Thảo luận về đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga có thể sẽ dài
Theo Hãng tin Reuters, ngày 8-5, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.
Đề xuất này được đưa ra nhằm ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt của Nga thông qua các nước thứ 3. Việc trốn tránh lệnh trừng phạt được Brussels coi là lý do chính khiến các gói trước đó không đáp ứng được kỳ vọng. Theo đó, khối này dự kiến sẽ đưa ra một cơ chế mới nhằm cắt giảm xuất khẩu sang các nước thứ 3.
Dựa trên phân tích các dữ liệu xuất khẩu của Đức kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cho biết, một số hoạt động thương mại bị cấm của EU đang chảy vào Nga qua Caucasus và Trung Á.
EU đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Ảnh: Reuters |
Theo EBRD, xuất khẩu trực tiếp các nhóm sản phẩm chịu một phần hoặc toàn bộ lệnh trừng phạt cũng như hàng hóa tương tự với các sản phẩm bị trừng phạt từ EU sang Nga giảm mạnh sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt vào tháng 3-2022. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm này của EU sang Armenia, Kazakhstan và Cộng hòa Kyrgyzstan tăng lên.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Reuters dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc thảo luận đầu tiên liên quan đến đề xuất này sẽ diễn ra vào thứ 4.
Một số nguồn tin cho rằng các cuộc thảo luận giữa các nước thành viên có thể kéo dài và căng thẳng vì đề xuất này có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ kinh tế và chính trị.
Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, sẽ khó để có một quyết định vào thứ 4 này hoặc tuần tới. Các quốc gia thành viên sẽ có nhiều ý kiến về việc liệu đây có phải là một con đường tốt hay không và nó sẽ thực sự ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Đề xuất cho thấy sự sẵn sàng ngày càng tăng của EU nhằm vào các nước thứ ba và các thực thể nước ngoài bằng các biện pháp trừng phạt của mình.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Trong đó có các biện pháp nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ. Các quan chức ngoại giao EU trước đó cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/thao-luan-ve-de-xuat-goi-trung-phat-thu-11-nham-vao-nga-co-the-se-dai-727499
Ý kiến ()