Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2012 và những tháng đầu năm 2013
Ngày 30-5, kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2013.
Ngày 30-5, kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2013.
Giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế
Tại hội trường, một số đại biểu phát biểu ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng, nền kinh tế một số quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, Chính phủ thời gian qua đã điều hành quyết liệt, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện những chính sách giải pháp cụ thể bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.Tình hình kinh tế nước ta trong năm 2012 đã đạt kết quả có tính tích cực, như kiềm chế được lạm phát, giảm lãi suất ngân hàng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh được giữ vững… Trong bốn tháng đầu năm 2013, nền kinh tế nước ta có bước tiến bộ, kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP khá so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp sản xuất trở lại tăng, lãi suất huy động và cho vay giảm, một số chính sách kích cầu hỗ trợ thị trường doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, tình hình KT-XH trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 vẫn tiếp tục khó khăn.
Về nội dung này, các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) và một số đại biểu băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong Báo cáo của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, chỉ tiêu người lao động qua đào tạo, số giường bệnh đạt theo kế hoạch chỉ mang tính hình thức. Các đại biểu này cũng tỏ ra hoài nghi về tính xác thực trong đánh giá của Chính phủ về thị trường tài chính, tiền tệ, cho rằng thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu chưa thật sự sát với tình hình thực tế, số liệu chưa thuyết phục. Ðồng thời đề nghị xem xét lại một số nhận định, như: Số liệu về tai nạn giao thông giữa báo cáo của Bộ Công an so với báo cáo của Chính phủ không trùng khớp. Cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 10%, trong khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu còn 8,6%, trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%, trong khi cùng thời gian Ủy ban Giám sát tài chính của QH đưa ra con số 11,8%.
Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian phát biểu ý kiến tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết của QH về phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2013. Ðại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Hà Sỹ Ðồng (Quảng Trị), Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, các chủ trương, chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm lãi suất, giảm thuế… là đúng đắn, nắm bắt đúng tình hình thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình cụ thể hóa các chính sách còn chậm, xảy ra tình trạng “bệnh nặng đợi mãi thuốc mới về, khi chữa thì đã quá muộn” khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội.Theo đại biểu Hà Sỹ Ðồng, 69% số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lãi suất vẫn còn cao và doanh nghiệp khó vay vốn. Vì vậy Chính phủ cần có báo cáo và phân tích rõ hơn về việc điều hành kinh tế trong khi kinh tế nước ta đang ngày một khó khăn hơn.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu ý kiến: Việc các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn còn do bản thân nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn. Ðây là một vấn đề cần được chia sẻ với ngành ngân hàng.
Một số đại biểu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hạ lãi suất tiền vay xuống 8%/năm, khoanh nợ các khoản vay cũ, các khoản vay quá hạn doanh nghiệp chưa trả được. Bên cạnh đó, điều chỉnh thủ tục vay rườm rà, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ðề nghị Chính phủ trình QH cho phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 để thanh toán đối với các dự án đầu tư công mà Nhà nước nợ doanh nghiệp do phát sinh trượt giá và các công trình đang đầu tư dở dang phải giãn, hoãn tiến độ. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, tại kỳ họp lần này, QH cần đưa vào Nghị quyết một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, với những nội dung đồng bộ.
Chú trọng giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội
Các đại biểu: Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Phương Thị Bắc (Bắc Cạn), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)đề cập tình hình kinh tế hiện naybên cạnh ưu tiên mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, kích thích tổng cầu, tăng thu ngân sách, cần đặc biệt giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội. Bởi lẽ, hiện nay, các vấn đề bức xúc của xã hội chưa được tập trung giải quyết, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách,người có công với cách mạng, người lao động, người làm công ăn lương, công nhân thất nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Ðại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phân tích, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo khó khăn năm 2012 giảm hơn 7%, nhưng sau gần 5 năm thực hiện chính sách với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn không giảm mà lại tăng 45% từ 62 huyện lên 85 huyện, 7 xã lên 311 xã là không hợp lý. Không biết trong số hộ nghèo đói dân tộc thiểu số có bao nhiêu con em có thể đi học cao đẳng, đại học, trường nghề mà có tới 1,9 triệu hộ gia đình với 2,3 triệu học sinh, sinh viên tham gia vào chương trình tín dụng. Ðại biểu này đề nghị, Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu giảm nghèo có đúng như số liệu báo cáo hay không?
