Thảo luận về hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế và cơ chế giám sát, phản biện của MTTQ
Ngày 1-10, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), tiếp tục dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng. Các đại biểu nghe và cho ý kiến vào Báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần khắc phục sự dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng dần được cải thiện. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, việc triển khai tái cơ cấu nền kinh tế có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ quy định về bố trí vốn. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nhiều ý kiến đề nghị, báo cáo giám sát cần đánh giá cụ thể hiệu quả công tác tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua, cũng như hiệu quả đổi mới mô hình hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đồng thời nêu lên trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, trách nhiệm của Chính phủ và QH để rút kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình.
Một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, hiệu quả đầu tư công, cũng như chỉ rõ những mặt được và chưa được trong việc tái cơ cấu nền kinh tế; phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Báo cáo cần đặt ra mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế cho những năm tiếp theo, biện pháp thực hiện theo hướng tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế thị trường bền vững, hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường.
Cùng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) là ghi nhận chức năng của MTTQ Việt Nam trong việc “giám sát và phản biện xã hội”. Do vậy, việc quy định rõ vai trò, chức năng này của MTTQ Việt Nam trong luật là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ, MTTQ Việt Nam tham gia phản biện xã hội ra sao đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ðồng tình với quan điểm quy định trong luật về vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhưng một số ý kiến đề nghị, không nên “giới hạn” phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần giám sát, phản biện, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Một số đại biểu đề nghị, cần quy định về cơ chế và làm rõ hơn giá trị pháp lý của hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, bổ sung các nội dung cụ thể cần được phản biện, quy trình thực hiện và hình thức phản biện xã hội, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()