện… đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý. Một số đại biểu đề nghị cần tổng kết hoạt động của thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn mà Chính phủ đã cho thí điểm thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số tỉnh, thành phố lớn cũng đang có nhu cầu thành lập thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường, quản lý đô thị… ở cấp cơ sở. Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về thanh tra xây dựng, môi trường, quản lý đô thị… ở quận, phường tại một số tỉnh, thành phố lớn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu: Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đào Xuân Nay (Bình Thuận), Trần Thị Dung (Điện Biên), Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) và một số đại biểu đề nghị tăng tính độc lập, tự chủ của cơ quan thanh tra các cấp và tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho các đoàn thanh tra và trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra ký kết luận thanh tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra của mình. Đề nghị có quy định trong dự thảo luật này việc chuyển kết luận thanh tra sang các cơ quan điều tra, khi thanh tra phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái, tham nhũng, làm thất thoát tài sản… Một số đại biểu đề nghị có chế tài để xử lý các trường hợp không thực hiện kết luận thanh tra và có chế tài xử lý trách nhiệm của thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện kết luận thanh tra không đúng vấn đề. Các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của Cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên trong việc phát hiện vi phạm pháp luật, nhưng kiến nghị xử lý không triệt để. Hoặc đối với trường hợp khi tiến hành thanh tra mà kết luận không có sai phạm, nhưng sau đó qua hoạt động kiểm tra, giám sát, lại phát hiện có vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Về Thanh tra nhân dân, các đại biểu nhận thấy hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra Nhà nước. Thanh tra nhân dân thực chất là tổ chức giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Thanh tra mới thay thế Luật Thanh tra năm 2004, đồng thời lại tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong luật là không phù hợp. Bởi vì, khi luật này có hiệu lực và thay thế Luật Thanh tra năm 2004, thì không thể giữ lại Chương quy định về Thanh tra nhân dân của Luật Thanh tra năm 2004. Các đại biểu đề nghị một trong hai giải pháp: hoặc là đồng thời với việc trình QH xem xét dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ cần chuẩn bị trình dự án luật về hoạt động giám sát của nhân dân trên cơ sở những quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra hiện hành. Hoặc giữ Chương Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời bảo đảm phù hợp quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước và ở xã, phường, thị trấn, nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ý kiến ()