Ngoài những giải pháp tăng sức cầu của Chính phủ, đại biểu Lê Công Ðỉnh (Long An) cho rằng, các ngành nông, thủy sản và công nghiệp nông, thủy sản, thực phẩm có sức lan tỏa lớn nhưng giá trị không cao. Sự trì trệ của khu vực nông nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát triển thiếu cơ bản của nền kinh tế. Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) đề nghị, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, quản lý và bảo vệ rừng, cụ thể cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Theo đại biểu này, từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư NSNN cho nông nghiệp, nông thôn rất thấp, khoảng 1,5% GDP; trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP khoảng 20%. Ðó là quyết sách lâu bền của quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở hoàn thiện các chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh việc thực hiện các chính sách đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) và một số đại biểu cho rằng, trong hệ thống chính sách xóa đói, giảm nghèo, chưa có chính sách phân vùng để phát triển và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các vùng DTTS. Hơn thế, vẫn chưa có chính sách kết nối sản phẩm của các vùng này với thị trường. Những chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới chỉ dừng lại ở các chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển. Nguồn lực thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo chưa đủ mạnh vì các chính sách xoá đói, giảm nghèo vùng DTTS thường đưa ra mục tiêu phấn đấu cao, quá nhiều chỉ tiêu cần đạt nhưng định mức vốn cho huyện, xã, thôn, bản chưa tương xứng với mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.Ðại biểu này đề nghị, các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo cần hợp nhất các nguồn tài chính thành một nguồn duy nhất. Qua đó, thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng và quản lý nguồn lực đối với những vùng thôn, xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Ðề cập những khó khăn hiện nay mà ngư dân đang gặp phải, các đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng giúp ngư dân phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ, Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân trước việc nhiều tàu của nước ngoài có những hành động xua đuổi, cản trở ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo sự yên tâm cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản.
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức
Tại Hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và các bộ trưởng: Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã giải trình và thông tin với các đại biểu QH về những vấn đề, nội dung được các đại biểu và cử tri nhân dân cả nước quan tâm. Ðáng chú ý là, về tỷ lệ giảm nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, cách tính các hộ nghèo vẫn theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định từ ngày 1-1-2011. Theo đó, chuẩn nghèo cho khu vực nông thôn là 400 nghìn đồng/người/tháng và 500 nghìn đồng/người/tháng cho khu vực thành thị. Kết quả rà soát của các cơ quan chức năng cho thấy, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,6%. Hiện nay, để giảm nghèo bền vững, Bộ và các địa phương đã tiến hành rà soát lại các chính sách với hộ nghèo, đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tăng nguồn vốn cho vay. Ðáng chú ý, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh phí phục vụ cho công tác giảm nghèo năm 2012 không bị giảm mà còn được tăng lên đối với nhiều lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, như: khám, chữa bệnh, BHYT, trợ giúp học sinh nghèo, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Ðối với những vấn đề được các đại biểu QH và cử tri quan tâm về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua. Nhờ những giải pháp quyết liệt này, thị trường vàng đã ổn định, bảo đảm tốt các quyền của người dân về mua bán và tích trữ vàng, góp phần tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng với nhiệm vụ quan trọng là xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được triển khai kịp thời. Trong đó, gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản dự kiến sẽ giải ngân từ 15 nghìn tỷ đồng đến 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2013. Gần đây nhất, người trồng cà-phê ở Tây Nguyên đã được hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Hiện nay, lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh nhưng tín dụng chưa phát triển. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Ðề cập vấn đề đầu tư cho phát triển kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát các nguồn vốn đầu tư, Chính phủ sẽ tiếp tục bố trí vốn cho các dự án phát triển xã hội, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân.
Liên quan đến các dự án thủy điện như Ðồng Nai 6 và Ðồng Nai 6 A, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, hai dự án này chưa được phê duyệt. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá tác động môi trường của hai dự án này. Nếu ảnh hưởng lớn đến môi trường, sẽ ngừng triển khai.
Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiến nêu rõ, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội nhất là khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp cũng như hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục kiểm soát thu chi ngân sách, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết và không cấp bách, bảo đảm cân đối nguồn ngân sách, đồng thời rà soát các khoản nợ công để có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu QH cũng như tinh thần cầu thị, tiếp thu của các thành viên Chính phủ. Phó Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, bổ sung vào các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết của QH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()