Thảo luận hai dự án và nghe trình bốn dự án luật
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường ( Ảnh: ĐĂNG KHOA )Ngày 3-11, ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Buổi sáng các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình bốn dự án luật gồm: Luật Quảng cáo, Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính.Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửiThảo luận dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, vấn đề nổi lên, được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến là mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong quá trình xây dựng dự án luật này có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Có ý kiến cho rằng, nên chọn mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Ý kiến khác cho...
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường ( Ảnh: ĐĂNG KHOA ) |
Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi
Thảo luận dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, vấn đề nổi lên, được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến là mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong quá trình xây dựng dự án luật này có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Có ý kiến cho rằng, nên chọn mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Ý kiến khác cho rằng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước và do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập. Chính phủ cho rằng hoạt động bảo hiểm tiền gửi là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Mục tiêu này cũng thống nhất với mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước là bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo vệ người gửi tiền. Theo đó, Dự thảo luật quy định: “Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập, thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm tiền gửi, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận”. Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, chưa hiểu loại hình bảo hiểm tiền gửi là tổ chức gì trong các loại tổ chức tín dụng hiện nay, không biết đặt ở đâu cho phù hợp. Chính phủ đặt vào Ngân hàng Nhà nước (NHNN), còn Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị là tổ chức độc lập. Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Yên Bái), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH cũng phân vân, đây là tổ chức như thế nào? Là định chế tài chính nhưng nó có giống các công ty bảo hiểm khác hay không; hay chỉ vì mục tiêu giữ ổn định tiền gửi trong dân. Đại biểu này cho rằng, Bảo hiểm tiền gửi như một tổ chức, một đơn vị trực thuộc NHNN là không phù hợp. Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) cũng cho rằng, Bảo hiểm tiền gửi đưa vào NHNN là không phù hợp vì NHNN là cơ quan quản lý, không phải là ngân hàng đầu tư. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi không quá thụ động, nhưng cũng không có quyền giám sát.
Sửa đổi Luật Tài nguyên nước là cần thiết
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa X thông qua năm 1998, có hiệu lực từ ngày 1-1-1999. Qua 12 năm thực hiện, Luật đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Đến nay, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề mới phát sinh như: chưa quy định đầy đủ, toàn diện về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách hợp lý, cân bằng lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường; sử dụng nước tiết kiệm; duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông và mực nước giới hạn khai thác các tầng chứa nước dưới đất… Vì vậy, các ý kiến phát biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục những vướng mắc và bổ sung những quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nhấn mạnh, tình hình ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều ý kiến đề cập phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này (Điều 1), và tán thành đề nghị của Ủy ban Kinh tế của QH trong báo cáo thẩm tra là không đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào luật này vì các loại nước nói trên được coi là khoáng sản và đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản năm 2010 (các đại biểu Trần Văn Minh, Quảng Ninh; Lê Đắc Lâm, Bình Thuận). Về điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước, nhiều ý kiến đề nghị phải có đánh giá được tài nguyên nước ở nước ta hiện nay như thế nào thì mới đưa ra được chiến lược sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước (đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Thái Bình).
Chính phủ trình bốn dự án luật mới
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe đại diện Chính phủ trình bày các Tờ trình về dự án Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Báo cáo của QH thẩm tra các dự án luật nói trên.
Theo Tờ trình dự án Luật Quảng cáo do Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo, đến nay đã bộc lộ một số hạn chế, nhiều nội dung không còn phù hợp, không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo. Do vậy, việc ban hành Luật Quảng cáo là cần thiết nhằm điều chỉnh hoạt động quảng cáo. Việc ban hành Luật Quảng cáo bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu: tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm tính thống nhất, phù hợp các luật, bộ luật hiện hành; tạo động lực thúc đẩy hoạt động quảng cáo mạnh mẽ. Đồng thời, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.
Báo cáo thẩm tra dự án luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi trình bày cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Qua giám sát cho thấy, hiện nay có nhiều quảng cáo sai sự thật nhưng người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến cơ quan, đơn vị nào. Về cơ quan quản lý nhà nước hoạt động quảng cáo, hiện còn nhiều ý kiến khác, nhưng Báo cáo thẩm tra cho biết, qua khảo sát đa số ý kiến đề nghị giao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về quảng cáo là hợp lý.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Giá. Theo đó, Luật Giá được xây dựng xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá. Xây dựng cơ chế khẳng định quyền tự chủ về giá, quyền cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo tín hiệu của thị trường. Bảo đảm để hệ thống giá trong nền kinh tế chủ yếu do thị trường quyết định, xóa bỏ các hình thức bao cấp qua giá không phù hợp cam kết quốc tế. Việc xây dựng Luật Giá nhằm tạo cơ chế để giá cả phát huy những tác động tích cực đối với nền kinh tế như khuyến khích sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành… Luật Giá cũng đưa ra quy định Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất, kinh doanh; hàng hốa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của việc ban hành Luật Giá là các quy định phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung – cầu, tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ mục tiêu này. Do vậy, Ban soạn thảo cần hoàn chỉnh các quy định theo hướng Nhà nước chỉ thể hiện vai trò quản lý dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện thanh tra, kiểm tra và điều tiết ở mức độ nhất định dựa trên nguyên lý về sự vận động của giá theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ điều chỉnh, can thiệp trực tiếp vào giá bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Về bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; thẩm quyền quyết định công bố biện pháp bình ổn giá, Báo cáo thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng bảo đảm tính công bằng khi triển khai thực hiện và bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện cũng như có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá.
Cuối giờ chiều, QH đã nghe Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Giám định tư pháp và Tờ trình Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghe Báo cáo thẩm tra hai dự án luật nói trên do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày.
Theo Tờ trình Dự án Luật Giám định tư pháp, việc Ban hành luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giám định tư pháp theo hướng: Nhà nước tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng; sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức pháp y, pháp y tâm thần; thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; mở rộng phạm vi giám định tư pháp tạo điều kiện cho các đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị.
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong các Nghị quyết của Đảng. Luật được xây dựng theo hướng quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thông qua việc tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong những năm qua. Luật cũng được xây dựng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về Dự án Luật Giám định tư pháp cơ bản nhất trí với việc ban hành Luật nói trên. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Các lĩnh vực này được điều chỉnh bằng nhiều đạo luật khác nhau, theo các nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục khác nhau. Do đó, nội dung cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp cần bảo đảm sự thống nhất với các Bộ luật, các luật liên quan.
Đối với Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, Báo cáo thẩm tra cho rằng, việc ban hành luật nói trên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; khắc phục những bất cập trong thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổng kết đưa vào dự thảo luật, khắc phục tình trạng luật chỉ quy định chung chung, còn nội dung cơ bản giao cho văn bản dưới luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()