Tại nhiều tổ, các đại biểu QH đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại kỳ họp lần này. Các nội dung báo cáo đã đi thẳng vào bản chất và mục tiêu cần giải quyết đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, đó là tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu của QH đã đề ra.
Đề cập những vấn đề tồn tại của nền kinh tế trong năm 2009, một số đại biểu cho rằng, mức bội chi ngân sách Nhà nước còn ở mức cao; còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trong năm nay, do việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa từ năm trước. Trong Báo cáo của Chính phủ, có tám chỉ tiêu không đạt, gồm bốn chỉ tiêu về môi trường, hai chỉ tiêu về nguồn nhân lực, hai chỉ tiêu về lao động. Điều đó cho thấy vấn đề chất lượng cuộc sống và yếu tố phát triển bền vững cần được quan tâm, giải quyết rốt ráo hơn nữa. Thực tế vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, do chính sách tiền tệ thay đổi quá nhanh. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư từ khối Nhà nước chưa cao, đã tác động tiêu cực đến các chính sách tài khóa và dễ gây lạm phát. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam), thời gian qua nguồn lực tài chính còn bị phân tán, còn dàn trải cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhiều đại biểu kiến nghị, trong những nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2010, Chính phủ cần tập trung nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, để tạo sự yên tâm và lòng tin cho doanh nghiệp, nhất là việc “khơi thông” nguồn vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chính sách xây dựng và phát triển ngành công nghiệp để giảm nhập siêu, chủ động cung ứng hàng hóa và tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Có chính sách quản lý giá và thị trường hiệu quả, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước… Vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức cũng được các đại biểu đề cập. Một số đại biểu cho rằng, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành còn thiếu nhịp nhàng. Về lĩnh vực cải cách hành chính, Chính phủ mới tập trung việc cải cách thủ tục hành chính. Nếu không quan tâm công tác tổ chức bộ máy sẽ làm chậm sự phát triển và tiến trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước…
Nhiều ý kiến đề nghị, thời gian tới, cần triển khai quyết liệt hơn nữa, đề ra những chính sách đồng bộ triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; quan tâm chuyển đổi kinh tế để thu hút lao động từ khu vực này; đầu tư phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm. Qua đó cũng góp phần giảm gánh nặng cho các chương trình an sinh xã hội của Nhà nước. Mặt khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới ở nước ta đạt khoảng 38,5%; đây là nguyên nhân chính hạn chế năng suất lao động xã hội, cản trở việc phát triển những ngành nghề trong nước cũng như mở rộng những thị trường xuất khẩu đòi hỏi lao động có kỹ thuật cao. Đây là một trong các vấn đề trọng tâm cần được Chính phủ quan tâm trong phương hướng thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị quan tâm đầu tư và đề ra những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, quan tâm thực hiện tốt công tác tái định cư, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai một số công trình, dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển bền vững…
* Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này cho biết, tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII, các đại biểu QH đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến của các đại biểu QH; tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và gửi tới các Đoàn đại biểu QH cho ý kiến. Báo cáo cho biết, đa số các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án luật và các nội dung của luật. Tuy nhiên, còn ý kiến khác nhau về một số vấn đề cụ thể, như quản lý, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, về mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; về giới hạn sở hữu cổ phần, việc thành lập hợp tác xã tín dụng, phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng; về hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại; việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác; giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Góp ý kiến vào các vấn đề cụ thể nói trên, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, việc sớm ban hành luật này là cần thiết nhằm hướng tới sự đúng đắn của pháp luật trong thực tế và phục vụ hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc sửa đổi dự án Luật đã có nhiều tiến bộ, nhưng còn một số nội dung phụ thuộc vào hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị, cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Luật những đối tượng phi ngân hàng có hoạt động ngân hàng chưa được điều chỉnh ở luật khác, nhưng cũng không nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự án luật này. Đề nghị ở quy định về thành lập bộ phận kiểm toán trong bộ phận kiểm soát, cần nêu rõ quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận kiểm soát này và đề nghị Chính phủ, NHNN cần phối hợp các bộ, ngành chức năng soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống khi được QH thông qua.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho biết, dự án luật đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu QH. Tuy nhiên, còn một số điều luật phải chờ đợi văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất của chính sách pháp luật, tính công bằng giữa cá nhân, tổ chức Việt Nam và các cá nhân, thể nhân quốc tế trong giới hạn sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị giải trình thêm việc bỏ trần lãi suất bằng lãi suất thỏa thuận và đặt vấn đề như vậy có làm tự do hóa lãi suất hay không? Có gì không thống nhất với các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự? Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này và đề nghị cần nêu rõ hơn vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị giải thích rõ hơn từ ngữ pháp luật trong dự án luật. Theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), ở Điều 91 quy định về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, cần có công cụ điều tiết phí, lãi suất, để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền và lợi ích của khách hàng. Còn ở Điều 128, giới hạn cấp tín dụng quy định mức cao, dễ gây ra những rủi ro.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu báo cáo, giải trình thêm trước QH, cho biết, về văn bản hướng dẫn Luật, dự án luật này đã rút ngắn được từ 10 Nghị định hướng dẫn và văn bản hướng dẫn thi hành của NHNN trước đây, xuống còn bốn Nghị định và văn bản hướng dẫn. NHNN sẽ cố gắng chuẩn bị tốt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thời gian tới, để sớm đưa luật vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến, cho biết, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình QH thông qua trong phiên họp sau.
Ý kiến ()