Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 18-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII, sang ngày làm việc thứ 24. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Ngày 18-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII, sang ngày làm việc thứ 24. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014
Thay mặt QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Ða số các đại biểu QH tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và định hướng lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 như trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Nhiều đại biểu cho rằng, việc định hướng cho Chương trình năm 2014, cần tập trung ưu tiên các dự án phục vụ cải cách kinh tế lên hàng đầu, tiếp theo đến các luật về tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền công dân.
Có ý kiến đại biểu QH đề nghị cân nhắc về thời điểm trình thông qua dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, cũng như thời điểm thông qua dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) để bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang được tiến hành đúng các bước theo tiến độ và yêu cầu mà QH đề ra. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp sau. Trong trường hợp sau khi thảo luận về dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) mà QH quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này thì đề nghị QH cho đưa dự án vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Ðình Long trình bày dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Quyết tâm phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm
Phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật lần này đã khắc phục được những điểm hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Ðảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ðồng thời, cũng xác định rõ hơn các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt các hành vi gây lãng phí, các cơ chế phát hiện, điều tra thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Tuy nhiên, các đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng), Phạm Văn Hổ (Phú Yên), cho rằng, một số điều khoản trong dự án luật còn chung chung, chồng chéo, khó có tính khả thi. Ðại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, nhiều điều khoản trong dự án luật có sự trùng lặp, cần phải điều chỉnh.
Các đại biểu đã lấy những thí dụ cụ thể về tình trạng cấp phép tràn lan trường học, ngân hàng, bệnh viện, các dự án bất động sản… không phù hợp với cung – cầu, gây lãng phí lớn về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nhưng chưa được dự thảo Luật quy định làm rõ trách nhiệm. Theo đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận), tình trạng lãng phí ở nước ta hiện nay gây thiệt hại cũng không kém tình trạng tham nhũng, cần phải có quyết tâm chính trị, cũng như ý thức của toàn dân trong công tác phòng, chống lãng phí. Ðại biểu này đề nghị nên sửa tên thành Luật Phòng, chống lãng phí. Ðại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) cũng đồng tình với tên gọi này, và cho rằng lãng phí xảy ra trên nhiều hình thức, cho nên luật cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh để luật thật sự khả thi.
Các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu khác đề nghị cần có cơ chế phát hiện, tố giác các hành vi lãng phí và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong kiểm tra, xử lý sai phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý công khai kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cơ quan báo chí đóng vai trò đắc lực trong việc phát hiện, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vì vậy dự thảo Luật cần quy định cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm phản hồi lại ý kiến báo chí đã phản ánh về tham nhũng.
Hạn chế việc khen thưởng tràn lan
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Báo cáo cho biết: Ngày 25-5, tại Kỳ họp thứ năm, QH đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Ðã có 14 ý kiến phát biểu tại Hội trường và năm ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Ðoàn Thư ký kỳ họp. Nhìn chung, các đại biểu QH đánh giá cao việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban TVQH, nhất trí nội dung dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ năm và đề nghị QH sớm thông qua. Có một số góp ý cụ thể vào các chương, các điều, khoản của dự thảo Luật, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của QH phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật còn 81 điều, 11 chương, giảm hai điều so với dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ năm. Ngoài các chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề chính nêu trên, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Sau khi nghe Báo cáo nêu trên, các đại biểu đã biểu quyết với 87,75% tổng số đại biểu tán thành thông qua Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Tiếp theo chương trình làm việc, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Dự thảo Luật quy định: Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” năm năm xét một lần và Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” ba năm xét một lần. Ðây là những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Ðào Xuân Yên (Thanh Hóa) và Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cùng một số đại biểu khác cho rằng, quy định như trên là không hợp lý, dễ làm mất đi tính thường xuyên của thi đua, có thể tạo ra sự mất công bằng trong đánh giá thành tích thi đua của cá nhân, đơn vị. Các đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo Luật cần nghiên cứu lại quy định này theo hướng xét tặng các danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Cờ thi đua của Chính phủ hằng năm. Nếu cần, có thể hạn chế về số lượng được khen thưởng để tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, đồng thời nâng cao giá trị của danh hiệu.
Về bổ sung thẩm quyền khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, khen thưởng, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu khác đề nghị cân nhắc về việc quy định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định khen thưởng đối với đại biểu QH, các cơ quan của QH, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân vì như vậy là không phù hợp với tính chất, tổ chức các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta (Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đối tượng giám sát của QH, các cơ quan của QH, đại biểu QH; hệ thống Tòa án, Viện Kiểm sát cũng độc lập với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Theo Nhandan
Ý kiến ()